SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 17/04/2024
  • Click để copy

Những biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ

14:34, 17/10/2017
(SHTT) - Những người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình... vừa trải qua một đợt mưa lũ khủng khiếp. Đặc biệt, sau mưa lũ, người dân còn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường làm dịch bệnh bùng phát. Vì vậy các biện pháp phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm hàng đầu.

Hiện tại ở các địa phương vừa phải chống chọi với mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đang được tiến hành khẩn trương. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ đang được các cơ quan chức năng gấp rút thực hiện.

Biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ tại một số địa phương

Tại Hà Nội: Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Da liễu Hà Nội hỗ trợ 1.000 lọ thuốc bôi ngoài da cho người dân vùng lũ; chỉ đạo Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 6.000 lọ thuốc phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho người dân. Đồng thời, cả hai bệnh viện đã cử y, bác sĩ trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ việc tư vấn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng lũ lụt ở các huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ. 

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng tích cực tuyên truyền cho người dân vùng ngập lụt biết cách chủ động phòng tránh các dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, các bệnh về tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ), rắn cắn, điện giật, đuối nước… Các đơn vị cần chuẩn bị ngay phương án nước rút đến đâu thì hỗ trợ người dân xử lý môi trường ngay đến đó, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

bien phap phong chong dich benh cho nguoi dan vung lu

 Biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ tại một số địa phương

Trong khi đó tại Thanh Hóa, Sở Y tế và Trung tâm YTDP tỉnh đã cấp cơ số thuốc thiết yếu và kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt xử lý nguồn nước sinh hoạt tại xã Xuân Yên và Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân.

Tại Ninh Bình: Ngành y tế chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế huyện: Nho Quan, Gia Viễn và các trạm y tế trên địa bàn vùng ngập úng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân khi bị nạn. Y tế tỉnh đã cấp hơn 30 cơ số thuốc và y dụng cụ, dịch truyền bao gồm các loại thuốc phòng một số bệnh trong mùa mưa lũ như: đau mắt đỏ, nước ăn chân, viêm đường ruột, hóa chất khử khuẩn nước, cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân phòng một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ... Cùng với đó, tăng cường đội ngũ cán bộ là bác sĩ và nữ hộ sinh xuống các cụm dân cư thường trực 24/24h để kịp thời cứu nạn, cứu hộ.

Trong ngày 16/10, để kịp thời hỗ trợ công tác ứng phó trong mùa mưa bão, lũ lụt năm 2017 tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế yêu cầu Tổng công ty cổ phần y tế Danameco, Công ty TNHH Nam Thăng Long và Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 cấp hỗ trợ Sở Y tế các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình các cơ số thuốc phòng chống lụt bão, bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, viên hóa chất khử khuẩn Cloramin B, áo phao cứu sinh và phao bè cứu sinh.

Cục Y tế dự phòng đưa ra biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ là sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

bien phap phong chong dich benh cho nguoi dan vung lu b

 Cục Y tế dự phòng đưa ra biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân vùng lũ

Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Những biện pháp làm sạch nguồn nước cho người dân vùng lũ

Làm sạch nước bằng phèn chua

Người dân có thể dùng miếng phèn chua bằng nửa đốt ngón tay và hòa tan vào một gáo nước. Sau khi phèn tan hẳn thì mọi người đổ gáo nước đó vào xô nước khoảng 20 - 25 lít, khuấy đều. Khoảng 30 phút sau, khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong ở phía trên để khử khuẩn.

Khử trùng nước bằng viên nén lọc nước và hóa chất xử lý nước

Các viên nén lọc nước thường được sử dụng để làm sạch nước đó là Cloramin B, Cloramin T hoặc Aquatabs.

Tuy nhiên người dân cần lưu ý nước dùng để khử trùng không được lấy nước trực tiếp từ sông, suối, ao hồ mà phải sử dụng nguồn nước sau khi đã được làm trong.

Với viên Cloramin B hoặc Cloramin T thì người dân phải hòa tan 1 trong 2 viên này vào gáo nước rồi đổ vào bể chứa nước và khuấy đều. Nước phải có mùi clo mới có tác dụng. Đợi khoảng 30 phút sau là có thể sử dụng được. Một viên Cloramin B 0,25g có thể làm sạch được khoảng 25 lít nước.

bien phap phong chong dich benh cho nguoi dan vung lu a

 Những biện pháp làm sạch nguồn nước cho người dân vùng lũ

Trong khi đó, 1 viên Aquatabs 50mg chỉ có thể làm sạch được khoảng 15 lít nước. Nước khử trùng bằng Aquatabs có thể sử dụng để ăn uống trực tiếp, tuy nhiên nên đun sôi trước khi uống.

Hai loai hóa chất được dùng để khử trùng nước là Chlorine và iodine, đây là những hóa chất có tác dụng diệt khuẩn. Chlorine và iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng sau khi đã làm trong. Với mỗi lít nước cho khoảng 10 giọt chlorine. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục hay có màu. Đối với iodine, cho 5 giọt iodine 2% vào khoảng 1,5 lít nước. Hóa chất khử trùng phải khuấy thật kỹ, sau đó để yên trong vòng 30 phút mới có thể sử dụng được.

Đun sôi

Đun sôi nước là cách đơn giản nhất để diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên cách này lại không loại bỏ được các khoáng chất độc hại hoặc các kim loại nặng không bốc hơi nếu lẫn trong nước. Người dân cũng có thể dùng bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn sau khi đun nước xong.

Để làm sạch nước, người dân cũng cần lưu ý rằng không tiến hành dùng phen chua đồng thời với khử khuẩn bởi phèn sẽ hấp thụ clo và làm mất tác dụng của clo. Nước phải có mùi clo thì mới đạt tiêu chuẩn sau khi khử khuẩn. Nếu người dân thấy trong nước có quá nhiều mùi clo vì sử dụng quá liều lượng viên nén lọc nước và hóa chất khử trùng thì phải đợi cho đến khi nước bớt mùi nồng.

Khi tiếp xúc với các hóa chất khử trùng, người dân cũng phải trang bị găng tay cao su, khẩu trang,... Ngoài ra, việc đun nấu kĩ thức ăn, nước uống, không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, thu gom rác thải hoặc lao động... là rất cần thiết để tránh bị nhiễm bệnh.

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 26 phút trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, nền tảng mạng xã hội X đã liên tục tiết lộ về kế hoạch thay đổi cách thức hoạt động. Trong đó, một chính sách mới khiến người dùng chú ý là yêu cầu phải phí để sử dụng toàn bộ các tính năng của nền tảng.
Tin tức 27 phút trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT mới đây đã chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh Đại học và Cao đẳng các ngành giáo dục mầm non năm 2024. Phụ huynh và học sinh cần chú ý các mốc thời gian quan trọng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội học tập mong muốn.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 tháng đầu năm 2024, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đến nay đã đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Ngày 16/4/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại" nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024).
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.