SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Những chiến lược giúp Việt Nam lật ngược tình thế trên đường đua phủ vaccine COVID-19

08:19, 02/01/2022
(SHTT) - Cách đây chưa tới nửa năm, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam, rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số. Nhưng, tính đến hiện tại những gì chúng ta làm được đã hoàn toàn khiến bạn bè quốc tế nể phục.

Việt Nam từng là quốc gia được đánh giá thấp trong nỗ lực phủ vaccine COVID-19

Cách đây chưa tới nửa năm, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam, rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.

Tới đầu tháng 8 năm nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á (chỉ trước Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, đạt tỷ lệ bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp là do nước ta không nhận được ưu tiên phân phối vaccine (vì vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh từ đầu năm 2020) trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu khan hiếm.

Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng mới Delta lây lan nhanh hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều và khó kiểm soát hơn nhiều. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư từ tháng 4/2021 đã nhanh chóng lan sang 62/63 tỉnh thành trong cả nước và gây ra những hậu quả rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội.

Đầu tháng 6, ngay sau bài phát biểu kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi lễ ra mắt Quỹ vaccine, hàng nghìn tỷ đồng đã được đóng góp từ hàng chục triệu người dân Việt Nam đoàn kết, đồng lòng, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Vấn đề nguồn lực được giải quyết, Thủ tướng đã chỉ rõ những mũi nhọn trong chiến lược vaccine: Ngoại giao vaccine; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và chiến dịch tiêm chủng.

Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine ngừa COVID-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine trở thành “ánh sáng cuối đường hầm”, với sứ mệnh đưa nguồn vaccine quý giá về trong nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết. Ngoại giao vaccine trở thành một “mặt trận” rất quan trọng, khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine.

"Phải nhập khẩu được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Khó khăn là khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta ngồi im." – Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao tận dụng mọi kênh để tiếp cận nguồn vaccine.

Ngày 13/8, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương, tận dụng các mối quan hệ song phương, đa phương thông qua các tổ chức quốc tế, cơ chế COVAX, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vaccine trong nước cũng như ngoài nước để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất, không chỉ vaccine mà cả thuốc điều trị và trang thiết bị cho nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh ba hướng mục tiêu của Tổ công tác gồm: Thực hiện đôn đốc triển khai giao vaccine đúng hạn; vận động xin viện trợ vaccine từ các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

270009692_289474953217292_5176273838722126841_n

 

Chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam

Để triển khai ngoại giao vaccine, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã tích cực “chắt chiu” từng cơ hội, vận động mua, xin chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vaccine giúp đất nước thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tại các diễn đàn đa phương, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam luôn truyền thông điệp về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng và bình đẳng vaccine, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ vaccine cũng như hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine.

Với tinh thần đoàn kết quốc tế, truyền thống tương thân, tương ái, Việt Nam đã đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho Cơ chế COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho cơ chế lên 1 triệu USD.

Trên bình diện song phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đích thân thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy ngoại giao vaccine cũng như các hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine.

Trong thời gian ngắn, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã tích cực gửi thư và điện đàm với lãnh đạo 22 nước và 10 tổ chức quốc tế, gặp mặt Đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Mỹ và châu Âu vận động ngoại giao vaccine.

Trong quá trình triển khai công tác ngoại giao vaccine, các bộ, ngành trong nước, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp nhịp nhàng thực hiện mục tiêu ngoại giao vaccine.

Tổ Công tác ngoại giao vaccine kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; kết nối nhập khẩu một số loại thuốc điều trị COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, các Đại sứ, nhà ngoại giao Việt Nam đã kiên trì bền bỉ tiếp xúc, vận động, thuyết phục Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nước bạn, xem xét cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX và điều chỉnh chính sách về viện trợ vaccine song phương.

Từ đầu tháng 8, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tìm hiểu kinh nghiệm của Nga trong phòng chống dịch, tìm kiếm các nguồn thuốc điều trị và đặc biệt là vaccine để phối hợp với trong nước triển khai mua, nhập khẩu.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đánh giá kết quả ngoại giao vaccine thực sự là kết tinh tổng lực, quyết liệt từ các cấp, các ngành và từ trong đến ngoài nước.

Quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đem tới ‘quả ngọt’ khi hàng trăm triệu liều vaccine được chuyển về Việt Nam trong vòng hơn bốn tháng qua.

Thành quả từ nỗ lực ngoại giao vaccine 

Thông qua con đường ngoại giao, từ một nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, trở thành một nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn kế hoạch.

Quan trọng hơn, đây là tiền đề để một nền kinh tế có độ mở cao nhất nhì khu vực như Việt Nam dần mở cửa trở lại.

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến hết ngày 26/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 183 triệu liều vaccine phòng COVID-19, nhiều hơn mục tiêu 150 triệu liều mà Chính phủ đặt ra khi triển khai Chiến chiến lược tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu. Trong đó, chỉ trong hơn bốn tháng qua, khoảng 170 triệu liều vaccine đã được đưa về Việt Nam.

Trong tổng số 183 triệu liều vaccine, Việt Nam đã nhận được gần 89 triệu liều từ nguồn viện trợ đa phương qua Cơ chế COVAX (45,2 triệu liều), nguồn viện trợ song phương từ Chính phủ hơn 20 nước (hơn 20,5 triệu liều) và nguồn doanh nghiệp tài trợ (khoảng hơn 20 triệu liều).

Ngoài ra, nỗ lực ngoại giao vaccine góp phần vận động công ty Pfizer và AstraZeneca chuyển giao vaccine cho Việt Nam đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký kết, giúp Chính phủ nhập khoảng 90 triệu liều vaccine từ ngân sách Nhà nước để tiêm chủng cho nhân dân.

Ngày 9/12, hơn 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca cuối cùng trong hợp đồng mua bán 30 triệu liều với Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) do Chính phủ mua lại đã về đến TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Pfizer Albert Bourla cũng đã cam kết nỗ lực hết sức, tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao 31 triệu liều vaccine theo hợp đồng đã ký kết cho cho Việt Nam trong năm 2021.

Cơ chế COVAX đã đẩy nhanh việc phân bổ và chuyển giao 45,2 triệu triệu liều vaccine cho nước ta, tăng thêm 9 triệu so với con số 38,9 triệu liều mà Cơ chế cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

Ngoài ra, Việt Nam đã nhận viện trợ vaccine và nhượng lại vaccine dôi dư từ 23 quốc gia, đối tác, bạn bè truyền thống.

269805536_289474673217320_5318444616559519090_n

 

Theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, Mỹ hiện là nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX với 24,6 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Giám đốc USAID cho biết Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ ứng phó với đại dịch từ rất sớm, qua việc gửi tặng rất nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Nên bây giờ, khi Việt Nam cần giúp đỡ, Mỹ luôn sẵn sàng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp nhận 7 triệu liều vaccine Vero Cell từ Trung Quốc, 5,95 triệu liều vaccine AstraZeneca và Moderna từ Đức, 5,6 triệu liều từ Nhật Bản, 2,8 triệu liều từ Italy, 2 triệu liều từ Pháp.

Nhờ kết quả vận động ngoại giao vaccine, Ba Lan, Hungary, Latvia đã nhượng lại 3,6 triệu liều vaccine giá gốc cho Việt Nam.

268429761_289474793217308_2399021769625120460_n

 

Việt Nam hiện là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến 27/12, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho ít nhất 70% dân số. Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này, nhưng tính về số liều vaccine đã được tiêm thì Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức.

Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 70% dân số.

268336529_289467893217998_5360939882910417603_n

 

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đang tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022, chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trong năm 2022 sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, công tác ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2022 nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm tới, tiếp cận nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em, hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo nguồn mua và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước.

Trong thời gian tới, ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục góp phần giúp nước ta thực hiện mục tiêu tự chủ sản xuất vaccine “made in Việt Nam” và đưa Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc VABIOTECH thực hiện sản xuất gia công thành công vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Qua đó, không những tạo tiền đề cho việc đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước, mà còn từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á.

Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, sớm nhất đến đầu năm 2022, hợp tác giữa Vingroup và Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ về công nghệ mRNA sẽ có kết quả. Vaccine theo công nghệ mRNA được chứng minh là có hiệu quả trên cả những biến thể như Delta, Omicron.

Ngoại giao vaccine trở thành một dấu ấn đậm nét của ngành ngoại giao nói riêng và của đất nước ta nói chung trong năm 2021, chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục.

Đây cũng là thành quả của 35 năm Đổi mới đất nước, là kết tinh của nỗ lực nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thành công của chiến lược vaccine là một yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn 'bình thường mới’.

Hương Giang-Tuấn Dũng

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Thời gian qua các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên điều trị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh, những người làm nội dung thông tin trên môi trường mạng cần có trách nhiệm hơn.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin tại buổi Họp báo, thông tin về tình hình kinh tế -xã hội Quý I năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo, ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ buổi Họp báo thông tin về tình hình kinh tế -xã hội Quý I năm 2024 được UBND Thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 28/3 vừa qua, trong quý đầu năm, Thủ đô đã ghi nhận nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về 24 thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần chú ý để tránh mất tiền oan.