Người quản lý cần thay đổi tư duy để xây dựng đại học khởi nghiệp
Tại Hội thảo đại học khởi nghiệp với chủ đề "Xây dựng mô hình hệ sinh thái trong trường đại học khởi nghiệp" diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy trong cả hệ thống nhà trường để xây dựng đại học khởi nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, các giảng viên cũng nêu lên những khó khăn khi đăng ký sáng chế do vướng quy định hiện hành, điều này dẫn đến việc khó kêu gọi các nhà đầu tư.
Cần khai thác tối đa lợi thế quyền sở hữu trí tuệ
Theo PGS.TS Trần Ngọc Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo GIC, từ năm 2017 - 2021, số lượng bài báo khoa học tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM có xu hướng tăng khoảng 17%/năm. Theo đó, có tất cả 3400 bài báo với 860 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế. Với số lượng giảng viên, nghiên cứu viên khoảng 1.000 người thì số bài báo trung bình của giảng viên/năm là 0,65 bài, từ đó có thể thấy con số này không quá cao.
Trong 5 năm qua, Trường Đại học Y dược TP.HCM đã tiến hành thực hiện 1167 đề tài cấp cơ sở, trong đó hơn 50% là đề tài tự túc kinh phí. Người nghiên cứu luôn đặt ra bài toán, với đề tài tự túc kinh phí thì quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai, việc chia sẻ lợi ích như thế nào nếu khởi nghiệp thành công.
Lý giải điều này, TS. Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng và nghiên cứu viên, Viện Minh Đức - cho rằng các bài báo khoa học được công bố thường dòng tiền sẽ chảy về nhiều đối tượng khác nhau như nhà khoa học, lab/trường, đối tác, quỹ, đặc biệt là nhà xuất bản. Chính những điều này gây ra sự xung đột cho các giảng viên tự túc kinh phí, họ cảm thấy bị "o ép" hoặc tìm cách ngừng giữa chừng.
TS. Quang cũng đưa ra những gợi mở cho các giảng viên như trong bài báo còn có giải pháp kỹ thuật, có quy trình, kèm theo đó là bí quyết riêng của giảng viên. Như vậy, giảng viên có thể tự sản xuất sản phẩm, tìm đối tác sản xuất hoặc đối tác kinh doanh.
Tại hội thảo, TS. Quang nêu lên kỳ vọng các trường đại học nên có bộ phận nhân sự quản trị tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, môn học về quản trị tài sản trí tuệ nên là môn học bắt buộc ở tất cả các trường.
Khó đăng ký sáng chế do vướng quy định
Cho đến nay, Trường Đại học Y dược TP.HCM chỉ có 2 bằng sáng chế, 1 bằng giải pháp hữu ích. Điều này cho thấy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại trường là mảnh đất màu mỡ cần được khai phá thêm.
Tại hội thảo, GS.TS Võ Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và công nghệ - Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng nêu lên những khó khăn sau 3 năm hoạt động, Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo GIC của trường phải ngừng hoạt động và xác nhập vào phòng nghiên cứu khoa học vì không đủ nhân lực.
Hiện trường Đại học Y dược TP.HCM có 8 khoa, trong đó khoa Y chiếm 2/3 đội ngũ của trường. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, những sáng kiến, phát minh liên quan đến vấn đề sức khỏe cộng đồng thì lập tức phải ứng dụng ngay để phục vụ nhu cầu xã hội, không được phép độc quyền.
"Nếu có đường mổ đẹp, có phác đồ điều trị hiệu quả, có thuốc điều trị phải áp dụng ngay theo quy định của Bộ Y tế. Thực chất, nhà nghiên cứu chỉ có quyền đăng ký quyền tác giả chứ không có thể đăng ký độc quyền, vì vậy nên không thể kêu gọi đầu tư", GS.TS Võ Minh Tuấn nói.
Đối với việc đăng ký độc quyền sáng chế, trong Trường Đại học Y dược TP.HCM chỉ có khoa Dược, Y học cổ truyền làm được điều đó.
GS Tuấn cho rằng hiện tại đa số các bài báo khoa học trong và ngoài nước chủ yếu phục cho việc phong chức danh giáo sư và phó giáo sư. Thực tế, một người có thể có đến hàng trăm bài báo, trong đó có cả những giải pháp hữu ích nhưng khi doanh nghiệp đánh giá để đầu tư thì không, bởi lẽ các giải pháp không kiếm ra tiền.
"Nếu bây giờ làm khảo sát trên 4.000 thầy cô của trường về khởi nghiệp là gì, chắc chắn 90% người định nghĩa sai, vậy thì làm sao sinh viên hiểu đúng. Vì vậy, cần làm cho sinh viên hiểu rõ khởi nghiệp là gì và cần phải chấp nhận sự thất bại. Nhà trường khuyến khích sinh viên thực hiện sự hiểu biết bằng những luận văn, đề tài trong quá trình học. Chỉ cần sinh viên hiểu được khởi nghiệp là gì, dám nghĩ dám làm, từ đó rút ra những bài học là xứng đáng được 10 điểm rồi", GS Tuấn nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung - Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP.HCM - nhận định cần đổi mới tư duy của người lãnh đạo, nếu tư duy của người lãnh đạo rộng mở thì cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học sẽ hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.
"Nếu chỉ đóng cửa hô hào khởi nghiệp thì không thể nào có hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học được. Hiện nay, nhiều trường đại học cũng bỏ lỡ cơ hội, vì chúng ta luôn nghĩ giáo dục là giáo dục, doanh nghiệp là doanh nghiệp, mua bán là mua bán, quảng cáo là quảng cáo mà chưa biết kết nối để tận dụng nguồn thu", ông Trung nhấn mạnh.
Bình Tú