SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và nỗi trăn trở về bản quyền âm nhạc

15:58, 24/07/2020
(SHTT) - Trong bối cảnh âm nhạc trực tuyến đang bùng nổ mạnh mẽ, các nhạc sĩ của Việt Nam đang gặp rất nhiều rắc rối trong việc bảo vệ những tác phẩm. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng hy vọng sẽ giúp các nhạc sĩ quản lý được bản quyền tác phẩm của mình trên môi trường mạng.

 Nhạc sĩ Lê Minh Sơn mới đây đã tiết lộ anh sắp điều hành một công ty chuyên về quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến. Chia sẻ với báo chí, anh cho hay: "Việc tôi thành lập công ty chuyên về bản quyền âm nhạc trực tuyến xuất phát từ khát vọng chung của những người làm nghề sáng tạo là các nhạc sĩ. Tôi muốn các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Một đất nước thật sự văn minh và phát triển, với một xã hội văn minh, phải bảo vệ được chất xám, cũng như sự sáng tạo của con người".

Vị nhạc sĩ đa tài cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền âm nhạc hiện nay: "Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lâu nay cũng đã  hỗ trợ các nhạc sĩ trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, những việc làm được hiện nay mới chỉ là một phần , đặc biệt là vấn đề quản lý bản quyền âm nhạc trên mạng còn gặp nhiều khó khăn.

nhac si le minh son

 Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và nỗi trăn trở về bản quyền âm nhạc

Trên thực tế, có hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam đang trôi nổi, “lang thang” trên mạng. Ví dụ, tôi thống kê có tới hơn 200 bài hát của mình đang bị những người mà tôi không quen biết sử dụng trên mạng. Có những người đã tự gom các bài hát của tôi vào  những kho riêng để kinh doanh, họ khai thác quảng cáo trên những bài hát của tôi. Rất nhiều nhạc sĩ khác đều bị tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát của mình, không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Trong khi đó, nhiều nhạc sĩ lại không để ý bài hát của mình đang bị lợi dụng ra sao. Tôi cho rằng việc người sáng tạo ra các bài hát không được xin phép, không được hưởng bất cứ một khoản tiền tác quyền nào là sự thiếu tôn trọng các nhạc sĩ".

Anh lấy ví dụ ở Mỹ, Luật bản quyền đã có vào năm 1937. Họ làm rất là chặt về vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền trên môi trường Internet. Mới đây nhất, có trường hợp một sinh viên chỉ gửi một đường link bài hát mình thích cho bạn nhưng bị phạt tới 60.000 USD. Bởi ở nước ngoài, họ quy đó là tội ăn cắp, họ coi sự sáng tạo của con người là tài sản, nên sự sáng tạo được bảo vệ rất chặt. Từ đó để thấy nhạc sĩ ở nước ngoài họ rất sướng vì những sáng tạo của họ được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

"Nhạc sĩ ở nước ngoài họ sống hoàn toàn bằng thu nhập từ tác phẩm, hoàn toàn là sống bằng tác quyền. Còn ca sĩ sống bằng nguồn thu từ băng đĩa và những show diễn" - nhạc sĩ Lê Minh Sơn trần tình.

Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt chia sẻ, ở Việt Nam, rất ít các hãng âm nhạc quốc tế họ vào, rất ít ca sĩ nổi tiếng đến với Việt Nam. Lý do là bởi chúng ta không bảo vệ được bản quyền về hình ảnh, bản quyền về show diễn, bản quyền về tác giả. Khi tham gia ký kết các hợp đồng biểu diễn với nước ngoài, điều quy định đầu tiên mà họ đưa ra là phải bảo vệ được tác quyền, bảo vệ được quyền tác giả.

Từ nguyên do đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn bày tỏ mong muốn về một giải pháp quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến: "Đến một thời gian, khi tìm kiếm lại các bài hát của hàng ngàn nhạc sĩ Việt Nam đang được sử dụng một cách tự do, tôi mới nhận ra ra là: À, chúng ta cần phải làm gì để anh em nhạc sĩ được tôn trọng? Dùng giải pháp nào, đường đi nước bước như thế nào tôi đã suy nghĩ từ rất lâu".

"Trước hết tôi muốn những tác phẩm của anh em nhạc sĩ phải được tôn trọng cái đã. Tiêu chí thứ hai, đó là sự minh bạch. Minh bạch ở chỗ khi có người dùng tác phẩm thì số tiền mà họ trả ấy sẽ được hiển thị ngay lập tức trên tài khoản của nhạc sĩ luôn" - vị giám khảo của Sing My Song chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn mong rằng sẽ hiện thực hóa giấc mơ khi hệ thống quản lý bản quyền tác phẩm âm nhạc chính thức vận hành: "Tôi muốn xây dựng một hệ thống mà mỗi một nhạc sĩ phải có một mã số riêng (giống như số chứng minh thư). Khi nhạc sĩ muốn kiểm tra, muốn xem tác phẩm của mình đang có những ai sử dụng thì chỉ cần click chuột là nó tự động thống kê được hôm nay có người nào nghe, hôm nay tác phẩm nào của mình được sử dụng, ai là người sử dụng, các nhạc sĩ sẽ "đánh dấu" tác phẩm của mình trên môi trường số. Tôi nghĩ đấy là sự minh bạch rất ghê gớm".

Thanh Trúc

Tin khác

Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Cuộc tranh luận pháp lý mới đây xoay quanh việc liệu các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không đang tiếp tục thu hút sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia tại Mỹ.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Adam Schiff, nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang California, đã đề xuất với Quốc hội Mỹ về dự luật buộc các công ty AI tiết lộ những tài liệu có bản quyền được sử dụng để xây dựng các mô hình AI tạo sinh.
Liên kết hữu ích