SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Những góc khuất cuộc sống đằng sau khu công nghiệp!

15:48, 08/10/2019
(SHTT) - Vui mừng khôn xiết khi nộp hồ sơ và được nhận vào làm công nhân tại các khu công nghiệp nhưng  bên cạnh đó là những cạm bẫy khôn lường mà những thanh niên trẻ tuổi chưa ngờ tới…

Có dịp đi ngang qua những khu công nghiệp thuộc địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vào buổi tan tầm mới thấy hết được sự đông vui, náo nhiệt của cuộc sống những người công nhân tại đây. Phải nói rằng, những khu công nghiệp mọc lên đã đem lại nhiều cơ hội kiếm tiền cho những người dân địa phương lẫn dân cư nơi khác đến làm công nhân cũng như làm thay đổi bộ mặt của một vùng quê nghèo khó.

khu cong nghiep

 Công nhân chuẩn bị vào làm tại KCN

Nếu như trước đây, các gia đình quanh năm gắn bó với ruộng đồng, chăn nuôi vất vả thì nay khi những khu công nghiệp lập ra, các công ty mọc lên kéo theo hàng nghìn người lao động ở các địa phương khác đến làm việc và sinh sống, đã mở ra những cơ hội thay đổi nghề nghiệp nhất định cho họ. Trừ số ít hộ có đất ở khu công nghiệp nên được đền bù một khoản tiền lớn, đa phần các gia đình nếu không có vốn thì sẵn sàng vay mượn người thân, họ hàng để xây khu nhà trọ để cho công nhân thuê. Mỗi phòng giá trung bình từ 1 triệu tới 1,5 triệu đồng trên tháng, nhà ít thì có 3 đến 5 phòng, nhà nhiều có điều kiện hơn thì có chục phòng hoặc nhiều hơn nữa, mỗi tháng trừ chi phí đi, mỗi nhà cũng đã có năm bảy triệu đồng để ra hoặc hơn chục triệu trở lên với những nhà có nhiều phòng. Không những vậy, song song với việc quản lý, kinh doanh phòng trọ họ vẫn có thể làm những việc khác, hoặc đi làm công nhân tại các công ty xung quanh mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Một số hộ có lợi thế về vị trí nhà ngay mặt đường, khu dân cư đi lại thì mở của hàng bán lẻ hàng hóa cho người dân cũng đem lại nguồn thu nhập khá cao. Không những vậy, do nắm bắt được nhu cầu của người lao động nên một loạt các quán xá phục vụ ăn uống, nhậu, nhà nghỉ cho tới quán hát karaoke được xây dựng và đưa vào hoạt động tạo nên bộ mặt khang trang, phát triển nhanh chóng cho những khu dân cư  xung quanh các khu công nghiệp. Đêm đến, khi công nhân hết ca được nghỉ thì những quán cóc vỉa hè, quán nướng, quán bia ăn, quán ăn đêm cho tới các quá hát karaoke càng thêm đông vui, tấp nập cho tới đêm muộn mới tan dần.

khu cong nghiep 1

 Hình ảnh người lao động đi xin việc tại các công ty

Những cạm bẫy đằng sau …

Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp cũng đồng thời kéo theo những hệ lụy đáng buồn cho không ít những người công nhân làm việc tại đây. Ánh mắt thất thần nhìn về phía xa xăm, em Nguyễn Văn D (quê Na Hang - Tuyên Quang) cho biết đầu năm nay thấy thông tin đăng tuyển trên mạng cũng như từ một số người ở quê đang làm công nhân dưới này, em cùng một số bạn bè ở quê mang hồ sơ xuống đây nộp xin vào làm công nhân. Bắt xe khách từ quê xuống đến nơi phải đi tìm nhà trọ ở tạm rồi mới mang hồ sơ xin việc đi nộp thử ở một vài công ty nhưng chật vật mãi em mới được nhận vào làm ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc.

Theo D thì cũng như nhiều người ở các địa phương vùng miền núi khác như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… cho tới một số ở vùng lân cận của Vĩnh Phúc, đa phần những người xuống đây xin làm công nhân đều xuất phát điểm ở nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc không có công việc, nguồn thu nhập ổn định, trình độ học vấn bị hạn chế. Do đó, xin được công việc đi làm, có thu nhập để gửi về quê hỗ trợ gia đình là niềm mong mỏi không chỉ của riêng em mà tất cả những người đi xin việc đều như vậy. Nhưng công cuộc xin việc làm đối với nam giới như D càng khó khăn hơn khi các đơn vị tuyển dụng đa phần đều muốn tuyển nữ giới để dễ quản lý hoặc cho rằng nữ giới sẽ chăm chỉ hơn nam, vậy nên để xin được vào công ty làm với D đã là một sự may mắn hơn một số người bạn rồi.

Tháng đầu tiên đi làm, công việc đều lại được đi làm cả ngày chủ nhật hưởng 200% lương so với ngày bình thường, cộng thêm tiền tăng ca, hỗ trợ đi lại, phụ cấp nên đến kỳ lĩnh lương D được nhận hơn 9 triệu đồng. Với một người ở quê xuống mới đi làm như em thì số tiền được lĩnh ấy quả là một thành quả lớn lao để có thể gửi về nhà hỗ trợ bố mẹ cho các em ăn học rồi còn tiết kiệm chút ít cho bản thân phòng lúc ốm đau hoặc có việc cần dùng tới nữa. Tháng đầu tiên thuận lợi, tháng thứ hai rồi thứ ba cũng đều đều như vậy, trung bình mỗi tháng lương D khoảng 7 – 8 triệu, trừ đi sinh hoạt phí rồi gửi về nhà một phần, mỗi tháng cũng dành dụm được đôi triệu trong tài khoản cá nhân.

khu cong nghiep 2

 Công nhân đợi vào nộp hồ sơ xin việc

Mọi chuyện sẽ vẫn yên bình như vậy nếu không có chuyện trong quá trình đi làm D tiếp xúc rồi có nhiều các mối quan hệ bạn bè trong công ty, nhất là một số các nam công nhân trẻ cũng xa gia đình và ham vui chơi thậm chí liên quan đến cờ bạc, tín dụng đen. Rồi hết giờ làm về anh em, bạn bè lại rủ nhau ngồi giao lưu ăn uống, bia rượu rồi hát hò tới tận đêm muộn mới về phòng trọ. Cuộc sống của D từ đây như chuyển sang một trang khác, D được đi ăn đi chơi, được gặp gỡ với nhiều người, được người ta biết đến, ca tụng như một con người có đẳng cấp. Vậy là D bị cuốn vào một vòng xoáy mà một thanh niên mới ở quê xuống chưa bao giờ nghĩ tới và trải qua, nhưng có lẽ nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thôi thì D sẽ không phải trải qua những giây phút bế tắc và lo lắng như bây giờ. Bởi sau những cuộc ăn chơi đó, D còn bị lôi kéo vào mấy trò cờ bạc ăn tiền đỏ đen thâu đêm cũng đám bạn, không những vậy trò lô đề cũng khiến D thêm bị âm về tài chính nhiều hơn.

Vậy là bao nhiêu tiền đi làm về D nướng hết vào ăn chơi, cờ bạc, hết thì đi vay mượn bạn bè và cuối cùng tìm tới các quán cầm đồ, tín dụng đen để có tiền. Cứ như vậy D cứ buông mình theo những cuộc vui và cuộc chơi để rồi trượt dài. Và giờ đây ngồi trước mặt tôi là cậu thanh niên mới 19 tuổi mà thoạt nhìn qua ai không biết tưởng như ông trung niên bốn năm mươi tuổi. Ánh mắt thâm quầng vì mất ngủ thoáng sự bất an, thân hình gầy gò, run run, D kể giờ bản thân đã nợ quán cầm đồ mấy chục triệu, lãi suất họ tính hàng ngày, rồi nợ nần anh em bạn bè trong công ty mà thời gian gần đây, công ty ít việc chỉ làm hành chính chứ không tăng ca nên lương thấp, chỉ đủ trả nợ tiền lãi, còn tiền nhà, sinh hoạt phải đi vay mượn để dùng. "Cuộc sống với em giờ tù túng còn hơn ngục tù anh ạ, em giờ thấy hối hận lắm, chỉ muốn cố gắng làm để dần trả hết nợ lãi suất cao tại hiệu cầm đồ rồi nợ nần bạn bè trong công ty nữa cho xong rồi em về nhà làm ruộng với bố mẹ cũng được, chứ giờ em mà trốn thì mấy anh cho người lên tận nhà tìm thì em chết anh ạ ...”, D nghẹn ngào kể lại trong tiếc nuối.

D cho biết thêm câu chuyện em đang trải qua cũng có khá nhiều các bạn nam công nhân khác ở khu công nghiệp này mắc phải, cơ bản vì các em mới lớn, đi làm xa nhà lại ở một mình, sự va chạm xã hội ít nên khi bị cuốn vào vòng xoáy u mê mà không biết làm thế nào để thoát ra. Cùng với đó là những cạm bẫy đến từ các tổ chức tín dụng đen, đối tượng ghi số lô đề, chúng cho người tìm hiểu, dụ dỗ rồi khi có những con mồi sẽ tạo điều kiện cho vài lần đầu thuận lợi chỉ cần để lại giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, thẻ ngân hàng mà công ty chuyển lương hàng tháng là có thể vay một số tiền nhất định từ vài triệu đến vài chục triệu với lãi suất tính bằng vài nghìn đồng trên triệu trên ngày, hoặc ghi số lô đề trước rồi nếu trượt cho nợ tới lấy lương tr ... Với những chiêu thức hết sức tinh vi và giảo hoạt như vậy ,thử hỏi rằng còn có bao nhiêu câu chuyện đáng buồn như của D ở xung quanh khu công nghiệp này nữa?

Đôi phút trải lòng với câu chuyện của D, nhìn dáng vẻ mệt mỏi của những tốp công nhân tan ca đang trên đường trở về phòng trọ sau một ngày dài làm việc mà lòng tôi ngổn ngang bao nỗi niềm xót xa, bất chợt như nghe đâu đó vọng lại lời bài hát Chuyện đời Công nhân của tác giả Nguyễn Phúc Thắng:

‘‘Cuộc đời công nhân sống giữa nơi phồn hoa              

Không nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha già trông ngóng             

Bao nước mắt mồ hôi, bao nhọc nhằn hôm sớm            

Mơ một ngày về quê hương... ’’.

Đức Huân

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Theo công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đạt được xếp hạng thứ 3 cả nước về chỉ số cải cách hành chính.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - “Tuổi trẻ sáng tạo” là một trong những phong trào truyền thống của đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn Quảng Ninh. Phong trào này đi sâu, đi sát vào những nhiệm vụ mà tỉnh và các địa phương đang triển khai.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vừa có Thư kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.