Nhiều dư địa để phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ tại Bình Phước
Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp và sở khoa học và công nghệ các tỉnh thành. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia trưng bày sản phẩm nổi bật của tỉnh Bình Phước.

Ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, với những đột phá nhanh và mạnh về khoa học công nghệ, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1068 phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
"Công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này", ông Lê Huy Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Huy Anh, mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm các cấp, các ngành nhưng hoạt động sở hữu trí tuệ còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện tại, Bình Phước có một chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm điều, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cao su Bình Phước, ba nhãn hiệu tập thể. Các tài sản liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích còn hạn chế.

Bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước - cho biết đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có sản phẩm nông nghiệp được xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Bình Phước đã có chỉ dẫn địa lý cho "Hạt điều Bình Phước", nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cao su Bình Phước"; nhãn hiệu tập thể "Tiêu Lộc Ninh"; nhãn hiệu tập thể "Gà thả vườn Thanh Lương",…
Tháng 3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước". Đến thời điểm hiện tại, Bình Phước là địa phương duy nhất trên cả nước được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt điều.

Nhiều sản phẩm chế biến từ hạt điều.
Việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước" đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành điều. Trong đó, chỉ dẫn địa lý cho hạt điều là một tài sản trí tuệ chung của tỉnh Bình Phước, là một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cao, gắn với chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp, người dân sử dụng chỉ dẫn địa lý để từng bước tiếp cận phát triển thị trường, đặc biệt ở các thị trường khó tính.
Về sản xuất, chỉ dẫn địa lý đã giúp nâng cao quyền lợi, trách nhiệm của các doanh nghiệp ngành điều và người dân trồng điều để tổ chức sản xuất, duy trì uy tín, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.
Xét về góc độ thương mại, chỉ dẫn địa lý là cơ sở để các doanh nghiệp và người dân nâng cao danh tiếng chất lượng của sản phẩm, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã trình bày các chuyên đề và đề xuất các ý kiến để phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
