SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Nghịch lý: càng nhiều chính sách hỗ trợ, hiệu quả giảm nghèo càng… giảm

08:39, 24/04/2014
Chiều 23-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ chủ trì buổi họp trực tuyến toàn quốc về báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012; báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013; nhiệm vụ, giải pháp và định hướng sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo năm 2014-2015.

Vẫn còn nhiều nơi trên 60-70% số hộ nghèo

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Nguyễn Trọng Đàm trình bày cho thấy, thực hiện tổng thể các giải pháp về xóa đói giảm nghèo, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm qua các năm, từ 22% năm 2005 xuống còn 7,8% năm 2013. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm nhanh, đến cuối năm  2013, tỷ lê hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân năm 5%/năm, từ gần 44% năm 2012 đến cuối năm 2013 còn 38,2%.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.  Tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ.. trong đó số hộ phát sinh nghèo chiếm khoảng 60% trong số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo).

Bộ LĐ-TB và XH cũng nhận định, hiện có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Các chính sách được nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng không có sự phối hợp đã dẫn đến chồng chéo. Số chính sách được ban hành nhiều dẫn đến khó kiểm soát; một đối tượng cùng chịu tác động chi phối cùng lúc của nhiều chính sách. Vì vậy sự chồng chéo này tuy không bị trùng chéo về nguồn lực nhưng dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế.

Đơn cử như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn nhưng được bố trí kinh phí cả từ chương trình 135, chương trình 30a, chương trình nông thôn mới.. khiến không lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình này do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư của từng chương trình là khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương thì không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu, dẫn đến tình trạng dở dang thi công do thiếu vốn.

“Phần lớn các chính sách do nhiều cơ quan thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp đã làm giảm hiệu quả của chính sách và lãng phí nguồn lực của Nhà nước như việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Một người cùng lúc được cấp thẻ BHYT với tư cách người có công, người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội…”, ông Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Ngoài ra, hàng loạt những bất cập khác trong việc triển khai các chính sách giảm nghèo cũng được chỉ ra, trong đó có việc ban hành những chính sách hỗ trợ với định mức thấp như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo,, đã tạo sự ỷ lại, không tạo ra động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Giảm dần các chính sách “cho không”

Trong năm 2014, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ nghèo cả nước từ 7,8% năm 2013 xuống còn 5,8-6%  vào cuối năm 2014 (giảm 1,8-2%/năm). Riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện thuộc chương trình giảm nghèo 30a giảm bình quân 4%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 34,2% năm 2014). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%.

Về bố trí nguồn lực cho giảm nghèo, năm 2014, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 6.242 tỷ đồng (tăng 1.211 tỷ đồng so với năm 2013).

Về hướng sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, sẽ phân loại đối tượng hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên (đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc  biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiếu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo), từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo. Chính sách giảm nghèo tới đây sẽ đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo sẽ tiếp tục thực hiện, có sửa đổi theo hướng tích hợp các chính sách cho vay hiện nay thành chính sách cho vay tín dụng đối với người nghèo, xây dựng hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình. Đối với các huyện nghèo sẽ điều chỉnh hạ lãi suất, nâng mức cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý để thiết kế chính sách giảm nghèo cho giai đoạn tới. “Thiết kế chính sách phải làm thế nào để người dân vươn lên tự thoát nghèo, chứ không phải để các địa phương đăng ký vào danh sách xã nghèo, huyện nghèo”, Phó Thủ tướng nói.

Về chính sách BHYT Ban chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì với các bộ ngành nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ BHYT cho người cân nghèo từ 70% lên 100% như người nghèo và các đối tượng dễ tái nghèo. Về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, Ban chỉ đạo giao Ủy ban Dân tộc chủ trì đề xuất tích hợp chính sách chung đặc thù đối với đồng bào, trong đó ưu tiên nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người; nghiên cứu chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo từng khu vực Bắc, Trung, Nam bộ…

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 8 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).