Nghệ sĩ trẻ Việt Nam và hành trình tái sinh chất liệu dân tộc trong âm nhạc
Sự chuyển mình của thị trường âm nhạc và làn sóng dân gian đương đại
Trong những năm gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể. Trong bối cảnh làn sóng nhạc quốc tế ngày càng du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, không ít nghệ sĩ trẻ đã chọn một hướng đi riêng biệt: lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống và văn hóa dân tộc để sáng tạo. Trước đây, những dòng nhạc dân gian vốn chủ yếu gắn liền với các nghệ sĩ gạo cội như NSND Thanh Hoa, NSƯT Tố Nga hay NSƯT Thu Huyền. Nhưng nay, thế hệ nghệ sĩ trẻ không chỉ kế thừa mà còn mạnh dạn phối hợp chất liệu dân tộc với pop, rap, hip-hop, EDM... để tạo ra các sản phẩm vừa mang tính bản sắc, vừa hợp gu nghe nhạc hiện đại, từ đó tạo nên hiện tượng lan tỏa mạnh mẽ văn hoá dân tộc trong công chúng.
Để làm rõ điều này, hãy cùng nhìn vào ba ca khúc tiêu biểu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong hành trình tái sinh chất liệu âm nhạc dân tộc Việt Nam chính là Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh), Người miền núi chất (Double 2T) và Bắc Bling (Hòa Minzy).

Để Mị nói cho mà nghe (2019) lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, tái hiện hình ảnh cô Mị trong một bối cảnh hiện đại, trẻ trung, tràn đầy sức sống. Sự kết hợp giữa giai điệu dân gian Tây Bắc và chất pop-electronic hiện đại đã giúp ca khúc không chỉ trở thành một hit lớn với hơn 250 triệu lượt xem trên YouTube, mà còn khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ về văn học và văn hóa miền núi.

Phân cảnh tái hiện cảnh sinh hoạt cộng đồng miền núi trong “Để Mị nói cho mà nghe”
Sau khi ca khúc ra mắt, nhiều hoạt động văn hóa như cosplay Mị, tổ chức hội thảo về văn học dân gian hay phong trào du lịch vùng cao cũng trở nên rầm rộ hơn. Nếu Để Mị nói cho mà nghe mang đến một cái nhìn tươi mới về văn hóa miền núi trong dòng nhạc pop, thì Người miền núi chất (2023) của Double 2T lại là một bước ngoặt trong rap Việt khi lần đầu tiên, chất liệu âm nhạc dân tộc vùng cao được đưa vào rap một cách tự nhiên và đầy tự hào.

Double 2T mang văn hóa nhảy sạp của đồng bào Tây Bắc lên sân khấu Rap Việt
Với ca từ mộc mạc nhưng đậm chất đời sống, kết hợp cùng nhịp flow đặc trưng, bài rap không chỉ giúp Double 2T giành chức vô địch Rap Việt, mà còn tạo ra một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ về niềm tự hào văn hóa dân tộc. Rất nhiều bạn trẻ miền núi đã thể hiện sự tự tin hơn về nguồn gốc của mình, trong khi công chúng miền xuôi cũng bắt đầu có cái nhìn gần gũi hơn về âm nhạc vùng cao.

Hiệu ứng dance cover bùng nổ sau khi “Người miền núi chất” được phát sóng
Ở một sắc thái khác, Bắc Bling (2024) của Hòa Minzy lại là một cú hích mạnh mẽ khi khắc họa vẻ đẹp Bắc Bộ thông qua hình ảnh, giai điệu và cả thời trang. Không chỉ là một bài hát, MV này còn khơi dậy làn sóng tìm hiểu về văn hóa truyền thống của giới trẻ, từ việc học hát dân ca, tìm hiểu về các làng nghề, cho đến sự bùng nổ của những sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ áo tứ thân, khăn mỏ quạ.

Tương lai của âm nhạc Việt
Làn sóng tái sinh chất liệu dân tộc không chỉ mang đến những sản phẩm âm nhạc độc đáo mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn. Đối với người nghệ sĩ, đây là một con đường giúp họ khẳng định bản sắc riêng trong bối cảnh nhạc Việt đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Một sản phẩm có yếu tố dân tộc không chỉ giúp nghệ sĩ nổi bật giữa thị trường, mà còn có tiềm năng tiếp cận khán giả quốc tế khi văn hóa Việt Nam ngày càng được quan tâm.
Đối với công chúng, âm nhạc không còn chỉ là giải trí mà còn là cách để thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn, văn hóa. Khi một ca khúc như Để Mị nói cho mà nghe hay Người miền núi chất trở thành hiện tượng, nó không chỉ tác động đến thị hiếu nghe nhạc, mà còn thay đổi cách giới trẻ nhìn nhận về văn học, lịch sử và các giá trị truyền thống.
Xa hơn, đối với vị thế quốc gia, một nền âm nhạc có bản sắc riêng sẽ giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trên bản đồ âm nhạc thế giới. Nếu có sự đầu tư bài bản, dòng nhạc dân gian đương đại hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu văn hóa, một “mỏ vàng” của công nghiệp văn hoá Việt Nam.
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng, có thể tin rằng âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Những nghệ sĩ trẻ đang góp phần làm sống dậy kho tàng văn hóa dân tộc, mang đến một diện mạo mới đầy tự hào cho nền âm nhạc nước nhà.
Hạnh Dung
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
