SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Nhiều giải pháp chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp tại TP.HCM

10:10, 14/10/2022
Ngày 13/10, tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số cho tổ chức và doanh nghiệp”, nhiều giải pháp chuyển đổi số được đưa ra nhằm đẩy mạnh đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị mới và tạo tiền đề hình thành nền kinh tế số.

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số cho tổ chức và doanh nghiệp” nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM năm 2022”. 

TP.HCM: Nhiều cơ hội phát triển kinh tế số

Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ quan Nhà nước đến doanh nghiệp, người dân để tạo đà phát triển toàn diện. Trong đó, TP.HCM đã và đang tích cực chuyển đổi số nhanh, mạnh và toàn diện nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cho đến nay, TP.HCM đã đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số.

Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: “Trong năm vừa qua, TP.HCM đối mặt với những khó khăn vì đại dịch Covid-19, năm 2022 mặc dù đại dịch có xu hướng giảm tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức với sự phát triển của thành phố. Chính vì vậy, thành phố đã xây dựng chủ đề năm nay là ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp’”.

Screenshot 2022-10-14 000142

Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nêu ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo đó, TP.HCM có nhiều cơ hội cho việc phát triển kinh tế số như: mật độ sử dụng điện thoại thông minh của người dân đã đạt gần 85%; mạng Internet công cộng bao gồm cả di động đạt đến 93% trên địa bàn thành phố; người dân có sự quan tâm đối với TMĐT, dịch vụ số và ngày càng nâng cao kỹ năng số.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện các bộ máy chính quyền số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Theo đó, ông Lê Quốc Cường cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi số phải gắn với đô thị thông minh. Đồng thời, chuyển đổi số của TP.HCM dựa trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

“Chúng tôi rất cần sự hiến kế của các chuyên gia trong các lĩnh vực, từ lĩnh vực hình thành các khung pháp lý đến các lĩnh vực về công nghệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”, ông Lê Quốc Cường nhấn mạnh.

Hơn nữa, TP.HCM đặt ra mục tiêu cho cả hai giai đoạn gồm cột mốc năm 2025 và năm 2030. Cụ thể, mục tiêu đến 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 sẽ phổ biến và liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, kinh tế số chiếm 25% GRDP năng suất lao động hằng năm tối thiểu 7%. 

Nhiều giải pháp chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp

TP.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp. Trong đó, các giải pháp thay đổi nhận thức, giải pháp kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, chính quyền số, đảm bảo an toàn an ninh mạng, nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ,… được chú ý.

Việc phát triển kinh tế số là một trong những điểm nhấn quan trọng. Để làm được điều đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số: chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông; đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; chương trình phát triển thương mại điện tử; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; đề án Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên toàn thành phố.

Về đề án chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn, thành phố đặt mục tiêu tạo nhận thức thống nhất về các mô hình kinh tế mới cũng như thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời định hướng các giải pháp xây dựng nền tảng cho phát triển các mô hình kinh tế mới, quyết tâm cải thiện các chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm của ngành và thành phố (như hệ số sử dụng năng lượng, hệ số sử dụng nước…).

Đứng trước xu hướng chuyển đổi số, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng lúng túng, đặt ra câu hỏi bắt đầu từ đâu, làm như thế nào?

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp những khó khăn như thiếu kinh phí, nhân lực và thời gian. Thực tế muốn sử dụng giải pháp chuyển đổi số họ cần phải dùng thử, điều này có liên quan mật thiết với chi phí, thời gian của nhân viên và cả doanh nghiệp, do đó rất khó xử lý.

Trong khi thực tế nhiều công ty phần mềm Việt Nam cũng đồng thời là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù có thể đưa ra được các giải pháp tốt, tuy nhiên vì thiếu kinh phí hoạt động, nên đôi khi chưa có đủ khách hàng đã phải dừng hoạt động.

Để chuyển đổi số hiệu quả, điều các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần là giải pháp dùng được ngay, hoặc được tạo điều kiện để học qua cách sử dụng trước đó, từ đó rút ngắn thời gian thích nghi, sử dụng.

Về mục đích chuyển đổi số, ông Lâm Quang Nam – Chuyên gia Chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Hội đồng xây dựng Khung chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs VINASA đưa ra khuyến cáo: "Nhiều trường hợp cần xem xét kỹ có thật sự cần chuyển đổi số hay không vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng. Cốt lõi vẫn là làm sao để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, cung cấp nhanh hơn. Chuyển đổi số chỉ là phương tiện hỗ trợ, không nên xem đó là mục đích."

Mặc dù còn nhiều thách thức, song hội thảo đã mở ra nhiều hướng đi và triển vọng chuyển đổi cho các doanh nghiệp. Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận nhiều giải pháp chuyển đổi số đến từ các chuyên gia, công ty phần mềm tiếp cận từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: tiếp thị, truyền thông, bán lẻ, bảo mật thông tin…

Screenshot 2022-10-14 000324

Ông Bùi Cao Học – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Phần mềm Quản lý khách hàng Việt Nam – Online CRM nêu lên những giải pháp chuyển đổi tinh gọn cho doanh nghiệp SMEs. 

Đối với các doanh nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng, ông Bùi Cao Học – nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Phần mềm Quản lý khách hàng Việt Nam – Online CRM cũng đưa ra bộ giải pháp chuyển đổi tinh gọn cho doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn như CloudMarket: Giải pháp thu thập Lead đa kênh; CloudSales: giải pháp bán hàng đa kênh; CloudCare: giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh…

Song song đó, ông Bùi Cao Học cũng nêu lên vấn đề hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở giai đoạn số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, chỉ một số ít doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành một tiểu khu đô thị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Cùng với việc công bố Đề án tuyển sinh năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) đã công bố chính sách học bổng đặc biệt dành cho các thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (17/04), tại Cung triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia (Hà Nội), đã khai mạc Triển lãm quốc tế về xây dựng, công nghiệp mỏ và giao thông - Máy móc, thiết bị, công nghệ, phương tiện và vật liệu (Contech Vietnam 2024).
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Là một trong những ngành nghề đặc thù, hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, do đó, lực lượng Công an đã đồng hành cùng ngành Than trong kiểm soát thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, đảm bảo an toàn lao động.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 17/4/2024, Tọa đàm “Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số” đã diễn ra tại Khách sạn La Thành, Hà Nội, do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức.