Người trẻ nhạy bén đổi mới trong phát triển kinh tế tập thể
Hình thành ý tưởng đầu tư, nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, nghiệp vụ thành viên, người lao động vốn là nông dân trở thành những nhà quản lý luôn là một thách thức trong phát triển HTX. Nếu thiếu đội ngũ nhân sự trẻ kề cận thì khó trong xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp xu thế, thị hiếu của du khách.
Khi người trẻ tham gia quản lý HTX
Một buổi chiều mùa hạ, chị Đỗ Thị Huyền Trâm - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Hòa Bắc - đưa đoàn tham quan thăm mô hình Đồi giữ nước tại HTX này. Đây là một trong những hoạt động mới của HTX, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, hàng trăm đoàn tham quan đến với thôn Nam Yên để trải nghiệm dịch vụ du lịch đặc biệt của HTX.
Tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2019, HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Hòa Bắc đã có 19 xã viên chính thức góp vốn là các doanh nhân, người dân, chính quyền và các nhà khoa học. 270 thành viên liên kết tại địa phương trải rộng khắp 7 thôn trong xã với nhiều tổ, đó là tổ nông nghiệp, tổ nghề truyền thống (nghề đan lát, dệt thổ cẩm, làm bánh), tổ văn hóa - văn nghệ, tổ ẩm thực, vận chuyển và tour.
Đỗ Thị Lan Anh (SN 2001) vốn là sinh viên ngành báo chí (Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng). Ra trường, cô về gắn bó với miền quê thượng nguồn sông Cu Đê này rồi trở thành Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái cộng đồng Hòa Bắc.
Lan Anh nhớ lại, năm thứ 3 Đại học là thời điểm đại dịch Covid 19. “Đó là thời gian em cảm nhận được quê mình đẹp và có nhiều điều mà chính mình cũng chưa biết khi vừa học trực tuyến vừa giúp đỡ chị Trâm trong hoạt động HTX”, Lan Anh nói.
Trước đây, HTX chỉ là tổ hợp tác nhỏ, chưa có dịch vụ lưu trú. Để đáp ứng lượng khách ngày càng đông, HTX thành lập và liên kết thêm với nhiều đầu bếp, kết nối với các quán cà phê, homestay tại địa phương.
“Giữa đại dịch, HTX được thầy Chu Mạnh Trinh – người được mệnh danh là tiến sĩ Cua Đá - tư vấn đầu tư cho lớp trẻ. Tôi đã được kêu gọi tham gia HTX vì như vậy”, Lan Anh kể.
Giai đoạn đầu, Lan Anh được đào tạo để trở thành một hướng dẫn viên có khả năng kể những câu chuyện văn hóa bản địa, đời sống của bà con cho du khách. Sau một thời gian đào tạo, các bạn trẻ không trụ lại được nên nhiều bạn đã rời đi, Lan Anh kiên trì ở lại vì niệm nghĩ có thể đóng góp cho quê hương.
“Trước khi tham gia tôi vẫn chưa biết HTX là gì, hoạt động thế nào? Công việc quản lý đều mới mẻ. Những loại máy móc, kỹ thuật, công nghệ thì chúng tôi nhanh hơn nhưng kinh nghiệm thì không bằng những người quản lý lớn tuổi. Mọi người vẫn hỗ trợ nhau, vừa học vừa làm”, Lan Anh bày tỏ.
Hiện HTX có 3 người trẻ tuổi ở vị trí thành viên chủ chốt, còn lại đều là những thành viên có tuổi đời từ 40 - 80 tuổi.
Định vị thương hiệu Hòa Bắc là một điểm đến không chỉ đơn thuần là thư giãn, vui chơi tại Đà Nẵng mà đề cao nhiệm vụ bảo tồn các giá trị rừng, văn hóa, nếp sống, một điểm đến luôn có những mô hình mới đáng tham quan học tập.
Không phải chỉ có HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Hòa Bắc cảm nhận được “làn gió mới” từ những xã viên, quản lý trẻ. HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt cũng là một đơn vị được sáng lập, quản lý bởi giám đốc 8X đời cuối.
Đưa ra thị trường thương hiệu hiệu tảo xoắn made in Đà Nẵng, chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư (SN 1989, An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có trải nghiệm đặc biệt khi làm quản lý của mô hình kinh tế tập thể.
Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh và công nghệ thực phẩm, chị Thư ra trường làm việc cho một hãng ô tô rồi nghỉ để nối nghiệp kinh doanh bánh của gia đình.
Rào cản cái nhìn thế hệ trước không thể ngăn cản được những bước tiến của một cô gái hiếu thảo, dám nghĩ, dám làm. Chị Thư rưng rưng nhắc lại kỷ niệm buồn thời điểm năm 2016, ông ngoại mắc bệnh hiểm nghèo nên ăn uống, tiêu hóa khó khăn, cơ thể chỉ còn 36 kg: “Tôi lên mạng tìm thông tin về loại tảo xoắn của Nhật và thấy ông cải thiện rõ rệt khi dùng tảo”. Từ ấy, Thư dấn thân, trầm trật khởi nghiệp đưa tảo xoắn về Đà Nẵng.
Lúc này, Thư nhận ra thị trường Việt Nam chưa ai trồng được tảo xoắn spirulina (còn gọi là Tảo mặt trời). Từ một sản phẩm người Việt quen dùng của nước ngoài, quy trình nuôi trồng và sản xuất mới, Thư vẫn kiên định nghiên cứu nuôi thành công giống tảo khó tính trong bể sục khí và thuyết phục gia đình ủng hộ con đường riêng của mình.
Năm 2019, HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt được thành lập với 7 thành viên, số vốn chỉ 100 triệu đồng. Khoảng sân thượng 200m2 được tận dụng trở thành nơi sản xuất.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai thế hệ nhân sự lớn tuổi và trẻ giúp Thư vững vàng trong từng bước ra với thị trường. Nhờ giao lưu học hỏi chuyển giao công nghệ nuôi trồng tảo của Nhật, linh hoạt trong nuôi tảo kín và hở, ứng dụng công nghệ cao tự động, trang bị lưới chống côn trùng, bụi bẩn để tạo ra sản phẩm sạch, năng suất cao.
Cô giám đốc trẻ thường xuyên ứng dụng công nghệ trong quảng bá để tăng khả năng nhận diện thương hiệu là một lợi thế của người trẻ nhanh nhạy. Năm 2023, HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.
“Để phân biệt tảo giả thì phần trên màu xanh dương thường không có hoặc có ít”, Thư nói thêm.
Hiệu quả bền vững
Tại Hội nghị tổng kết HTX TP Đà Nẵng, Lan Anh – Phó giám đốc trẻ của HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Hòa Bắc - tự tin báo cáo về những thành quả vươn lên của đơn vị mình. Khách tới với thôn Nam Yên tham quan sản xuất nông nghiệp, cảnh đẹp, món ăn ngon, có xe điện trải nghiệm. Mô hình hay đón hàng ngàn lượt khách/năm.
Theo Liên minh HTX TP Đà Nẵng, đến tháng 12/2023 Đà Nẵng có 150 HTX hoạt động với tổng vốn 370,34 tỷ đồng, thu hút 9.524 thành viên, giải quyết việc làm cho 14.958 lao động. Thành phố có 274 tổ hợp tác, nguồn vốn kinh doanh gần 40 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 4.500 lao động.
“Người có vai trò đặc biệt quan trọng là TS Chu Mạnh Trinh. Mỗi bước đi của chúng tôi đều được TS Trinh tư vấn để bà con thực hiện, tin tưởng lan tỏa và làm theo”, Lan Anh nói.
Trong khi đó, sản phẩm tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh của HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP Đà Nẵng năm 2019, sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Chị Thư tiếp tục đưa ra thị trường 10 loại sản phẩm khác như: Tảo spa, rong biển tẩm gia vị dạng viên tươi, tảo khô dạng bột, dạng vảy.
Sự đổi mới sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam giúp Mặt Trời Việt đạt doanh thu 1 - 1,2 tỷ đồng/năm.
“Thời gian tới, tôi sẽ phát triển mô hình trồng tảo kết hợp du lịch trải nghiệm để học sinh, du khách biết đến thực phẩm quý và khác biệt khi đến Đà Nẵng”, chị Thư nói.
HTX không phải là mô hình dễ dàng lựa chọn với người mới bắt đầu khởi nghiệp nhiều ước mơ nhưng ít kinh nghiệm. Song sức trẻ, sự nhạy bén với thời đại luôn giúp họ nắm bắt nhanh những cơ hội tiến bước.
“Chung tay phát triển kinh tế tập thể “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Muốn đi xa, đi nhanh thì mô hình kinh tế tập thể hiệu quả bền vững”, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố - nhấn mạnh vai trò kinh tế tập thể và vai trò của đội ngũ nhân sự trẻ trong bối cảnh nhiều HTX đang đau đầu vì thiếu nhân sự kế cận.
Bảo Hòa