SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Nguyễn Khoa bỏ 8 câu rap, Kay Trần còn được sử dụng bài hát 'Tết đong đầy'?

12:29, 06/01/2023
Việc nhạc sĩ Nguyễn Khoa bỏ 8 câu rap của Kay Trần trong ca khúc "Tết đong đầy" có thể được xem là hình thành tác phẩm phái sinh. Do đó cần xác định đóng góp riêng biệt vào ca khúc để xác định quyền của các bên, đặc biệt cần xác định được ai là chủ sở hữu tác phẩm.

Mới đây, sự việc tranh chấp bản quyền của 2 ca khúc "Tết đong đầy" và "Chuyện tình tôi" giữa nhạc sĩ Nguyễn Khoa và Kay Trần đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Sau khi sự việc được Nguyễn Khoa chia sẻ lên Facebook, công ty quản lý của Kay Trần khẳng định Nguyễn Khoa đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ khi tự ý kinh doanh bản ghi và sử dụng hình ảnh Kay Trần với mục đích thương mại.

Đóng góp 8 câu rap vẫn được xem là đồng tác giả

Lùm xùm xảy ra khi vào năm 2022, phía Nguyễn Khoa muốn lấy lại bản quyền của 2 ca khúc viết chung với Kay Trần là "Chuyện tình tôi" và "Tết đong đầy" để đăng tải lên nền tảng nhạc quốc tế. Lúc này, phía Kay Trần muốn mua và phối lại ca khúc để đăng lên kênh cá nhân. Nguyễn Khoa không đồng ý với yêu cầu trên nhưng ngay sau đó nhạc sĩ này nhận được thông báo phía Kay Trần dự định tố cáo anh vi phạm tác quyền.

Trước đó, Nguyễn Khoa cho biết thời điểm sáng tác 2 ca khúc này anh dự định viết riêng cho mình nhưng ca sĩ Kay Trần muốn tham gia chung và xin phép cộng tác 8 câu rap. Đồng thời, Kay Trần ngỏ ý mua 2 ca khúc song Nguyễn Khoa đã từ chối, dù vậy anh vẫn để Kay Trần cộng tác.

Kay trann

Kay Trần tên thật là Trần Anh Khoa (sinh năm 1994 ở TPHCM), là ca sĩ, rapper được yêu thích qua các MV "Ý em sao", "Chuyện tình tôi", "Tết đong đầy". 

Ngày 3/1, Công ty quản lý của Kay Trần khẳng định Nguyễn Khoa đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ khi tự ý kinh doanh bản ghi và sử dụng hình ảnh Kay Trần với mục đích thương mại.

Trao đổi với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, luật sư Huỳnh Duy Toàn cho rằng tại thời điểm 2 bài hát nêu trên được sáng tác, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 cùng văn bản hướng dẫn thi hành quy định: "Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học". 

Đối với phần đóng góp của mỗi tác giả trong tác phẩm có đồng tác giả, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành không quy định yêu cầu về mặt định lượng tỉ lệ hay mức độ đóng góp để được xem là đồng tác giả.

Theo thông tin mà Nguyễn Khoa cung cấp thì khi "Kay Trần ngỏ ý muốn cộng tác, nên anh đồng ý cho tham gia, đảm nhận 8 câu rap ở 2 bài". Có thể thấy ở đây Nguyễn Khoa đã ghi nhận việc Kay Trần có tham gia trực tiếp sáng tạo ra một phần của 2 bài, cụ thể là 8 câu rap.

"Do đó, khi xem xét 2 ca khúc nêu trên, một cách tổng thể và tạm gọi gồm phần lời chính và phần rap thì Nguyễn Khoa và Kay Trần được xem là đồng tác giả", luật sư Huỳnh Duy Toàn nhận định. 

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Bỏ 8 câu rap: "Tết đong đầy" là tác phẩm phái sinh

Theo thông tin được đăng tải trước đó, Nguyễn Khoa cho biết anh bỏ 8 câu rap của Kay Trần ra và làm lại bản mới hoàn toàn. Đồng thời, vì động thái đòi kiện tụng, thiếu tôn trọng của phía Kay Trần nên từ giờ Nguyễn Khoa sẽ không đồng ý cho Kay Trần mang 2 ca khúc đi diễn và thương mại hoá dưới bất kỳ hình thức nào.

Với trường hợp trên, luật sư Huỳnh Duy Toàn cho rằng mặc dù thông tin chưa đầy đủ, nhưng có thể xem khi loại trừ 8 câu rap ra thì phần còn lại của 2 ca khúc toàn bộ là sản phẩm sáng tạo của Nguyễn Khoa. 

Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại điều 19 - quyền nhân thân và điều 20 - quyền tài sản của luật này đối với phần riêng biệt đó.

Ở trường hợp này, có cơ sở để nhận định và tạm gọi tác phẩm gồm phần lời chính và phần rap được tạo ra bởi 2 tác giả, giữa họ có sự độc lập trong quá trình sản xuất để tạo ra tác phẩm tổng thể.

Do đó, nếu phần riêng biệt của nhạc sĩ Nguyễn Khoa có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của đồng tác giả, thì nhạc sĩ Nguyễn Khoa có các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với phần riêng biệt đó. Trừ trường hợp 2 ca khúc được đầu tư sản xuất bởi một tổ chức, cá nhân khác thì quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm đối với phần riêng biệt thuộc về tổ chức, cá nhân đó.

"Đối với trường hợp Nguyễn Khoa bỏ 8 câu rap của Kay Trần ra và làm lại bản mới thì có thể xem đó là tác phẩm phái sinh. Đó có thể là bản phối lại, là một phiên bản khác của phiên bản gốc, được tạo nên từ việc sửa đổi về mặt cường độ âm nhạc, tăng thêm độ cao, làm tăng thêm thời gian phát nhạc... từ chính phiên bản gốc đã có mà không phải là một tác phẩm mới", luật sư Toàn đưa ra lưu ý. 

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn,... Như vậy, khi khán giả thưởng thức tác phẩm phái sinh sẽ liên tưởng đến tác phẩm gốc bởi tác phẩm phái sinh thừa hưởng những nền tảng nhất định của tác phẩm gốc như nội dung, giai điệu,…

Như vậy, khi làm tác phẩm phái sinh, Nguyễn Khoa có phải xin phép đồng tác giả còn lại hay không và Kay Trần có quyền gì đối với việc Nguyễn Khoa làm tác phẩm phái sinh sẽ phụ thuộc vào việc xem xét 2 phần của ca khúc có là các phần riêng biệt.

tet dong day

MV "Tết đong đầy" đạt hơn 118 triệu lượt xem trên YouTube. Ảnh chụp màn hình.

Nếu là các phần riêng biệt, Nguyễn Khoa có các quyền quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần riêng biệt đó và không phải xin phép Kay Trần. Ngược lại, nếu không phân chia được thành các phần riêng biệt, Nguyễn Khoa và Kay Trần là đồng tác giả cùng có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định, việc thực hiện các quyền đối với tác phẩm phải được sự đồng ý của các đồng tác giả.

Chủ sở hữu có quyền quyết định quan trọng

Theo quy định tại khoản 7 điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, làm tác phẩm phái sinh phải được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này. Có nghĩa là, ngoài trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì bất kể hành động làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Như vậy, chủ sở hữu sẽ có quyền quyết định có cho phép Nguyễn Khoa làm lại tác phẩm phái sinh hay không? Và trong trường hợp Nguyễn Khoa làm lại bản mới, bỏ hoàn toàn 8 câu rap của Kay Trần thì Kay Trần có được phép sử dụng bản gốc (chưa bỏ 8 câu rap) để biểu diễn và thương mại hóa hay không?

Theo luật sư Huỳnh Duy Toàn, trường hợp ca khúc này được tổ chức, cá nhân khác đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật để 2 tác giả sáng tác, thì tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu quyền tác giả và có các quyền quy định tại khoản 3 điều 19 và điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Kay Trần được xem là đồng tác giả đối với 2 ca khúc. Tuy nhiên, khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn và thương mại hóa thì đây được xem là hoạt động khai thác thương mại tác phẩm. Lúc này, Kay Trần đang thực hiện một trong các quyền tài sản của tác phẩm nhằm mục đích thương mại. Do đó, Kay Trần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm này là tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc đồng chủ sở hữu quyền tác giả - nhạc sĩ Nguyễn Khoa - theo các trường hợp nêu trên trước khi biểu diễn.

Ngược lại, nếu nhạc sĩ Nguyễn Khoa, ca sĩ Kay Trần sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình thì họ cùng là chủ sở hữu quyền tác giả và có các quyền nêu trên. Do đó, nếu Nguyễn Khoa muốn làm tác phẩm phái sinh thì phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm này là tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc đồng chủ sở hữu quyền tác giả - ca sĩ Kay Trần.

Võ Liên

Tin khác

Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N, địa chỉ trụ sở chính: Phường Phan Đình Phùng, Thị Xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà số tiền 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi vừa phối hợp với Trạm CSGT Đức Phổ - Công an tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang lưu thông trên thị trường.