SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 07/12/2024
  • Click để copy

Nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ tại Việt Nam như thế nào ?

13:47, 18/10/2024
(SHTT) - Một trong những sửa đổi quan trọng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2022) là đã ghi nhận dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu tại Việt Nam (nhãn hiệu âm thanh).

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), đây là những quy định sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu sản phẩm theo một cách hoàn toàn khác so với trước đây và góp phần hạn chế rủi ro bị đánh cắp thương hiệu trên thị trường.

Nhãn hiệu không chỉ nhìn bằng mắt

Khác với các loại nhãn hiệu truyền thống nhìn được bằng mắt, nhãn hiệu âm thanh là một loại nhãn hiệu phi truyền thống không nhận biết được bằng thị giác, bao gồm nhãn hiệu mùi, nhãn hiệu nhận biết bằng vị giác hoặc xúc giác,…nhãn hiệu âm thanh có thể là một đoạn âm thanh, có thể là sự kết hợp từ các loại âm thanh khác nhau (như nhạc cụ, giọng hát, tiếng kêu của động vật, tiếng phát ra từ các vật dụng khác…) đủ để người tiêu dùng có mức hiểu biết trung bình có thể ghi nhớ và phân biệt được (theo định nghĩa nhãn hiệu âm thanh của Luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ). Trong khi đó, tác phẩm âm nhạc nhất thiết phải là một bản nhạc hoặc đoạn nhạc được viết ra dưới dạng ký tự hoặc chỉ được thể hiện trực tiếp dưới một loại nhạc cụ hoặc sự trình diễn của một cá nhân. Một trong những dạng nhãn hiệu âm thanh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là tín hiệu trống phát từ làng này sang làng khác báo hiệu các sự kiện nhất định.

Nhiều người có thể thấy xa lạ nhưng trên thực tế, có những doanh nghiệp Việt Nam đã từng sử dụng loại nhãn hiệu này, thậm chí rất có thể lúc đó họ còn chưa ý thức được đó là một loại “nhãn hiệu”, ví dụ như giai điệu “Kangaroo” được hát theo kiểu yodel từng rất phổ biến trong các quảng cáo máy lọc nước của công ty Kagaroo.

Mặc dù, nhãn hiệu âm thanh có quy chế bảo hộ phức tạp hơn so với nhãn hiệu truyền thống, nhưng được nếu áp dụng theo đúng phương pháp, nhãn hiệu âm thanh không chỉ sở hữu chức năng thông thường của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp với doanh nghiệp khác; mà còn đóng góp vào việc đẩy mạnh quá trình thu hút khách hàng, với lý do, âm thanh thường sẽ có nhiều tác động trực quan đối với khách hàng hơn so với các dấu hiệu khác, cũng như có thể lan tỏa những cảm xúc, đặc điểm tiêu biểu của thương hiệu tới những người tiêu dùng, qua đó tạo mối liên kết chắc chắn hơn giữa người tiêu dùng và sản phẩm của doanh nghiệp.

luat-su-nguyen-van-tuan-giam-doc-cong-ty-luat-tgs

 

Nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ tại Việt Nam như thế nào ?

Trước đây, theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019, Việt Nam chỉ bảo hộ các dấu hiệu “nhìn thấy được” dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều, hoặc sự kết hợp của các yếu tố và đó là điều kiện tiên quyết để bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu âm thanh lần đầu tiên được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu theo Luật SHTT sửa đổi năm 2022. Bảo hộ nhãn hiệu âm thnah là một yêu cầu bắt buộc theo Điều 18.18 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) mà Việt Nam là thành viên.  

Sửa đổi, bổ sung Hhoản 1 Điều 72 (Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ) như sau:

“Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc là sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dạng đồ họa”.

Bổ sung Khoản 7 vào Điều 73 như sau:

“7. Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 như sau:

“2. Nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”.

 Như vậy, điều kiện “nhìn thấy được” không còn là điều kiện duy nhất đặt ra trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và theo đó Việt Nam không được từ chối một dấu hiệu chỉ vì dấu hiệu đó là dấu hiệu âm thanh.

Quy định tại khoản 2, Điều 105, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đặt ra yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu của đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó. Có thể thấy rằng, quy định về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu tại điều khoản này vừa đảm bảo được điều kiện bảo hộ chung của nhãn hiệu thông thường là “nhìn thấy được” dưới hình thức “bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh”, vừa đảm bảo được yếu tố đặc thù phi truyền thống của loại nhãn hiệu âm thanh đó là tệp chứa đựng âm thanh.

Ngoài ra, để có cơ chế bảo hộ chặt chẽ đối với nhãn hiệu âm thanh và tránh chồng lấn quyền nhãn hiệu âm thanh với bản quyền tác giả cho các tác phẩm liên quan đến/kèm theo âm thanh, khoản 7 Điều 73, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cũng bổ sung các dấu hiệu loại trừ không được bảo hộ là với danh nghĩa nhãn hiệu âm thanh như quốc ca của Việt Nam và các nước, quốc tế ca để tương ứng với các dấu hiệu loại trừ không bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thông thường nhìn thấy được khác.

Các quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định, Thông tư) quy định chi tiết về thẩm định khả năng phân biệt, cách thức công bố đơn và lưu giữ hồ sơ đối với nhãn hiệu âm thanh.

Có thể thẩy, để các sản phẩm/dịch vụ của mình dễ được nhận biết hơn so với sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, các nhà sản xuất/kinh doanh ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, cũng chú trọng đến việc sử dụng các dấu hiệu mới lạ làm nhãn hiệu để tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng.

Mặt khác, sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng là để đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh, đặc biệt trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay. Theo đó, nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện được chức năng vốn có của một nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng.

Để đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam, theo Điều 105.2 Luật SHTT năm 2022, người nộp đơn phải nộp:

– Bản ghi âm từ tính của nhãn hiệu trên một phương tiện cho phép dễ dàng phát lại. Hiện nay, phương tiện phổ biến nhất là đĩa CD, DVD và bản ghi MP3;

– Bản thể hiện bằng hình ảnh đồ họa của nhãn hiệu âm thanh đó (nghĩa là nhãn hiệu âm thanh ở Việt Nam phải được thể hiện bằng dạng đồ họa) để kiểm tra tính phân biệt và tính khả dụng của âm thanh đó cho mục đích đăng ký.

Lưu ý rằng một đoạn ký hiệu âm nhạc dài, chẳng hạn như toàn bộ bản nhạc của dàn nhạc hoặc piano không có khả năng đáp ứng các yêu cầu về khả năng đăng ký.

5-Hinh1

 

Hạn chế còn tồn tại trong quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Việc đánh giá dấu hiệu nào có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu âm thanh không phải là điều đơn giản. Một dấu hiệu chỉ đủ điều kiện trở thành nhãn hiệu âm thanh khi đáp ứng đủ điều kiện về tính phân biệt và tính phi chức năng. Tính phân biệt là tiêu chuẩn cơ bản của tất cả các loại nhãn hiệu nói chung. Nếu nhãn hiệu truyền thống quy định các dấu hiệu mô tả chức năng, nguồn gốc và quá trình sản xuất sản phẩm sẽ bị loại trừ thì với nhãn hiệu âm thanh, các quốc gia thường nhấn mạnh tính phi chức năng. Thực chất, tính phi chức năng cũng phục vụ cho tiêu chí về khả năng phân biệt. Chẳng hạn, người ta không thể bảo hộ tiếng “ting” của lò vi sóng sau khi hoàn thành hâm nóng, vì âm thanh này vốn gắn liền với hoạt động của tất cả các loại lò vi sóng nói chung.

Ngoài ra, làm thế nào để xác định việc “sử dụng” nhãn hiệu âm thanh trong thực tế cũng là một câu hỏi phức tạp. Vốn có tính “vô hình” nên nhiều trường hợp nhãn hiệu âm thanh không thể gắn kèm với sản phẩm như nhãn hiệu thông thường, chẳng hạn như khó có thể gắn âm thanh lên một gói kẹo. Do vậy, mỗi quốc gia sẽ có một quy định khác nhau. Chẳng hạn như Anh chấp việc sử dụng nhãn hiệu âm thanh trong quảng cáo được coi là chứng cứ để đánh giá tính phân biệt, trái lại, ở Đức quy định phải thể hiện rõ nhãn hiệu trên sản phẩm, bao bì hoặc các bản thuyết minh kèm theo.

Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, đây là một đối tượng hoàn toàn mới. Do đó, Việt Nam cần phải học hỏi các quy định pháp luật, cũng như kinh nghiệm thực tiễn thẩm định và bảo hộ loại nhãn hiệu này của các nước. Luật SHTT hiện nay chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Việc đưa vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vào Luật SHTT không phải để đáp ứng điều kiện thực tế hiện nay vì thời gian chúng ta phải thực thi luật rất sớm (tháng 01/2022) mà chủ yếu để chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, khi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cần có sự rà soát các quy định của pháp luật để làm sao cho quy định này có thể áp dụng trên thực tế khi tiến hành triển khai.

Đề xuất đối với quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam

Về việc ghi nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh và các điều kiện chi tiết bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Việc Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung dấu hiệu âm thanh được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu đã đánh dấu sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, dần tiệm cận với nền pháp luật sở hữu trí tuệ thế giới. Tuy nhiên, đặc trưng của loại dấu hiệu âm thanh khác biệt so với những dấu hiệu nhìn thấy được bởi khả năng được cảm nhận của nó là bằng thính giác của con người. Do đó, việc áp dụng các quy định về điều kiện chung của những dấu hiệu khác để đánh giá vào nhãn hiệu âm thanh là chưa thực sự hoàn toàn phù hợp. Dựa vào kinh nghiệm của một số quốc gia có nền pháp luật sở hữu trí tuệ tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, theo tác giả, cần chi tiết hóa điều kiện để được xem là một nhãn hiệu âm thanh, theo đó, quy định tính phi chức năng của dấu hiệu âm thanh, đồng thời giải thích cụ thể dấu hiệu âm thanh phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm tính phân biệt như thế nào để tránh việc cơ quan thẩm định đánh đồng với các âm thanh quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trong khi chúng không bảo đảm yếu tố chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Về quy trình đăng ký nhãn hiệu, đối với nhãn hiệu âm thanh, do được quy định bởi tính đặc biệt của loại dấu hiệu này, nên hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần phải được đầu tư chuẩn bị, pháp luật cần có những hướng dẫn cụ thể về quy trình đăng ký (chẳng hạn, file âm thanh được định dạng như thế nào, dung lượng tối đa là bao nhiêu, bản đồ họa yêu cầu thể hiện các nốt nhạc ra sao, có cần thiết được mô phỏng cụ thể bằng một văn bản hay không…). Đồng thời, hình thức nộp đơn trực tuyến cũng nên được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện cho quá trình nộp cũng như thẩm định được nhanh và chính xác hơn.

PV

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Nhà sản xuất điện tử tiêu dùng Anker vừa thông báo thu hồi một loạt loa không dây Bluetooth Soundcore và PowerConf do sự cố cháy nổ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa thành công bắt giữ bắt trên 3 tấn hàng hóa nghi làm giả bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng, dầu gội của các hãng nổi tiếng...
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Sony Music Entertainment và một số công ty con, bao gồm Ultra Records và AWAL, đang bị Ultra International Music Publishing của Patrick Moxey tố vi phạm bản quyền.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Thời gian vừa qua, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã nhận được phản ánh về sản phẩm TPBVSK Nutri Fucoidan Plus do Công ty CP THT Pharma phân phối có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thu giữ năm 2024
. ..