SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Những người liên quan xử lý thế nào?

16:02, 26/03/2022
Theo luật sư, đằng sau bà Nguyễn Phương Hằng còn có cả đội ngũ tư vấn, hỗ trợ, vì vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của những người liên quan khác.

Tối 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm ngoài bà Nguyễn Phương Hằng, có ai là đồng phạm, đặc biệt là những người đã từng tham gia với nữ doanh nhân này trong các buổi livestream. Liệu họ có bị liên lụy?

Những người tham gia đều vi phạm pháp luật

Qua các buổi livestream gần đây, ngoài bà Hằng còn có nhiều khách mời như tiến sĩ Đặng Anh Quân, luật sư Nguyễn Đình Kim cùng một số Youtuber khác... Tất cả các buổi phát trực tiếp đều được thông báo trước, có chuẩn bị nội dung, công cụ livestream và đăng phát trên các trang cá nhân của bà Hằng.

Vậy với những dấu hiệu trên thì những người tham gia tại các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội đồng phạm?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Về mặt khách quan, đồng phạm là phải có từ hai người trở lên tham gia cùng một tội phạm. Nếu thiếu yếu tố này thì không có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không thể là đồng phạm.

Về mặt chủ quan, những người đồng phạm thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Theo quy định này, luật sư Nguyễn Văn Hiệp - Văn phòng luật sư Vietjuris (Quận 2, TP.HCM) cho biết: “Đối với những người tham gia tại các buổi livestream, nếu qua điều tra phát hiện có sự bàn bạc, thống nhất giữa bà Hằng và những người này về việc sử dụng các lời lẽ khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác, lợi dụng quyền tự do dân chủ bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân” với vai trò là đồng phạm theo quy định điều 331 Bộ luật Hình sự".

b

Luật sư Nguyễn Văn Hiệp, Văn phòng luật sư Vietjuris. Ảnh: NVCC 

Luật sư Hiệp nhận định, trong tất cả buổi livestream được phát nhiều giờ, bà Hằng mất kiểm soát bản thân, có hành vi hiếu thắng, thách thức, đưa đời tư nhiều cá nhân ra phán xét, triệt hạ danh dự người đối kháng. Cộng thêm có nhiều khách mời tham gia là những người có kiến thức, kinh nghiệm và hiệu ứng đám đông ủng hộ lại càng khiến bà tự tin lấn tới nên vi phạm ngày thêm trầm trọng.

Ngoài ra, với những phát ngôn của bà Hằng, nếu là thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng khởi tố thêm về tội “làm nhục người khác hoặc tội vu khống” quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm.

Bên cạnh đó, những người tham gia bình luận trong các buổi livestream hoặc sử dụng các thông tin không chính xác của bà Nguyễn Phương Hằng để làm nhục, vu khống người khác cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật an ninh mạng.

Bài học lớn cho việc phát ngôn

Trước những vụ việc kể trên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bài học lớn về việc tiết chế cảm xúc, suy nghĩ và hành động trên mạng xã hội

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đưa ra một số lưu ý cho mọi người khi dùng mạng xã hội. "Hiện nay, rất nhiều người có xu hướng bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội. Đó là điểm tích cực của hình thái xã hội mới. Tuy nhiên, khi một mình nói trước cộng đồng, không phải ai cũng đủ tỉnh táo tiết chế cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình", thạc sĩ Đặng Hoàng An lưu ý.

Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát (TP Thủ Đức) thì cho rằng, khi sử dụng mạng xã hội để livestream hoặc bày tỏ quan điểm thì mọi người cần biết và làm những gì để không vi phạm pháp luật.

c

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam đã bị khởi tố và bắt tạm giam. Ảnh: Công an TP.HCM 

Theo luật sư Lê Trung Phát, để làm đúng luật khi livestream, điều bất di bất dịch đầu tiên trên cõi mạng là “sự thật” và nói phải có căn cứ. "Mọi thứ chúng ta phản ảnh, phải dựa trên sự thật. Trong quá trình phản ánh, bày tỏ quan điểm không nên để cảm xúc bản thân đưa sự việc từ phản ánh sang một chiều hướng khác tiêu cực hơn", ông Phát lưu ý.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hiệp, mọi người có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ nhận định, chính kiến của mình, nhưng phải tôn trọng pháp luật và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tất cả đã được ghi nhận trong Hiến pháp và luật.

Nếu biết luật và vì một chủ ý nào đó mà gây hậu quả đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dù bạn là ai, có địa vị xã hội, có tài chính thì cũng phải xử lý nghiêm minh nếu vi phạm.

Ông Hiệp chia sẻ thêm: “Bà Hằng là một doanh nhân có nhiều hoạt động xã hội tích cực, tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều cá nhân. Những việc làm đó của bà Hằng rất đáng khen, nhưng không đồng nghĩa với việc bà có thể vi phạm pháp luật, cho mình có quyền xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác”.

Luật sư Nguyễn Văn Hiệp cũng đề xuất cần có những quy định nghiêm minh để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nêu trên để có sức răn đe và kịp thời khi mà xã hội ngày càng  phát triển mạnh mẽ. Hãy để mạng xã hội trở thành công cụ lan toả những điều tốt đẹp.

Liên quan đến vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng, Công an TP.HCM hiện đang tiến hành xác minh, điều tra các thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội sau khi bà Hằng bị bắt. 

Cụ thể, các thông tin thất thiệt lan truyền như: "bà Hằng được ông Dũng bảo lãnh cho tại ngoại", "bà Hằng chỉ bị phạt 1,5 triệu, đã được thả về"... Hiện Công an TP.HCM đang thu thập thông tin, xác minh ai là người tung tin để xử lý.

Ngoài ra, hiện các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và những người liên quan để xử lý.

Phương Nam

Tin khác

CTV miền Nam 1 năm trước
Sau 4 năm trễ hẹn, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành được 90% khối lượng, nhưng sau đó lại im hơi đến nay.
CTV miền Nam 2 năm trước
Tổng cục Quản lý thị trường vừa kỷ luật 2 Cục phó và 6 cán bộ quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai về hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ.
CTV miền Nam 2 năm trước
Theo luật sư, đằng sau bà Nguyễn Phương Hằng còn có cả đội ngũ tư vấn, hỗ trợ, vì vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của những người liên quan khác.