SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/09/2023

SO HUU TRI TUE

  • Click để copy

"Nhức nhối" vấn nạn sách giáo khoa in lậu tràn lan trên thị trường

06:54, 18/08/2019
(SHTT) - Từ năm 2010 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu. Trước thềm năm học mới, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt hàng loạt vụ sách giáo khoa in lậu.

Liên tiếp phát hiện sách giáo khoa in lậu

Mới đây, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tình hình in sách lậu vào đầu năm học mới 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 28 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra, kiểm soát 2 địa chỉ sản xuất và in sách là 52 và 56 tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

01

 Ảnh minh họa 

Theo đó, cơ sở sản xuất sách lậu là Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Huy Dương do Nguyễn Văn Huy, sinh năm 1988, thường trú tại Phú Xuyên, Hà Nội làm chủ.

Kiểm tra cơ sở trên, lực lượng chức năng thu giữ gần 200 đầu sách các loại với gần 10 vạn cuốn sách đã in thành phẩm và hàng trăm chiếc đĩa CD...

Theo lực lượng chức năng, trong số 200 đầu sách bị thu giữ có đến 2/3 là sách tiếng Nhật, số còn lại là sách giáo trình, từ điển, truyện, tiểu thuyết... các cuốn sách tiếng nước ngoài do đơn vị tự in, tự xuất bản mà không ghi nhà xuất bản, chỉ một số ít sách Việt Nam có ghi nhà xuất bản.

Báo Giáo dục và Thời đại cũng đưa tin, các số liệu thực tế cho thấy, các xuất bản phẩm (XBP) giáo dục của NXBGDVN bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn cũng như mức độ công khai. Theo thống kê của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước.

Sách giáo khoa bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, Át lát địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa, sách tiếng Anh... cũng bị phát tán trên mạng internet tràn lan, với đủ các định dạng, các phiên bản, nguồn gốc khác nhau.

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: XBP giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp các địa bàn, quận huyện ở các tỉnh, thành phố, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, bán cả ở các nhà trường.

XBP giáo dục giả, lậu ngoài những sai lệnh về chất lượng hình thức so với XBP thật, như giấy mỏng, xấu hơn, chất lượng in kém, dễ bị mờ, xộc xệch, dễ bị bong, dễ rách... còn bị những sai lệch hoặc bị thiếu về kiến thức, về thông tin, dữ liệu. Mã (thẻ cào) trên XBP giả không được quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu bổ trợ kiến thức online... Như vậy các sản phẩm giả đó đã gây tác hại nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.

Khung hình phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

sach-giao-khoa-gia

 

Theo báo Kinh tế & Đô thị, nói về tình trạng SGK in lậu được bày bán tràn lan nhưng kết quả kiểm tra xử lý chưa nhiều, các chuyên gia chống hàng giả, hàng nhái có chung ý kiến, việc kết hợp giữa các đơn vị chức năng, NXB trong việc ngăn chặn còn lỏng lẻo, quan trọng hơn cả là chế tài xử phạt chưa phù hợp thực tế. Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Nguyễn Công San cho rằng: Hiện hệ thống văn bản, chế tài xử lý và khung hình phạt hành vi này khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận từ việc in ấn, tiêu thụ SGK lậu rất lớn. Cụ thể, tại khoản 127 Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định cả khung hình phạt tù lẫn phạt hành chính đối tượng vi phạm. Việc quy định như thế dẫn đến việc lực lượng chức năng trong quá trình xử lý thường xử phạt hành chính với các lỗi tàng trữ, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... với mức xử phạt từ 20 - 200 triệu đồng. Mức xử phạt này là quá nhẹ so với hành vi vi phạm, dẫn đến cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt hành chính, sau đó quay lại hoạt động với thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn hơn.

Để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các nhà xuất bản (NXB) với lực lượng chức năng trong hoạt động chống in lậu. Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cho biết: Hiện thông tin của NXB với các đối tác liên kết in ấn, phát hành không thống nhất gây khó cho lực lượng QLTT trong việc xác định được đâu là sách in lậu, in nối bản. Nhiều vụ việc cơ quan chức năng đề nghị NXB có sách bị in lậu xác minh đâu là thật, đâu là giả, nhưng chính đơn vị này cũng không thể khẳng định được một cách chuẩn xác, đây là vấn đề các NXB phải sớm khắc phục trong thời gian tới.

Hoài Anh

Tin khác

Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 14 đến ngày 22/9, tại thị trấn Thiệu Hoá và xã Minh Tâm, UBND huyện Thiệu Hóa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Phiên chợ giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Media 2 ngày trước
(SHTT) - Tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kinh tế 3 ngày trước
Dù thị trường bánh trung thu năm nay được nhiều tiểu thương cho biết bán chậm nhưng mới đây, Tập đoàn KIDO cho biết bánh trung thu của công ty này ‘cháy hàng’ trên toàn quốc.
Kinh tế 5 ngày trước
Tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa, các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Vừa qua, Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tiêu hủy hơn 21.000 sản phẩm quần áo, túi sách, dược phẩm... không rõ nguồn gốc.