SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Ngày xuân uống một chén trà

08:02, 05/02/2019
(SHTT) - Trong không khí đón chào Xuân mới, giữa cái mùa đông giá lạnh, được ngồi bên những người bạn tâm giao, một ly trà nóng nghi ngút khói, nhớ lại những điều đã làm và chưa làm được với bộn bề những xúc cảm vui buồn, thưởng thức vài giai điệu của Trịnh. Với không ít người, đó là một niềm hạnh phúc…

Văn hóa trà đạo

Nhiều khi nâng chén lên môi, thưởng thức hương và vị của trà, mấy ai có chợt đặt ra một câu hỏi: Trà bắt nguồn từ đâu? Những quốc gia nào có trà nổi tiếng và lâu đời nhất. Và thực sự, Việt Nam có Trà Đạo không?

Tôi là một người lang thang, bỏ qua những quán cà phê bụi bặm phố phường, những lúc nào lòng bắt gặp những nỗi niềm tâm sự lại cùng mấy người bạn rủ nhau đến mấy quán trà quen. Từ Trường Xuân (Quốc Tử Giám) đến Lư Quán (quán trà già Lư ở Thanh Xuân)… Để rồi nhận ra với thức uống mà đôi khi mình không đủ trình độ để thưởng thức ấy, còn bao điều đáng nói.

Có thể thấy rằng, tiêu biểu nhất ở Châu Á, nếu nói về lịch sử và văn hoá trà, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam là 3 quốc gia không thể không nhắc đến. Mỗi quốc gia mỗi nét riêng biệt, gắn với văn hoá bản địa riêng. Theo tài liệu sử học của một số học giả, ở Trung Quốc, tục lệ uống trà có từ thời vua Thần Nông. Một trong 3 vị vua đầu tiên của Trung Hoa (thời đại Tam Hoàng có Thần Nông, Phục Hi và Hoàng đế), cách đây đã trên dưới 5000 năm.

tra dao

 

Đến thế kỷ thứ 2, thời Hán uống trà đã trở nên phổ biến ở đất nước Trung Quốc, rồi trôi xuống nhà Đường, văn hoá trà đã hình thành rõ nét và sâu sắc. Thậm chí trà còn vượt qua 2 nghệ thuật vốn đã rất nổi tiếng là Tửu và Kỳ (rượu và cờ). Lúc này đất nước Trung Hoa xuất hiện một kỳ nhân về trà tên gọi là Trà Sư Lục Vũ- Người đầu tiên viết cuốn Thánh Kinh của trà đạo Trung Hoa (Cuốn này hiện vẫn nằm trong Viện bảo tàng Bắc Kinh). Và cho đến nay, đó là một trong những cuốn sách sớm nhất của nhân loại nói về trà. Cuốn thứ 2 viết về trà vẫn do một nghệ nhân Trung Quốc là Trương Hựu Tân viết. Đó là cuốn “Tiễn trà thuỷ ký”. Đến thời kỳ trung Đường (thế kỷ 7) trôi xuống đời Tống, văn hoá uống trà đã được đẩy thêm một bước, người ta đã bắt đầu chú ý tới địa điểm uống trà, không gian thưởng trà. Vua Tống Huy Tông, ngoài là một vị hoàng đế còn là một người rất trọng và biết thưởng trà. Ông viết cuốn “Đại quan trà luận”. Từ trước đến thời điểm này, người Trung Hoa vẫn quen uống trà bằng bát to (gọi là Trảm). Nhưng đến thời Minh, cùng với sự phát triển của công nghệ gốm sứ, người Trung Quốc bắt đầu uống trà bằng chén nhỏ. Thời này, Hứa Thú Thu, một nghệ nhân trà cũng viết cuốn “Trà sớ”. Thời nhà Thanh là một dân tộc khác nhưng thú uống trà vẫn được gìn giữ và kế thừa.

Như vậy suốt thời kỳ lịch sử phát triển của trà Trung Hoa, thời nào cũng có những tác phẩm, những công trình lớn nói về trà. Trong đó không thể quên bậc tiền nhân Trà sư Lục Vũ. Ông là người đầu tiên nói lên một cách chung nhất cách uống trà của người Trung Quốc: Sơn thuỷ thượng/ Giang thuỷ chung/ Tĩnh thuỷ hạ. Ông rất chú trọng đến nước để pha trà. Một là nước ở đầu nguồn, hai là nước giữa dòng sông sâu, ba là nước dưới mạch ngầm. Với ông có trà ngon, nhất định phải có nước pha ngon. Như vậy có thể nói người Trung Hoa thưởng trà thiên về thẩm mĩ, biểu diễn những nét đẹp của chén trà bên cạnh hương và vị.

 Trà đạo Nhật Bản nổi tiếng nhưng đó là một thức uống xuất hiện khá muộn ở xứ Phù Tang. Inđêsaiđenphi cùng với một số học giả và Thiền sư đã có chuyến đi đến Trung Quốc để học thiền của Phật giáo giữa thế kỷ thứ 8 (Qua chuyến đi đó Nhật Bản du nhập được 3 nghệ thuật mỹ học là nghệ thuật cây cảnh, nghệ thuật uống trà và nghệ thuật cắm hoa nhưng người Nhật đã kế thừa và phát triển theo bản sắc riêng của mình) Nghệ thuật uống trà từ đó đã biến thành Trà Đạo Nhật Bản. Người Nhật khác người Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc thiên về thẩm mĩ nghệ thuật cùng chén trà thì người Nhật gắn trà với tôn giáo. Nên với họ, địa điểm uống trà thực sự quan trọng và cộng thêm rất nhiều nghi thức khác trước khi thưởng thức chén trà. Đầu tiên phải có trà thất (phòng trà) Và theo quan niệm của họ đó là một gian phòng sắp xếp theo lối bất hoàn toàn, hư không. Tức là không được sắp xếp gọn gàng ngay từ đầu mà sẽ do những vị khách khi uống trà sắp theo cách riêng của mỗi người. Người uống trà sau khi vượt qua một con đường gọi là minh tường, đến trà thất, chưa được vào ngay mà phải đứng ngoài một lúc (nơi đứng gọi là hiên trà).

Lúc đó ngẫm nghĩ và tự đặt ra những câu hỏi: Mình là ai? Mình ngồi ở đâu?. Và bước vào trà thất phải đi qua một cánh cửa rất thấp (ai cũng phải khom người xuống mới qua được). Quan niệm đó nhắc nhở người ta về đức tính khiêm nhường. (Điển hình của trà đạo là khiêm nhường). Khi đã yên vị, phải thực hiện được 4 yếu tố: Hoà, Kính, Thanh, Tịnh. Hoà là biến phòng trà thành nơi hoà hợp, hoà khí; Kính là tôn kính, không chỉ giữa chủ với khách, giữa khách với khách mà cả với mọi vật trong phòng, kể cả tĩnh vật; Thanh là giữ cho lòng thanh tịnh, thanh cao và Tịnh là vắng lặng, tĩnh tại, quay trở về phá vỡ những chèn ép của tiềm thức. Như vậy có thể thấy rằng, trà Đạo Nhật Bản chủ yếu thiên về tính chất tôn giáo. 

Nét riêng trà Việt

Còn Trà Việt? Theo một số tài liệu và qua những nghiên cứu của các nghệ nhân trà. Nhiều ý kiến đã đi đến thống nhất trà Việt bắt nguồn từ bát chè tươi ở làng Ngọc Mỹ (Hà Tây cũ) dẫu rằng đã tồn tại mấy ngàn năm nhưng tục lệ này đến nay vẫn còn. Người dân ở đây dùng những lá chè bánh tẻ (lá nhỏ có răng cưa) rửa sạch rồi cho vào ấm tích để om. Thói quen này là một nét của của văn hoá làng. Sau dần phổ biến ra Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bà con om một ấm chè, ngồi quần tụ nhau bên bếp lửa nói chuyện làng mạc, dạy dỗ con cái, chuyện thế thái nhân tình. Và phong tục uống trà này có tên gọi là “trà xâu”, trà xâu om lên thường đi cùng món khoai lang để lâu ngày đem luộc có vị bùi và ngọt để nhấm nháp.

tra dao 1

 

Thói quen này, theo người xưa là làm cho dân làng xích lại gần nhau, xoá đi những tị hiềm, đố kị. Phong tục đó phổ biến dần vào miền Trung. Lúc này ở vùng Thanh Chương - Nghệ An cũng uống chè xanh với tên gọi là “Chè gay”. Chè gay khác với “chè xâu” là bẻ cả cành lẫn lá rồi cho vào nồi để nấu. Nấu xong, bắc xuống cho một ít nước lã vào. Thứ nhất theo quan niệm của người xưa là để điều hoà âm dương, thứ hai cho một ít nước lã vào sẽ làm cho nước xanh lâu cả ngày. Làng xóm ngồi uống cũng quây quần với nhau như ở Ngọc Mỹ nhưng ở Nghệ Tĩnh lại có một câu mời rất đặc trưng: “Bớ làng, bớ nác, đến nhà con uống một đọi nác” (bớ làng bớ nước, đến nhà con uống một bát nước). Không biết thời Đường Tống có chịu ảnh hưởng của văn hoá này khi cũng uống bằng bát to như người Việt hay không nhưng nét riêng của hai nơi là bên Đường Tống uống chè khô còn uống chè lá dứt khoát chỉ có ở Việt Nam. Tràng An là đất kinh kỳ. Nó như một thỏi nam châm hút nhiều văn hoá vùng miền ở mọi nơi về phía mình, trong đó có thú uống trà.

Đất Tràng An nâng niu chăm bẵm nét văn hoá đó và giao lưu với cách uống trà của người Trung Hoa đã có sẵn (bởi ảnh hưởng của hàng ngàn năm Bắc thuộc). Nhưng ở đây người dân uống trà bằng chén nhỏ. Qua đó mới thấy rằng người Việt mình rất khéo hoà trộn, giữa được bản sắc và cánh uống trà cũng không hoàn toàn giống nước ngoài. Từ thời đó, ở Tràng An thưởng thức trà chỉ để dành cho những ông tú, ông cử, ông đồ, những nhà văn nhà thơ hay những quan chức cấp cao mà ta có thể gọi là những tao nhân mặc khách. Chén trà có ý nghĩa nhất là trong đêm giao thừa, chờ năm mới đến. Người xưa cũng biết rằng: “Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi” nên phải biết nâng niu tận hưởng từng khoảng khắc thời gian. Lúc đó uống trà không chỉ thưởng thức bằng hương (cảm giác của khứu giác) bằng vị (cảm giác của vị giác) mà nếu đúng phong tục phải có một giò hoa Thuỷ Tiên, chủ nhân phải biết gọt, biết hãm làm sao để đúng đêm giao thừa hoa mới nở.

Tuỳ thói quen của từng người mà những con chim ở trong nhà phải nuôi nấng làn sao để cất tiếng hót vào đúng đêm giao thừa. Và cuối cùng là đón những ngọn gió trong đêm đang thổi tới. Như vậy là ngũ quan (hương trà từ khứu giác, vị trà từ vị giác, tai nghe chim hót, mắt nhìn hoa nở và cảm giác gió trên làn da). Ngồi uống trà phải ở trên sập gụ, tủ chè với trang phục chỉnh tề. Như vậy có thể nói Trà Việt khao khát sự giao hoà giữa thiên nhiên với con người; con người với con người. Theo quan niệm của phương Đông, mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ ở trong đại vũ trụ nên cần có sự giao hoà, hay còn gọi là “bất viễn nhân” (không xa lạ, xa rời với con người).

Ba quốc gia có những quan niệm và cách thưởng trà rất khác nhau. Nhưng chung lại, với những người thưởng trà đó không phải là một thức uống giải khát nữa mà đều ngầm quan niệm về một thứ nươc để tu thân dưỡng tính, hướng về Đạo, về văn hoá và đôi khi nâng một chén trà lên là gửi vào đó một chiêm nghiệm, một vui buồn của cõi nhân sinh. “Hai tay nâng một chén trà/ Em ơi hoa nở bên nhà còn không/ Bên nhà núi đã theo sông/ Anh ngồi uống cả cánh đồng heo may”.

Và đúng như thế thật, ngày xuân nói chuyện về trà âu cũng là một dịp ôn cố tri tân. Để rồi một buổi sớm cuối năm như năm này, khi bộn bề công việc của một năm đã tạm lắng xuống, những buồn vui được mất dẫu sao cũng đã qua rồi, lòng lắng lại đến lạ thường, đến quán trà quen gọi một chén trà nóng, cùng một vài bài hát tiền chiến để chợt nhận ra lời nói của Trịnh sao mà thấm thía thế: : “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.” Mà ngoài kia, mùa xuân đã về, ngập tràn trên những con đường, tán lá hàng cây…

Bùi Hợp

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đang trở thành đòi hỏi cấp bách, việc triển khai các chuẩn về an toàn thông tin (ATTT) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Chủ trì cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cần xác định chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực, dự báo chính xác thị trường.