Người xứ Quảng tự hào khi Mỳ Quảng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bà C’lâu Lanh, người dân huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) vui mừng khi biết tin món ăn đặc sản xứ Quảng được vinh danh viết trên facebook: “Bây giờ chúng ta ra quán hô to: ăn sáng gọi một tô Mỳ Quảng “di sản văn hóa phi vật thể” thấy sang hẳn”.
Nhiều người dân cũng bày tỏ lòng tự hào về món ăn “ruột” gắn với đời sống bình dị của hầu hết người dân Quảng Nam và thân thuộc với rất nhiều vùng đất có con em Quảng Nam xa xứ đến sinh sống làm việc. Trước món ăn thấm đượm hồn cốt đặc trưng văn hóa vùng đất này, nhiều nhà “ẩm thực học” không ngừng tìm tòi, nghiên cứu về tri thức dân gian trong việc làm mỳ Quảng, nấu Mỳ Quảng, ăn Mỳ Quảng.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghề chế biến Mỳ Quảng ở tỉnh này hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam. Món Mỳ Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực. Món ăn có nhiều biến tấu để “chiều” tất cả kiểu khách.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – Nguyễn Thanh Hồng – cho hay: Nghề chế biến Mỳ Quảng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khẳng định giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đây, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa, ẩm thực Mỳ Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Tại Hội nghị APEC năm 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng, món Mỳ Quảng được chọn làm món ăn trong yến tiệc phục vụ các nguyên thủ quốc gia phần nào minh chứng cho những giá trị văn hóa ẩm thực của Mỳ Quảng mang tính biểu trưng của đất và người xứ Quảng.
Cùng với việc đưa tri thức dân gian về món Mỳ Quảng trở thành Di sản phi vật thể quốc gia, trước đó, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo cũng ghi nhận được nhiều ý kiến của nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc phục dựng không gian di sản văn hóa - ẩm thực trở thành nơi tham quan, trải nghiệm.
Qua đó, đưa Mỳ Quảng thành sản phẩm du lịch ẩm thực cho Quảng Nam nói riêng, vùng miền và cả nước nói chung. Tỉnh Quảng Nam cần định vị thương hiệu Mỳ Quảng bằng việc sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng cho Mỳ Quảng của Quảng Nam nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ, nâng cao sức cạnh tranh, quảng bá và đưa Mỳ Quảng vươn xa.
Trước đó, Mỳ Quảng từng được xếp vào danh sách 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á.
Bảo Hòa