SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Những hành động phản cảm trong mùa lễ hội: Văn hóa đang dần bị biến tướng

20:58, 27/02/2018
(SHTT) - Các liền anh, liền chị vô tư ngả nón nhận tiền ở hội Lim, xoa tiền lên Phật cầu may, nhét tiền vào tay Phật, chen chân xin "nước Thánh" ở chùa Hương, chen lấn cướp chiếu cói ở lễ hội 'Đúc Bụt'... chính là những hành động phản cảm vẫn đang tồn tại trong các mùa lễ hội.

Các liền anh, liền chị vô tư ngả nón nhận tiền ở hội Lim

Sáng ngày 27/2 (12 tháng Giêng), là ngày đầu tiên hội Lim ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) mở hội đón du khách. 

Năm nay, Ban tổ chức hội Lim bố trí 13 khu vực hát quan họ tại sân chính chùa Lim và các ao làng thuộc các thôn xung quanh. Nhiều năm qua, theo quy định của Ban tổ chức, các liền anh, liền chị hát tại các khu vực không được nhận tiền của du khách. Tuy nhiên, thực tế tại các điểm hát quan họ, các liền anh, liền chị vẫn vô tư ngả nón nhận tiền của du khách tặng.

phan cam mua le hoi

 

Tình trạng ngả nón xin tiền diễn ra phổ biến tại điểm hát ở các ao làng. Đa phần người dân chủ động tặng các liền anh, liền chị. Người dân tặng đoàn hát tiền có mệnh giá phổ biến từ 5.000 đồng - 100.000 đồng. Đặc biệt, tại một số điểm hát, liền anh, liền chị chủ động ngả nón, tráp xin tiền. Đây là một trong những hình ảnh phản cảm tại Hội Lim năm nay.

Xoa tiền lên Phật cầu may, nhét tiền vào tay Phật

Trong những ngày vừa qua, chùa Bái Đính đã tổ chức khai mạc lễ hội 2018. Vì vậy hàng nghìn người dân quanh vùng và du khách thập phương đã tới đây lễ Phật đầu năm, bày tỏ sự thành kính dâng lễ Phật, cầu mong một năm bình an cho gia đình, người thân. Đây là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam.

xoa tien len phat a

 

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn xuất hiện những hình ảnh không đẹp khi người dân tranh nhau trèo lên ngọn đồi đặt tượng Phật Di Lặc nằm trong quần thể chùa Bái Đính và xoa tiền lên tượng Phật để cầu may. Không chỉ vậy, nhiều du khách còn có hành động ném tiền lẻ vào đầu Phật, dùng gậy để xoa tiền vào bụng Phật, nhét tiền vào tay Phật. Do người dân chạm vào tượng cầu may quá nhiều lần, các bức tượng đổi thành hai màu, một màu xanh xám tự nhiên của đá, một màu đen bóng nhẫy. Những hình ảnh xấu xí này đã làm mất đi nét linh thiêng của lễ hội.

Đánh giá về hành vi này, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, nguyên Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Pháp chế Trung ương GHPGVN cho rằng con người sẽ may mắn khi làm việc thiện và khi làm đúng lời Phật dạy.

“Nếu theo quan điểm đúng đắn của nhà Phật, hành động xoa tiền vào tượng chưa chắc đã mang lại may mắn, rất có thể sẽ bị tổn phúc bởi việc làm đó trở thành bất kính với Phật. Các vị bồ tát, đức Phật bỏ cả ngai vàng, quyền lực, tiền tài đi tu. Mục đích các ngài đi tu chỉ mong tìm đường cho chúng sinh thoát khổ. Do vậy, không bao giờ có chuyện chúng ta xoa tiền dưới chân ngài sẽ được may mắn. Theo đức Phật, ngài bỏ tiền tài như bỏ đờm rãi, bây giờ chúng ta mang thứ ngài bỏ đi để cầu cúng, liệu ngài có chấp nhận hay không? Điều ấy đã chứng minh hành động xoa tiền, buộc dây lạ lên mái đình cầu may là những hành động phi văn hóa, không đúng đạo lý đức Phật” - Thượng tọa Thích Tiến Đạt phân tích.

Chen chân xin “nước thánh”

Vào những ngày đầu năm mới, rất nhiều người dân chen chân vãn cảnh và xin “nước thánh” tại đền Phủ Na (còn gọi là Na Sơn Động Phủ) nằm dưới chân núi Nưa thuộc xã Xuân Du (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).

chen chan xin nuoc thanh

 

Theo quan niệm của dân gian, Na Sơn Động Phủ vốn là đỉnh núi cao nhất nằm trong dãy ngàn Nưa, dãy núi có 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất nước Nam gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa ở Thanh Hóa. Từ trên đỉnh núi cao này có một mạch nước ngầm luôn tuôn trào trong vắt, mát rượi chảy xuống núi từ phía sau đền Thượng. Không biết từ bao giờ, nguồn nước này đã được người dân và du khách cho là “nước thánh” có thể mang may mắn, tài lộc đến cho mình nên ai đến đây cũng mong muốn xin được một ít để uống hoặc rửa mặt cầu may.

Theo đó, hàng chục du khách cùng chen lấn quanh một nhũ đá, ngửa cổ và giơ tay lên để hứng những giọt nước từ phía trên rơi xuống. Vì số vị trí để hứng "nước thánh" rất ít, trong khi lượng người có nhu cầu rất đông, tình trạng chen lấn, thậm chí xô đẩy đã diễn ra.

Chen lấn cướp chiếu cói ở lễ hội 'Đúc Bụt' đầu năm

Mùng 7 - 9 tháng Giêng, người dân thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) lại mở hội 'đúc Bụt' tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh. 

3 thanh niên được chọn làm bụt từ hàng trăm trai làng với tiêu chuẩn là gia đình văn hóa, con cái ngoan ngoãn, chưa vợ, bố mẹ ông bà song toàn.

cuop chieu

 

Sau khi 3 bụt được làm lễ trong đền Đức Bà sẽ được đưa đi tắm ở giếng nước thiêng đầu thôn rồi được đưa xuống ao, lấy bùn trát kín toàn thân.

Sau khi được đắp bùn, chiếc chiếu cói chụp lên đầu mỗi bụt, trên đỉnh là bó mạ non xanh mướt. Điểm thu hút trong hội 'Đúc Bụt' là trò cướp chiếu. Tương truyền, người nào cướp được chiếu, gia đình đó sẽ sinh con trai. Chính vì vậy hàng trăm, hàng ngàn người đã 'lăm le' chực chờ nhảy vào cướp chiếu. Khi chiếc nồi đất được đập vỡ, hàng ngàn người dân đã xông vào giằng co, giẫm đạp lên nhau để cướp bằng được manh chiếu cói. 

Xẻ thịt trâu ngay sau màn chọi trâu

Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề “nóng” từ năm 2014 đến nay, bởi thực tế cho thấy, ở một số nơi việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào, thường giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh.

Lễ hội chọi trâu gây phản cảm ở chỗ, ngay sau sới chọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất của loại hình lễ hội này.

xe thit trau

 

Mặt khác, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội. Lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn... Nhiều địa phương, ban tổ chức chọi trâu chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy tác động mặt trái của loại hình lễ hội này.

Hiện tượng cướp lộc, phát ấn phản cảm ở Đền Trần

Khai ấn Đền Trần (Nam Định) là một trong những lễ hội có nhiều hành vi phản cảm của du khách nhất. Mặc dù ban tổ chức lễ hội luôn phòng ngừa mọi tình huống không đẹp có thể xảy ra nhưng người tham dự đêm khai ấn vẫn không đi trật tự theo hàng lối mà trèo rào, nhảy bổ vào trong cướp lộc lấy may.

cuop loc o den tran

 

Giành giật chỉ đỏ tại chùa Hương

Trẩy hội chùa Hương (Hà Nội) là một nét đẹp văn hóa du lịch nhiều năm nay. Tuy nhiên, chỉ một hành động có dấu hiệu mê tín dị đoan cũng làm cho lễ hội này trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. Tại ngày khai hội hôm mùng 6 tháng Giêng âm lịch, một nhà sư phát lộc chùa là những chiếc vòng chỉ đỏ có gắn ngọc in chìm tượng phật bên trong bằng cách ném xuống. Hàng trăm người đã nhao nhao vào giành giật.

gianh giat chi do o chua huong

 

Những hình ảnh trên đang dần làm biến tướng đi nét văn hóa trong mùa lễ hội ở Việt Nam. Mặc dù trong năm 2018, ngay đầu tháng 2, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội nhưng những hình ảnh phản cảm trên vẫn đang tiếp diễn.

Trà My

Tin khác

Đời sống sáng tạo 3 giờ trước
Trên thực tế, nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào. Ngay cả khi cơ thể của bạn còn trẻ và khỏe mạnh. Do đó, ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị cho mình và người thân một biện pháp đảm bảo tài chính trong tương lai, cụ thể là tham gia bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Khoa học Công nghệ 4 giờ trước
(SHTT) - Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập DeepMind của Google, cùng với Giám đốc điều hành của Microsoft, Satya Nadella, sẽ giám sát một loạt dự án, đáng chú ý là dự án tích hợp AI Copilot vào Windows.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhờ vào những cống hiến và sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 23/8 đến 27/8/2024. Chủ đề thi của ABU Robocon 2024 mang tên "Ngày mùa", lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang.