SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Những cái Tết đáng nhớ của Bác ở Hà Nội

08:15, 23/01/2023
(SHTT) - Sinh thời, Bác Hồ có nhiều năm đón Tết cổ truyền, mừng xuân mới cùng Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Người luôn dành hết thảy cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung, Nhân dân Hà Nội nói riêng, nhất là ở vào thời khắc đất trời chuyển sang xuân.

Chiều 30 Tết Bính Tuất năm 1946 , tại Bắc Bộ phủ, nữ sĩ Ngân Giang tặng Người bức thêu bằng lụa đỏ, thêu bài thơ thất ngôn bát cú, nhan đề Kính tặng các bậc Anh hùng dân tộc . Người làm hai câu thơ tặng lại: “ Gửi lời cảm tạ Ngân Giang/Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu ”. Trong niềm vui đón xuân mới, Người đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách cũ ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa, nay là ngõ Lương Sử C; một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông…

1

Hình ảnh Bác Hồ mãi mãi khắc sâu trong trái tim của Nhân dân Việt Nam 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đền Ngọc Sơn, hòa trong niềm hân hoan của Nhân dân Hà Nội đón khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Sáng mùng Một Tết Bính Tuất, Người sang nơi làm việc. Trên đường đi, Người ghé thăm và chúc Tết Sở Liêm phóng Bắc Bộ, sau đó đến Nhà hát Lớn chúc Tết đồng bào và đọc lời Chúc mừng năm mới . Trước khi ra về, Người vẫy chào đồng bào Thủ đô mít tinh trên Quảng trường. Buổi trưa, Bác dự tiệc tại Bắc Bộ phủ cùng anh em Vệ quốc đoàn...

Ngày mùng 2 Tết, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn đến thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại chùa Láng (xã Yên Lăng, huyện Từ Liêm, nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa). Tại đó, Người nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, biểu dương Nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ, sốt sắng tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống Pháp và chúc toàn thể Nhân dân hưởng Tết Độc lập đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc và tiết kiệm.

2

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội, ngày 27/1/1960 (đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý) 

Tết Đinh Hợi năm 1947 là Tết của những quyết định lịch sử khi cách đó chưa lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946) và Chính phủ ta tạm rút khỏi Thủ đô Hà Nội... Chập tối 21/1/1947 (30 Tết), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp tất niên của Hội đồng Chính phủ ở thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai. Vì là cuộc họp cuối năm nên các thành viên Chính phủ đều có mặt đầy đủ và còn có các vị Trưởng ban, Ủy viên Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và Phạm Bá Trực.

Tại cuộc họp, Bác tóm tắt tình hình các mặt trận, nêu rõ thành tích của cuộc kháng chiến và thông báo việc Người đã thay mặt Chính phủ viết thư chúc Tết các đơn vị quyết tử quân bảo vệ Thủ đô và cũng đã có thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ. Đối với công việc năm tới, Người nhấn mạnh ba vấn đề cần làm gấp là: Tổ chức tốt việc di cư, tản cư; chú ý công tác động viên Nhân dân; đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Trước khi phiên họp đêm tất niên kết thúc, mọi người đều được nghe bài thơ chúc Tết Đinh Hợi của Người.

Đêm khuya, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Trầm (huyện Chương Mỹ), đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước; khẳng định niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta: “ Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/Thống nhất độc lập, nhất định thành công! ”.

3

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu) 

Sau đó, Người nói chuyện thân mật với anh chị em công tác tại Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đang đóng tại chùa Trầm. Sư cụ trụ trì chùa Trầm sau khi xin gặp mặt đã tặng Người mâm bánh chưng, bày tỏ chút lòng thành của nhà chùa.

Trong giờ khắc thiêng liêng của đất trời, của lòng thành tâm, sư cụ thưa với Người: “Thưa Cụ Chủ tịch, chẳng mấy khi Cụ đến, nhân năm mới, xin Cụ mấy chữ để dán trước cửa chùa”. Bác vui lòng dùng bút lông và nghiên mực đã được mài sẵn, viết mấy chữ Hán trên giấy hồng điều thành đôi câu đối: “ Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành ” và một dòng chữ nhỏ: Đinh Hợi nguyên đán bên trái câu đối. Mặc dù câu đối không đề tên người viết, nhưng trong câu đối đó, hai chữ Tất Thành đã nói lên tất cả niềm tin và hy vọng của Người vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc nhất định thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tết Ất Mùi năm 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Ngày 30 Tết, Báo Nhân Dân đăng bài “Chúc mừng năm mới” của Người: “Năm mới, với tinh thần và cố gắng mới, chúng ta quyết làm tròn nhiệm vụ để tranh lấy thắng lợi mới trong công cuộc hòa bình. Vậy có câu đối Tết nôm na là: “ Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - Tam dương khai thái/Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn ”. Sau đó, Người đi chúc Tết tại tỉnh Thái Nguyên.

4

Bác Hồ về Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) chúc Tết Nhân dân ngày 31/1/1957 

Tết Nguyên đán Canh Tý năm 1960 , Báo Nhân Dân đăng bài “Mừng Tết Nguyên đán” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu lên những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết. Bài báo kết luận: “ Trăm năm trong cõi người ta/Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân ”. Ngày 27/1/1960 (tức đêm Giao thừa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm, chúc Tết và tặng quà một số gia đình cán bộ, Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Trong đó có gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân nhà máy đèn; Trương Từ Thức, công an chữa cháy; Bùi Xuân Bồng, gia đình công giáo; bác sĩ Đinh Văn Thắng, Giáo sư Trường Đại học y dược; nhà công thương Bùi Hưng Gia.

Tết Kỷ Dậu năm 1969 là Tết cuối cùng Nhân dân cả nước và Thủ đô được đón Tết với Người. Ngày 30 Tết, Bác gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, đơn vị ở Hà Nội; trong đó có khối 30 khu phố Đống Đa, Phân đội 5 Đoàn công an vũ trang bảo vệ Thủ đô. Năm đó, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, song Người vẫn đặt ra chương trình đi thăm và chúc Tết khá dài.

Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe của Bác, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã bố trí để 6h30 sáng mùng Một Tết Nguyên đán, Người cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ phòng không, không quân tại sân bay Bạch Mai - Hà Nội. Tại hội trường lớn, Người đã gặp gỡ, nói chuyện với đại biểu các Anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

5

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội sáng 16/2/1969 

11h ngày mùng Một Tết, Người đến thăm và chúc Tết Nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Người cùng Nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi của xã. Buổi trưa, dưới bóng cây trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết Nhân dân địa phương. Người nói đại ý: Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi, để lại màu xanh muôn đời cho đất nước và con cháu các thế hệ mai sau…

Chiều cùng ngày, Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ăn cơm với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Tạ Thị Kiều. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng năm mới tới Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhân dịp đầu xuân mới năm Kỷ Dậu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng mỗi người dân đất Việt nói chung, Nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn cảm nhận và ghi nhớ những câu chuyện kể về Người mỗi khi Tết đến, Xuân về. Đó là, để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, kể từ Tết Nguyên đán năm 1946, thường trước Tết 3 tháng, Người đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết chu đáo cho Nhân dân. Riêng mình, Người cũng tự chuẩn bị sớm ba việc: Viết thư, làm thơ chúc mừng năm mới, nhắc bộ phận phục vụ chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài, định kế hoạch thăm Nhân dân trong những ngày Tết. Với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, Người vẫn dành một tình cảm đặc biệt mỗi khi mùa xuân vẫy gọi…

Văn An

 

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 9 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 9 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.