Người tiêu dùng Việt mua hàng online gần 900 tỉ đồng mỗi ngày
Tính chung cả năm, doanh số giao dịch (GMV) trên 5 sàn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng trưởng 37,36% so với năm 2023, theo báo cáo mới công bố của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric.

Con số này chiếm gần 6,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kênh trực tuyến nhanh gấp 4,5 lần so với mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ (8,3%).
Thực tế, chi tiêu của người Việt cho mua hàng online có thể còn lớn hơn vì số liệu của Metric chưa tính đến GMV của các giao dịch trên mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới.
Đáng chú ý, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, tăng trưởng lần lượt gần 38% và 43% so với 2023.
Theo Metric, người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài do hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ thất lạc. Bên cạnh đó, các nền tảng cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ khách hàng tốt hơn.
Ngoài ra, giá cả cạnh tranh của hàng quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm có giá tốt hơn trong nước nhờ vào chi phí sản xuất thấp. "Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh", báo cáo Metric nhận định.
Metric cho rằng sự trỗi dậy của hàng nhập khẩu và thay đổi nhu cầu tiêu dùng tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội nâng cao chất lượng và cạnh tranh hiệu quả hơn.
TH
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
