Nhà khoa học Việt Nam tạo da sinh học từ vi khuẩn và sợi nấm
Loại da sinh học này được tạo ra từ quá trình lên men vi khuẩn kết hợp với sợi nấm, giúp tạo kết cấu chắc chắn, dễ dàng gia công và co giãn linh hoạt. Sản phẩm này có độ bền tương đương da động vật, nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh thái. Bên cạnh đó, loại da này có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên sau khi hoàn thành vòng đời sử dụng.

Nhân giống nấm để tạo da sinh học. Ảnh: NVCC
Để đi đến thành công "nhóm đã thất bại hàng trăm lần trước khi tìm ra phương pháp tối ưu", PGS Nguyễn Thị Liên Thương nói. Một trong những thách thức lớn nhất đó là tạo điều kiện phù hợp để vi khuẩn và nấm có thể cùng phát triển. Thông thường, nấm không thể phát triển ở môi trường có độ pH thấp mà vi khuẩn sản xuất cellulose sinh trưởng.
"Nhờ công nghệ mới đã tạo điều kiện tối ưu để cả hai cùng phát triển, hình thành tấm vật liệu lai giữa sợi nấm và cellulose vi khuẩn", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Kết quả thử nghiệm tại Nhà máy thuộc da của tập đoàn ISA Tantec (Mỹ) về độ bền kéo, uốn, khả năng chống nước, tia UV, độ mòn và tỷ lệ phần trăm sinh học của HMC, đều đáp ứng tiêu chuẩn của nhà máy. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm khả năng phân hủy sinh học trong môi trường đất. Kết quả cho thấy vi khuẩn trong đất có thể phân hủy hoàn toàn các thành phần tự nhiên của da.
So với các sản phẩm tương tự, kỹ thuật lai nấm khuẩn và công nghệ nano trong da của nhóm nghiên cứu tạo ra vật liệu bền, chịu lực tốt, đáp ứng tiêu chuẩn thay thế da động vật. Với đặc tính tương tự da thật, tấm cellulose sợi nấm có thể ứng dụng trong sản xuất giày dép, túi xách, nội thất và thời trang mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, quy trình sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại, giúp giảm thiểu ô nhiễm so với ngành công nghiệp da truyền thống.
Ông Reiner Hengstmann, Giám đốc toàn cầu về môi trường Puma nhận định, loại da sinh học này có khả năng ứng dụng cao do có độ bền chắc đạt tiêu chuẩn da sử dụng trong công nghiệp. Các thành phần sinh học sử dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp để sản xuất giúp "vật liệu này mang giá trị nhân văn và giải quyết vấn đề môi trường", ông nói.
T/H
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
