Người Hà Nội xếp hàng từ 5h sáng để vào ngắm bên trong bốt Hàng Đậu

Sau nhiều năm "ngủ quên" và xuống cấp vì không sử dụng, ngày 17/11, người dân lần đầu tiên được trải nghiệm không gian nghệ thuật độc đáo bởi những tác phẩm làm từ nhựa tái chế tại bốt Hàng Đậu (tháp nước Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).



Trước đó 1 ngày, những phần cây cảnh, nhà vệ sinh công cộng đã được hoàn thiện, các công nhân dọn vệ sinh cũng đang trong công đoạn cuối cùng.

Vào sáng sớm ngày hôm nay, hàng trăm người đã xếp hàng chờ đến thời điểm tháp nước Hàng Đậu được mở cửa, lần đầu tiên đón khách vào tham quan.




Ông Đỗ Đức Vinh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi nay đi từ 5h sáng và bắt 2 chuyến xe buýt để đến đây, tôi vô cùng vui mừng khi là người đầu tiên được vào thăm quan tháp nước Hàng Đậu, các hoạ sĩ đã thực hiện các tác phẩm vô cùng đẹp mặt, sau hôm nay tôi sẽ đi đến nhà máy xe lửa Gia Lâm để tiếp tục tham quan trong chuỗi lễ hội lần này".

Bà Đào Thị Minh (85 tuổi, sống tại Ba Đình) cho biết: "Tôi hồi bé ngày nào cũng cùng người dân xung quanh tháp nước Hàng Đậu để lấy nước sinh hoạt, hồi đó vẫn chưa có nước máy đến từng nhà như bây giờ mà chỉ có vòi nước công cộng. Ngày hôm nay tôi được vào bên trong tham quan và nhìn thấy sự thay đổi của một biểu tượng tôi rất vui mừng và xúc động".

Chị Đỗ Thu Hương (sống tại Hoàng Mai) có sở thích đi tìm hiểu những di tích lịch sử, ẩm thực của Hà Nội, ngày hôm nay chị vô cùng bất ngờ về một diện mạo đổi thay của tháp nước Hàng Đậu. Chị Hương chia sẻ: "Ngày trước đi qua đây, một nơi chứng kiến những thời khắc lịch sử của Hà Nội nhưng bị bỏ không nhiều năm, bên ngoài không được sạch sẽ. Tuy nhiên giờ đây đã được dọn dẹp đẹp mắt, tôi mong tháp nước Hàng Đậu sẽ là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong thời gian tới".

Triển lãm này được lấy cảm hứng từ lục thủy. Theo quan niệm Á Đông, lục thủy tượng trung cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.

Công trình nghệ thuật do nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự, mang tên Pavilion "Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu" nhóm tác giả mong muốn du khách sẽ có một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước.



Tháp nước Hàng Đậu nằm trong lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 - 26/11. Dịp này, nhà máy xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp được xây dựng từ thời Pháp thuộc sẽ được thiết kế lại, biến thành một tổ hợp sáng tạo, nơi sẽ diễn ra hơn 60 hoạt động sáng tạo khác nhau với các không gian triển lãm kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh, di sản đặc sắc.

Ngoài ra, người dân còn được tham gia các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, các chuỗi tọa đàm về sáng tạo...
Tin khác
