SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Chuyện chưa kể về các nghệ nhân đứng sau nghề múa lân sư rồng

10:32, 30/01/2022
Theo nghề từ trẻ, thức khuya dậy sớm, lấy đam mê để nuôi đam mê, chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ,.. đó là những yêu cầu khắt khe của nghề làm lân sư rồng.

Dành cả thanh xuân để vẽ lân sư rồng

Những ngày này, anh Bạch Chí Hùng (39 tuổi), chủ cơ sở làm lân sư rồng Thuận Anh Hãng, (quận Bình Tân, TP.HCM) cùng các thợ làm việc từ sáng đến đêm để kịp giao hàng cho khách.

“Ở đây có mấy anh em làm à, vừa làm vừa đi múa lân kiếm tiền thêm, ai cũng bắt đầu với nghề từ khi còn trẻ măng, thường xuyên thức khuya dậy sớm. Đặc biệt, mấy ngày gần tết phải làm xuyên đêm để có sản phẩm kịp cho khách hàng”, anh Hùng nói.

Gắn bó với nghề làm lân sư rồng đã hơn 20 năm, anh Hùng cho biết từ nhỏ anh đã đi theo đoàn múa lân, đam mê với với việc làm lân nên anh đã đi học nghề sau đó mở xưởng làm cho đến tận bây giờ. Cũng chính nơi đây đã đào tạo ra biết bao nhiêu nghệ nhân làm lân sư rồng.

13

5 năm, 10 năm hay 15 năm là số năm mà những chàng trại tại cơ sở làm lân Thuận Anh Hãng đã gắn bó theo nghề.

Hiện tại xưởng của anh Hùng có 9 nhân công, đều là những người có cùng chung niềm đam mê với lân sư rồng, bước ra từ đoàn múa lân và có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc chế tạo đầu rồng.

Mỗi loại đầu rồng, lân, sư với kích thước khác nhau có giá dao động từ 5 đến 7 triệu đồng. Đó là thành phẩm của nhiều ngày là việc của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Để hoàn thành một đầu lân phải mất ít nhất 5 ngày, gồm những công đoạn như định hình đầu lân, dán vải, dán giấy, vẽ màu, lên lông... 

DSC08364

Anh Trần Thanh Phong mất ít nhất 1-2 ngày để hoàn thiện khung đầu lân.

Từng công đoạn đòi hỏi sự thành thục của các nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm. Như việc làm bộ khung bằng mây, tre của đầu lân đã mất 2 ngày. “Tạo bộ khung là công đoạn quan trọng nhất, quyết định hình dáng, độ bền của đầu lân. Việc này cần tay nghề cao và chỉ làm thủ công thôi”, anh Trần Thanh Phong (31 tuổi), người có 14 năm gắn bó với nghề làm lân sư rồng chia sẻ.

Ngồi một góc nhà tại cơ sở anh Lê Hoàng Lộc (24 tuổi) cùng Trương Quốc Phong (17 tuổi) cẩn thận dán từng miếng vải, miếng giấy lên đầu lân đã được định hình sẵn, đây là công đoạn thứ hai trong quá trình làm lân.

DSC08366

Anh Lộc và Phong đang tất bật dán những mảnh vải màn, giấy dán lên các bộ phận của đầu lân rồi mang đi phơi khô.

“Sau khi khung đầu lân được hoàn thiện, tôi dùng vải màn, giấy dán lên đầu lân đã được định hình sẵn bằng hồ và keo. Khó nhất là những chỗ gồ ghề phải dán cẩn thận, nếu bị nhăn phải làm lại. Dán giấy xong thì phải mang ra phơi cho khô trong ba tiếng trước khi vẽ trang trí”, anh Lộc chia sẻ.

Ở một góc nhà, anh Nguyễn Hồng Phát (31 tuổi), đang cần mẫn với từng nét vẽ của mình. Anh Phát cho biết bản thân đã yêu thích nghề trong một lần tình cờ thấy người ta biểu diễn múa lân, tính đến nay anh đã theo nghề gần 12 năm.

Tại cơ sở này, anh Phát đảm nhận việc vẽ đầu lân, đây là giai đoạn quyết định thần thái của con lân buồn, vui hay giận dữ. Tùy theo sở thích của mỗi người mà người ta chế tác nên. Những hình vẽ thường phải do các nghệ nhân có tay nghề nhiều năm thực hiện, thường là các hình vẽ về lửa, hoa văn với những gam màu chủ đạo như cam, xanh, vàng, đỏ,...Hoa văn trên đầu lân mỗi năm mỗi khác chủ yếu do người vẽ sáng tạo hay không.

3

Đầu lân sau khi được phơi khô, anh Nguyễn Hồng Phát sẽ vẽ các họa tiết lên. Thần thái của lân buồn, vui hay giận dữ sẽ được quyết định bởi khâu trang trí này.

“Cặp mắt của lân là nơi quyết định thần thái của nó. Cho nên công đoạn vẽ mắt lân đòi hỏi đôi tay tài hoa, phải làm sao cho nổi bật, màu sắc đẹp. Dữ là màu đen, viền mắt màu đồng, mắt hiền thì viền màu hồng, màu đỏ”, anh Phát cho biết thêm.

Để trang trí xong phần đầu lân, anh phải mất khoảng 3 ngày vẽ, nhiều đầu lân được khách yêu cầu độ tinh xảo thì tốn nhiều thời gian hơn nữa.

DSC08463-min

Anh Dương Chí Dũng người có thâm niên hơn 12 năm, đang trang trí đôi mắt cho lân.

Sau khi đầu lân đã cơ bản hoàn thiện, anh Dương Chí Dũng (30 tuổi) - người có thâm niên tại cơ sở Thuận Anh Hãng hơn 12 năm qua, trụ trách công đoạn cuối cùng là hoàn thiện đầu lân. Ở công đoạn này anh Dũng sẽ tân trang, dán lông, lắp mắt lân. Đầu lân thường trang trí bằng lông cừu, lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được sự uy quyền. Để mắt lân chuyển động linh hoạt khi biểu diễn, người thợ sẽ buộc dây để kéo giật bên trong đầu lân.

DSC08440-min

Để làm ra một đầu lân hoàn chỉnh các nghệ nhân nơi đây  phải mất ít nhất 5 ngày

Lấy đam mê nuôi đam mê

Những nghệ nhân tại cơ sở làm lân sư rồng Thuận Anh Hãng đã có đam mê nhảy và làm lân từ nhỏ. Đối với họ, nghề làm lân là một nghề “ăn” sâu vào máu, không thể nào bỏ được. Các anh cho biết, nếu không làm nghề này thì họ không biết phải làm gì để có thời gian thể hiện niềm đam mê của mình.

11

Ngoài công việc làm đầu lân, mọi người ở cơ sở sản xuất còn đi múa lân ở các sự kiện, mùa lễ tết và đi thi đấu cùng nhau.

Anh Hùng cho biết làm nghề chế tác đầu lân sư rồng, mọi người sắp xếp được thời gian giữa việc sáng tạo và việc đi múa lân. “Hôm nào có lịch tập, lịch diễn hay thi đấu thì anh em chúng tôi nghỉ làm để tập trung đi diễn. Chứ làm các ngành nghề khác, lịch múa lân đột xuất mọi người không ai nghỉ việc để đi được”, anh Hùng chia sẻ.

Để bám trụ được với nghề làm lân sư rồng, các nghệ nhân trẻ còn phải đi diễn xuyên Tết nhằm kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Họ thường múa lân cho các chùa, miễu, doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 3 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 3 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.