SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 19/09/2024
  • Click để copy

Nhật ký 60 ngày trở thành tình nguyện viên chống dịch: 'Lần đầu mặc bộ đồ bảo hộ mình đã khóc!'

13:56, 30/07/2021
(SHTT) - “Mình thấy rất khâm phục những người tham gia chống dịch từ những ngày đầu. Vì thật sự bộ đồ bảo hộ rất nóng và bất tiện, mình mặc vào cứ phải tự nhủ với bản thân ráng lên, người khác làm được thì mình cũng phải làm được” – Nam Phương, tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19 ở Tp.HCM chia sẻ.

***

Cách đây khoảng 2 tháng, khi đợt dịch mới bắt đầu bùng phát tại Sài Gòn, tôi vô tình thấy bài đăng của Phương trên mạng xã hội. Cô bạn hào hứng khoe ảnh selfie trong bộ đồ bảo hộ kín mít chỉ còn để lộ đôi mắt. Nhưng chỉ qua đôi mắt sáng ấy, lạ thay tôi lại có thể thấy rất nhiều thứ: nhiệt huyết, nguồn năng lượng tích cực và sự kiên định rất đáng tin tưởng.

Lo bạn bận nhiều vì công việc tình nguyện, đến hôm trước tôi mới nhắn tin hỏi thăm tình hình. Cuộc trò chuyện không dài nhưng bạn chia sẻ khá nhiều, về hơn 60 ngày làm tình nguyện viên, hơn 60 ngày trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, được đi nhiều, làm nhiều và cũng nhận lại rất nhiều thứ - đủ để tôi hiểu và tin rằng, vì có những người trẻ như bạn, Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại thôi.

 

Chúng ta thường thấy hình ảnh những tình nguyện viên trong trang phục bảo hộ làm việc miệt mài. Thậm chí giấc ngủ của họ cũng thường ở ngay trên chiếc ghế, trên một tấm bìa carton hoặc trong một góc hành lang nào đó. Nhưng ít ai biết, phía sau hình ảnh ấy là những niềm vui xua tan cả cái nóng và mệt mỏi vì “Được nghe những thông tin Tp.HCM giảm số ca mắc, tình nguyện viên sau khi làm nhiệm vụ về test âm tính cả đám là vui như mùa xuân rồi ấy”. Đó là những chia sẻ của Trần Huỳnh Nam Phương (trường Đại học Sài Gòn) – một nữ sinh đã có hơn 60 ngày làm tình nguyện viên chống dịch Covid-19. 

Phương bắt đầu tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố từ ngày 21/5/2021. Chỉ đơn giản bắt đầu từ suy nghĩ mình là thanh niên, mình còn trẻ và còn là một “vị khách” được Sài Gòn nồng hậu chào đón và bao dung ôm ấp bao năm qua. Một Sài Gòn sôi nổi và nhiệt tình như thế, vậy mà cũng có lúc im lìm vì “bị bệnh”, thế nên muốn ở lại cùng góp sức để thành phố mau khỏe, trở lại là Sài Gòn vừa mộc mạc vừa rực rỡ, vừa trầm mặc vừa náo nhiệt của tất cả chúng ta.

***

Nói là làm, Phương chính thức trở thành tình nguyện viên của đội hình hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP.HCM. Một cô gái 21 tuổi, một mình trực tiếp tham gia hỗ trợ chống dịch – một công việc công bằng mà nói là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Vì thế từ những ngày đầu, Phương phải đối mặt với sự lo lắng, thậm chí là ngăn cản từ gia đình. Tâm sự về điều này, Phương chân thành chia sẻ: “Mới đi được 1 tuần đầu tiên thì ba mẹ mình cũng rất lo. Vì cơ bản mình không học chuyên môn Y nên gia đình rất sợ việc mình sẽ vô tình trở thành bệnh nhân. Nhưng khi ngồi lại kể cho ba mẹ nghe những việc mình được làm, những biện pháp bảo hộ khi tham gia công tác này thì mọi người cũng đã an tâm hơn và ủng hộ mình.”

Sức trẻ và ngọn lửa nhiệt huyết Phương không chỉ thắp lên trong cô gái trẻ động lực để vượt qua mọi khó khăn trong suốt 60 ngày chống dịch mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền lửa để mẹ và chị gái của Phương cũng hạ quyết tâm trở thành tình nguyện viên chiến đấu với Covid-19. Bởi vì với Phương, với tất cả những người trẻ đang cống hiến những ngày xanh của mình cho “cuộc chiến trong thời bình”, thì đây là “mệnh lệnh từ trái tim”.

 

Mạnh mẽ và kiên trì là thế nhưng lần đầu tiên khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, cô gái ấy đã thực sự bật khóc: “Thời gian đầu xem qua tivi, các bài báo thì mình chỉ hiểu được một phần rất nhỏ về sức nóng, sự khó khăn và gian khổ khi mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nóng rồi làm nhiều việc. Nhưng lần đầu mặc lên bộ đồ bảo hộ thật sự mình đã khóc. Mình thấy rất khâm phục những người tham gia chống dịch từ những ngày đầu vì đồ bảo hộ thật sự nó rất nóng và bất tiện, mình mặc vào mà cứ phải tự nhủ với bản thân ráng lên, người khác làm được thì mình cũng phải làm được vì mình trẻ, mình khoẻ mà”.

Công việc đòi hỏi Phương và các tình nguyện viên khác phải di chuyển liên tục. Vậy mà khi được hỏi về điều này, cô “thủ lĩnh sinh viên” còn hài hước nói rằng: “Mình là một con chim bay lung tung” khi di chuyển trong cụm 3 khu vực quận 5, quận 10 và quận 11. Thời gian đầu, Phương làm tình nguyện viên hỗ trợ tiêm vắc-xin, hướng dẫn người dân điền đầy đủ thông tin, sát khuẩn cho người dân khi ra vào, hướng dẫn đầy đủ về giãn cách, truyền đạt thông tin trước và sau khi tiêm của Bộ Y tế. Sau đó thì Phương hỗ trợ công tác lấy mẫu, truy vết các F1: “Mình sẽ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để kêu gọi họ ra lấy mẫu. Sau này thì được các anh, chị tin tưởng cho lên làm điều phối viên các đội hình tình nguyện để hỗ trợ các công việc như nhập liệu, rà soát thông tin tình nguyện viên, nhập liệu tiêm vắc-xin chẳng hạn”. 

Làm tình nguyện viên đồng nghĩa Phương phải chấp nhận nhiều sự thay đổi trong giờ giấc sinh hoạt, ảnh hưởng nhiều đến các công việc khác thường ngày, thậm chí là việc học. Nhưng cô vẫn kiên trì tìm cách sắp xếp để cân bằng mọi thứ: “Những hôm giờ học trùng với giờ tham gia tình nguyện thì mình đăng ký 3G, đeo tai nghe để vừa làm vừa học, chỗ nào giảng viên nhấn mạnh thì mình sẽ lấy điện thoại ra ghi chú lại nên thật sự mình cũng không vắng nhiều buổi học”. Cứ vậy, lúc tôi hỏi về những khó khăn khi trở thành một tình nguyện viên chống dịch, một cách chắc chắn và vô cùng lạc quan, cô bạn trả lời: “Thực sự là mình không thấy khó khăn gì hết đó”.

 



***

Từ những bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên học làm tình nguyện, Phương của hiện tại đã quen việc hơn, bản lĩnh hơn. Trải qua 2 tháng vất vả, thay đổi nhiều thói quen, thời gian sinh hoạt bị đảo lộn... nhưng ngọn lửa trong trái tim thanh niên không chỉ không nguội đi mà còn bùng lên mạnh mẽ hơn. Lạ thay là những người càng chiến đấu miệt mài, càng đối diện với nhiều rủi ro lại là những người càng lạc quan. Vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất Sài Gòn đang dần tỉnh giấc sau 2 tháng "ngủ yên".

Đi qua không biết bao nhiêu con ngõ, gõ cửa bao nhiêu căn nhà, giúp lấy hàng ngàn mẫu xét nghiệm, cuối cùng Sài Gòn cũng đã có những tín hiệu đầu tiên của ngày trở lại: dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, số bệnh nhân khỏe lại và xuất viện ngày càng nhiều. 

Vất vả là thế nhưng Phương hay những người trẻ xung phong trong cuộc chiến chống dịch hiểu rằng, họ chỉ cần giữ lửa cho trái tim của mình thôi. Rồi ngọn lửa ấy bằng cách nào đó vẫn sẽ được lan tỏa, thắp lên nhiều ngọn đuốc khác, soi rõ hình ảnh một ngày Sài Gòn bình yên trở lại.

Bởi khi chứng kiến sự nghiêm túc, kiên trì và lạc quan của các bạn, mọi người xung quanh ai cũng muốn góp sức mình, có người đóng góp vật chất, có người động viên tinh thần, tất cả đều cùng lan tỏa sự cổ vũ ấm áp giữa những ngày chống dịch căng thẳng mà câu chuyện của Phương là một minh chứng: “Khi mình đi hỗ trợ tiêm vắc-xin tại bệnh viện Thống Nhất, lúc đang đứng hướng dẫn các biện pháp 5K và quy định giãn cách thì trời mưa to mà chỉ có một cái ô thôi nên mình vội vàng xịt khuẩn xung quanh rồi đứng vươn người ra che cho mọi người thì có một chú trong đó nói “Là con gái đi tình nguyện mùa dịch này đã khổ rồi mà con còn biết lo cho những người xung quanh như vậy thì chắc chắn Sài Gòn này sẽ mau hết bệnh thôi. Sài Gòn rất cần những bạn trẻ, những thanh niên dám nghĩ dám làm như con”.

“Có lần mình đang đứng quạt bằng tay cho một bác gái đang đứng đợi tiêm vắc-xin. Mình sợ đứng lâu, trời nóng thì sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch nên mặc dù mình đang mặc đồ bảo hộ cũng nóng lắm đó những mình cũng vội lấy tờ giấy quạt nhẹ cho bác. Thấy vậy bác cười nói với mình: “Cô lo cho cô đi kìa, mặc đồ đó nóng lắm chứ đùa đâu mà còn lo cho người khác như vậy, hồi cô xỉu đó. Mà cô đi vậy có tiền không cô?”. Mình chỉ cười và trả lời “Tụi con không có tiền gì đâu cô, chỉ cần được ăn cơm, được nghe tin TP.HCM giảm số ca mắc là tình nguyện viên tụi con vui như mùa xuân rồi cô ạ”. Bác cười to và nói “Thế sau khi tiêm xong khoẻ khoẻ tôi sẽ nấu cơm và đem đến đây cho các cô, các chú ăn trưa nhé, đạm bạc thôi mong cô, chú nhận. Người cùng thành phố phải bao bọc nhau thì Sài Gòn mới mau khoẻ”. – Phương kể lại một kỷ niệm trong 60 ngày làm tình nguyện viên chống dịch.

 

***

Phương nói rằng, trong khoảnh khắc đó cô bạn nhận ra Sái Gòn đáng yêu vô cùng. Sài Gòn có những con người biết thương nhau, biết ôm lấy nhau trong những ngày thành phố không may “bị bệnh”. Đội hình tình nguyện viên của Phương thường được người dân xung quanh cho tặng nhiều thực phẩm, có nhiều bếp ăn còn nấu và mang đến những bữa cơm nóng hổi cho mọi người.

Đó cũng chính là niềm tin để những bạn trẻ như Phương tiếp tục ở lại, không chỉ là 60 ngày, mà là: “Khi nào hết dịch thì tụi mình mới về”. Vậy thế nên, cố lên nhé, Sài Gòn hết dịch rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau thôi!.

 

Tin khác

Giải trí 14 giờ trước
(SHTT) - Một vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang California mới đây đã tố ca khúc 'Flowers' của Miley Cyrus đạo nhạc ca khúc 'When I Was Your Man' của nam ca sĩ Bruno Mars.
Giải trí 15 giờ trước
(SHTT) - Nhiều bạn trẻ chọn quay ngược về quá khứ để tìm về với những giá trị lâu đời trong âm nhạc truyền thống dù biết đây là con đường không dễ dàng.
Giải trí 22 giờ trước
(SHTT) - Đêm Trung thu, phố Hàng Mã như một bức tranh đầy màu sắc. Hàng ngàn chiếc đèn lồng sáng rực, những gian hàng bày bán đồ chơi truyền thống tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Đạo diễn người Ấn Độ - Soham Shah đệ đơn kiện Netflix, tuyên bố bộ phim "Luck" năm 2009 của ông đã bị "Squid Game" đạo nhái trắng trợn.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Khói lửa chiến tranh tiếp tục bao trùm phố phường Hà Nội từ cuối năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, toàn quân, toàn dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, quyết hi sinh tất cả vì Thủ đô thân yêu.