SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Những chuyến xe nối yêu thương từ miền Trung vào miền Nam: 'Cho tui gửi chút đồ vô Sài Gòn với'

07:24, 19/07/2021
(SHTT) - Từ trước đến nay, người ta vẫn thường nhìn thấy dòng chữ “Hướng về miền Trung thân yêu” nhưng hôm nay, hãy để tôi kể các bạn nghe về những chuyến xe đề băng-rôn: “Hướng về thành phố mang tên Bác”!

Những ngày qua, từng đoàn xe nối đuôi nhau băng băng trên con đường quốc lộ với một mục tiêu duy nhất: Hướng về Sài Gòn - Hướng về thành phố mang tên Bác. Trên những chuyến xe tưởng chừng như bình thường ấy là tấm lòng, tình thương, là lòng quý mến và đền đáp mà tập thể những đứa con của “khúc ruột miền Trung” gửi tặng dân miền Nam niềm nở. Chạy theo những chuyến xe ấy không chỉ là lương thực - thực phẩm, nhu yếu phẩm mà còn là lời chúc của miền Trung với hy vọng miền Nam sớm ngày “khỏi bệnh”.

Sài Gòn - mảnh đất tứ xứ, quê hương thứ hai của những mảnh đời trôi dạt từ khắp những miền với ước mong đổi đời. Sài Gòn dù mùa nắng hay mưa đều rộng lòng dang tay che chở, bảo bọc, vỗ về những sinh mệnh tìm đến đây. Một nơi cả ngày lẫn đêm đều không ngớt tiếng rao hàng, tiếng huyên náo bỗng bình yên đến lạ! Mảnh đất gắn liền với những bươn chãi mưa nắng bao mùa - Sài Gòn ấy, mấy nay “bệnh” rồi!

 

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn tiếp tục có dấu hiệu tăng nhiệt. Các ca nhiễm mới vẫn xuất hiện khá nhiều tại các địa phương, trong đó có cả ca nhiễm trong cộng đồng. Sài Gòn đã bắt đầu tiêm vắc-xin gần một tháng nay cho người dân nhưng số ca nhiễm vẫn không giảm bớt.

Công tác giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ đã được áp dụng khiến cả Sài Gòn vốn yên ả trong những ngày chống dịch, nay lại càng hiu hắt. Những con đường hằng ngày vốn đông đúc giờ trở nên vắng lặng đến lạ thường. Một Sài Gòn quen thuộc trong cái màu lạ lẫm mà đến cả Tết cũng chưa từng im ắng đến thế!

Vậy người ta đi đâu? Một số người nhanh chóng thu vén hành lý về quê tránh dịch, một số khác không về kịp hoặc không có chỗ để về thì ở lại chèo chống qua mùa hung hiểm. Lệnh giãn cách được ban ra, đồng nghĩa với việc mọi hoạt động mưu sinh đều phải tạm ngừng hoặc giảm bớt. Cuộc sống của những con người lao động quanh năm bán bưng cùng mưa nắng đất Sài Thành đã khó, nay lại càng khó hơn.

 

***

Trong những ngày dịch bệnh tràn lan, khắp ngõ cùng hẻm nhỏ đều bị giăng dây cách ly, phong toả, người ta lại càng quý hoá cái tình người san sẻ giúp đỡ nhau giữa những lúc nguy khốn. Hàng trăm tấn lương thực - thực phẩm, những bao tải nhu yếu phẩm, thuốc thang được cẩn thận chuyên chở về vùng đất trũng phía Nam này.

Chẳng cần ai nhắc nhở bảo ban, người dân cả nước vẫn tự ý thức “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát”. Nơi nào khó khăn nhất thì sẽ được ưu tiên chi viện và tiếp tế. Dù hoàn cảnh sống của người dân miền Trung quanh năm dãi dầu với sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn nở nụ cười nhiệt tình, “đợt trước người dân Sài Gòn lội lũ đi phát quà cho mình thì giờ khó khăn mình giúp lại”.

Sự giúp đỡ không cần bảo ban, mỗi người đều tự ý thức có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, mỗi người một tấm chân tình cùng người dân miền Nam đương đầu với dịch bệnh. Phía sau một tiền tuyến mạnh mẽ chính là hậu phương vững chắc - câu nói này dù là thời chiến hay thời bình đều chưa bao giờ sai. Hơn hết, người dân miền Trung hướng về Sài Gòn không chỉ là giúp đỡ hai tiếng đồng bào mà còn là những ánh mắt mỏi mong dõi theo tin tức của vùng đất mà con cháu họ đang sinh sống và làm việc.

Không ít người Sài Gòn phải cay khóe mắt khi nhìn thấy bà con vùng rốn lũ như Quảng Bình, Quảng Trị mang từng bó rau, quả bí, bao gạo hay đơn giản chỉ là những hũ muối sả gửi vào Nam giúp người dân có thêm bữa ăn hằng ngày. Từ khi chỉ thị 16 được ban hành tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, bà con miền Trung cũng “nóng ruột” không kém. Từng trải qua giai đoạn khó khăn như người Sài Gòn, hơn ai hết, người miền Trung hiểu được cảm giác của sự thiếu thốn, bí bách và lo lắng không yên.

Họ bàn bạc rồi phát động nhiều phong trào quyên góp, mỗi người mỗi chút, có gì góp nấy gửi hết vào Nam. Thật xúc động khi thấy cả khuôn viên của một ngôi chùa tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chất đầy bao gạo, rau củ quả được người dân mang đến. Nhìn cụ già lom khom vác gạo hay các em nhỏ tung tăng mang từng bó rau, bê từng quả bí đều khiến ai nấy rưng rưng. Số thực phẩm này sẽ được trao đến những bếp nấu thiện nguyện, những gian hàng 0 đồng cho bà con vùng cách ly tại TP.HCM.

Cũng tại tỉnh Quảng Trị, bà con xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chỉ trong vài ngày đã góp được 2 tấn nông sản. Thậm chí, một chị phụ nữ tên Nguyễn Thị Hạt ở thôn Long Thành đã đóng góp một con lợn nặng 1,2 tạ để làm muối sả đóng hộp gửi vào cho bà con đang gặp khó khăn.

Tại Huế, chương trình “Hue love Sai Gon” được phát động bởi một cựu học sinh Huế đang sinh sống tại Sài Gòn đã gửi 3000 suất quà cho người nghèo và các công nhân bốc vác đang tá túc tại các phòng trọ. Các chị các mẹ tạm gác công việc, tỉ mỉ nhóm lửa rang muối sả đóng hộp gửi vào Nam phòng trường hợp người dân khó khăn chỉ ăn cơm trắng, có thêm tí muối sả ít nhiều giúp chén cơm có chút mặn mà.

Trên đây chỉ là vài đơn cử cho hàng trăm địa điểm phát động ủng hộ Sài Gòn của người dân miền Trung. Bà con các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng cũng âm thầm góp thịt cá, mắm muối vào Nam với tiêu chí “của ít lòng nhiều”, góp gió thành bão!

 

***

Ngày thường, bó rau, con cá hay hủ mắm đơn giản chỉ cần ra chợ hay siêu thị mua về nhưng thời điểm giãn cách này, mọi thứ dường như quá xa xỉ với người dân Sài Gòn. Xếp hàng vài tiếng đồng hồ chỉ để mua vỉ trứng gà, mớ rau hay cân thịt chỉ cần nhích nhẹ vài ngàn đã thấy đắt đỏ. Bởi, giãn cách khó khăn, lao động không được lấy tiền đâu trang trải. Thế mới thấy, lòng thành của bà con miền Trung qua từng hủ muối, bao gạo, trái bí,…lớn lao đến thế nào. Mọi thứ bình thường trở nên đáng quý, nhưng đáng quý hơn cả chính là tấm lòng tương thân tương ái kịp thời của đồng bào ta.

Bà con miền Trung giúp người dân Sài Gòn vượt qua khó khăn mùa dịch không hẳn chỉ vì lòng đồng cảm, xót xa cho cảnh khốn cùng mà còn vì 2 chữ tri ân! Ân tình của người miền Nam từng gom góp tiền của gửi ra cho bà con miền Trung vượt qua bão lũ năm nào nay được chính người miền Trung trả ơn bằng cả tấm lòng.

"Mỗi khi miền Trung lũ lụt thì các nơi đổ về cứu trợ, giúp đỡ. Không ít chuyến hàng nặng trĩu từ TP.HCM ra, nên khi nghe nơi đây gặp khó khăn dịch bệnh, người dân ai cũng nóng lòng được sẻ chia tình nghĩa đồng bào. Chúng tôi sẽ kết nối để vận chuyển tấm lòng của bà con đến TP.HCM sớm nhất có thể….”, chia sẻ của một cán bộ ở Quảng Trị đứng ra kêu gọi người dân tiếp sức cho Sài Gòn.

Nhớ năm nào từng chuyến xe từ thiện nối đuôi nhau từ miền Nam ra cứu giúp bà con miền Trung giữa cơn lầm than do thiên tai gây ra, bây giờ, từng chuyến xe chở gạo, lương thực chất chứa bao yêu thương tất tả chạy ngược từ miền Trung vào tâm dịch. Chưa bao giờ, người ta lại cảm động và tự hào nhiều đến thế về tinh thần tương thân tương ái, sống đầy nghĩa tình của đồng bào ta trong cơn hoạn nạn như bây giờ…

Mỗi ngày đọc tin tức, hễ thấy Sài Gòn thêm ca dương tính là ai nấy đều ngao ngán thở dài. Sài Gòn “ốm” lâu thật! Nhưng rồi niềm tin vẫn chính là thứ cứu rỗi tâm hồn mỗi con người, giúp chúng ta vực dậy tiếp tục chiến đấu cho một ngày mai yên ổn. Người Sài Gòn bây giờ chẳng mong gì cao xa, họ nhớ da diết những chiều tan ca kẹt xe nhích từng chút một, nhớ tiếng rao đêm trong từng ngõ ngách, nhớ những con phố không ngủ tấp nập mỗi ngày. Họ thà cằn nhằn vì một Sài Gòn nắng mưa thất thường còn hơn nhìn cảnh giăng dây khắp nơi rồi lại nơm nớp lo sợ.

Ở một nơi xa, người miền Trung dõi theo Sài Gòn từng ngày. Ở đó không chỉ có đồng bào ta nói chung mà còn là nơi cưu mang những người con miền Trung xa quê đang nương nhờ mảnh đất mang tên Bác để lập nghiệp. Lo lắng nhưng không nao núng, lời yêu thương không chỉ ở trên miệng, bà con miền Trung bắt tay vào công cuộc chung sức vì một Sài Gòn mau “khỏi bệnh”. Từng mớ rau, cân gạo đều là nguồn thu nhập của người làm nông, con lợn đáng giá vài triệu có khi là cả gia tài, tạm gác việc làm việc học để gom góp, gói ghém từng suất quà ròng rã mấy ngày liền,…Tất cả có là gì so với tiếng gọi cứu giúp khẩn thiết từ Sài Gòn thân yêu. Người miền Trung vốn tính chân chất, khảng khái, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để chung tay vì việc lớn.

Chút lòng thành của bà con miền Trung gửi vào Nam không chỉ là cứu cánh cho những bữa ăn thiếu thốn mà còn là cái nắm tay động viên nhau cố lên. Sài Gòn “ốm nặng” kêu cứu, miền Trung và người dân cả nước vội đáp lời: “Chúng tôi ở đây, vẫn luôn ở đây hướng về các bạn…”. Thiếu thốn về mặt vật chất không thể khiến con người ta ngã gục ngay được nhưng cô đơn chống chội với cơn sóng dữ mới là thứ dễ khiến con người rệu rã, bỏ cuộc. Người Sài Gòn được bà con miền Trung tiếp sức về vật chất lẫn tinh thần, trong cuộc chiến này, chúng ta không cô đơn, không một ai bị bỏ rơi, mọi người nắm tay nhau cùng vượt qua gian nan phía trước!

Sài Gòn sẽ hết “ốm” sớm thôi, sau cơn mưa trời lại sáng và phía xa xa kia là cầu vồng xuất hiện mang bao niềm tin, hy vọng cho mọi người. Trải qua những cơn mưa mới biết trân quý những ngày nắng, Sài Gòn ráng thêm chút nữa, chịu khó ở nhà tuân thủ lệnh giãn cách, chịu khó san sẻ với nhau bao gạo, vỉ trứng, cân thịt, chịu khó trao đi yêu thương với nhiều mảnh đời khó khăn hơn mình. Chỉ có thế Sài Gòn mới nhanh khỏi “bệnh”, thành phố khỏe thì người dân khỏe và chúng ta lại nhanh chóng “thiết lập trạng thái bình thường mới”. Người dân miền Trung và đồng bào cả nước vẫn đang ngày đêm hăng say hô hào góp sức cùng thành phố mang tên Bác. Vì thế hãy vững tin, kiên cường như Sài Gòn đã từng, để ngày mai đây thôi chúng ta lại tự tin bước ra đường vươn vai nhìn dòng người tấp nập, lắng nghe thanh âm ồn ào nơi phố xá, mỉm cười vì một tiếng rao đêm hay chạy xe dưới những cơn mưa trong niềm hào hứng tột cùng.

Sài Gòn ráng “khỏe” lại nhé, chúng tôi chờ bạn!

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 7 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 7 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.