SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Ngày tết với những đứa trẻ lang thang nơi phồn hoa đô thị

07:51, 04/02/2019
(SHTT) - Trong tiếng reo hò vui nhộn của hàng ngàn người để đón giao thừa, xem pháo hoa thì đâu đó nơi góc khuất dưới gầm cầu, ngôi nhà hoang trên bãi đất trống… lại có những số phận lầm lũi cũng hân hoan đón giao thừa với ánh đèn le lói mà không bộ quần áo mới, không mứt kẹo, đào, mai…

 Bươn chải trong những ngày tết

Giây phút giao thừa là khoảng thời gian tất cả mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cúng gia tiên. Trẻ em hồ hởi thưởng thức nhiều món ngon và thử những bộ quần áo đẹp do cha mẹ mới mua và sẵn sàng cho những ngày thỏa sức vui xuân. Song bên cạnh bức tranh tết vui đó là một bức tranh nhuốm màu ảm đạm, hắt hiu, đó là cái tết của những đứa trẻ cơ nhỡ vẫn phải bươn chải trên con đường mưu sinh. Suốt chặng đường lăn lộn với bụi bặm cuộc đời vì kế sinh nhai, ngày tết vẫn không phải là ngày nghỉ hay vui chơi của trẻ em lang thang tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mà còn là “ngày vàng” của rất nhiều trẻ em kém may mắn để làm tất mọi công việc kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi bản thân.

Trong không khí tấp nập, nhộn nhịp người mua kẻ bán khắp các con đường tại thành phố này, có lẽ không ai để ý đến những bước chân trần len lỏi lạnh buốt dưới con đường trải nhựa bởi cái lạnh mùa đông cuối năm. Các em nhỏ cơ nhỡ đang gắng sức mời gọi, năn nỉ mọi người mua một tờ vé số hay để được ngồi đánh si những đôi giày, với những đôi mắt ngây dại chỉ đau đáu duy nhất suy nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền. Từ những việc đánh giày, bán bong bóng đến sửa xe, bán vé số hay lau dọn, rửa chén bát cho các tiệm ăn… dù công việc nặng, nhẹ đến đâu thì các em ấy vẫn cố gắng vượt qua.

Thấp thoáng sau các trụ đèn đỏ, thật dễ bắt gặp đâu đó ánh mắt ngây thơ hướng về phía những đứa trẻ cùng tuổi, được cha mẹ nâng niu, rồi rất nhanh, chúng quay mặt đi, lại lặng lẽ với chiếc làn chứa đồ đánh giày dép xách trên tay hòa vào dòng người. Hòa vào bầu không khí nhộn nhịp, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ cháu Minh Trí (trẻ cơ nhỡ “hoạt động” tại Hồ hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm nay Trí mới hơn 10 tuổi, nhưng em phải bỏ quê nhà Thanh Hóa dạt theo lũ bạn tới mưu sinh tại TP. Hà Nội. Cha mẹ mất sớm do tai nạn giao thông, bỏ Trí lại sống với bà ngoại già yếu, cùng người cậu nghiện rượu. Cái nghèo như càng siết lấy hai bà cháu khi người cậu nhẫn tâm “khoắng” sạch tiền ủng hộ từ thiện từ cái chết thương tâm của cha mẹ Trí để đi đánh bạc nhưng bị thua sạch. Từ đó không ngày nào Trí thoát khỏi những trận đòn vô cớ, những lời chửi mắng thậm tệ từ ông cậu ruột. Rồi bà ngoại Trí qua đời vì căn bệnh tim quái ác, để Trí ở lại sống với ông cậu say xỉn suốt ngày. Không thể chịu đựng nổi cảnh đói khát, lại bị đánh đập thường xuyên, Trí đã lẻn theo mấy đứa trẻ cùng xóm đến thủ đô để kiếm sống từ năm ngoái.

 Ngày tết, trong khi người người tấp nập tại các bến xe để chuẩn bị về quê đoàn tụ cùng gia đình thì những người lao động nghèo vẫn không về quê mà ở lại thành phố tiếp tục mưu sinh. Đây cũng là một dịp tốt để kiếm tiền đối với những đứa trẻ lang thang. Lũ trẻ thức dậy tất bật chuẩn bị từ 6 giờ sáng, chia nhau mỗi người một ngả với chiếc làn đánh giày dép trên tay hay xấp vé số hoặc rổ bông tăm, cắt móng tay, lót giày… vv, rao bán niềm hy vọng lớn cho mọi người, với riêng mình các em chỉ mong sao ngày hôm nay bán được hết xấp vé hay đánh được nhiều đôi giày dép… để được về ăn tết với các bạn.

tre lang thang 1

 

 Trên con đường chông gai phía trước, Trí khập khễnh bước chân mời gọi từng số tuổi của mình, nhưng trong lời nói người qua lại trên đường Đinh Tiên Hoàng, trong cái tiết trời se lạnh của ngày cuối năm. Cháu bắt đầu bước vào một quán ăn mời mọi người mua, đứa con của một người khách vãng lai hiếu kì chạy ra xem. Bằng tuổi nhau nhưng cháu bé kia thì cao lớn, trắng trẻo, mập mạp hơn nhiều còn dáng người Trí thì nhỏ bé, gầy gò, đen nhẻm, hốc hác lấm lem. Cuộc sống mưu sinh hàng ngày khiến cháu già dặn hơn nhiều so vớisố tuổi của mình, nhưng trong lời nói và ánh mắt thơ ngây ấy lúc nào cũng phảng phất sự trẻ thơ vô cùng đáng yêu.

Niềm vui trong ánh sáng le lói nơi góc khuất 

Giữa thời khắc mọi người đếm ngược từng phút để đón chào năm mới thì dưới gầm cầu Long Biên cũng có một bữa tiệc nho nhỏ. Một buổi tiệc của những trẻ em cơ nhỡ, lấy thân cầu làm nơi che mưa, che nắng. Những đứa trẻ nhếc nhác cố gắng thu mình trong những bộ đồ tươm tất nhất, chúng quây quần bên cái mâm rách cũ kĩ, có vài cái bánh, mứt. Rồi những tiếng vỗ tay rời rạc vang lên, đôi mắt chúng rạng rỡ dưới ánh đèn hắt lên từ phía thành cầu, từng đôi bàn tay gầy gò đưa ra hứng lấy miếng bánh mà đứa lớn nhất phát cho. Cặp mắt chúng nhìn hau háu vào miếng bánh không phải do đói, mà chúng đang nhớ lại những cái tết ngày bé ở quê nhà. Những đứa trẻ tội nghiệp đang đón những cái tết ảm đạm nhất, không gia đình, người thân. Chỉ có những mảnh đời khổ cực và đồng cảm tìm thấy nhau.

Song không phải ai cũng biết đằng sau bữa tiệc Giao thừa ảm đạm ấy là cả một hành trình dài. Để có thể tổ chức được bữa tiệc, lũ trẻ đã chia nhau công việc. Trong bữa tiệc có 5 cháu, sau giờ bán vé số, bông tăm, đánh giày về ,mỗi cháu đều thực hiện công việc chuẩn bị ăn tết cho ngôi chòi của mình. Trên đường đi đánh giày, Trí không quên bữa tiệc của mọi người, đi đến đâu gặp ly nhựa hay muỗng nhựa người ta vứt đi thì Trí nhặt về rồi mang ra sông rửa sạch lại. Các cháu còn lại trên đường đi bán cũng tận dụng những vật dụng dùng được thì liền mang về như áo mưa, chén, đĩa nhựa hay những chai còn xót nước ngọt từ công viên. Đến chạng vạng tất cả tập hợp mang về những chiến lợi phẩm cho buổi tiệc giao thừa của mình.

Trong buổi tiệc ấy, những đứa trẻ tham gia không phải như những buổi tiệc tại các nhà hàng sang trọng với những bộ trang phục lộng lẫy, gương mặt sáng láng sạch sẽ được các ông bố, bà mẹ cưng chiều dắt tay vào bàn tiệc. Ở đây, chỉ đơn giản với vài cốc nước ngọt nhặt ngoài công viên, cái bánh chưng nhỏ bé duy nhất do Trí năn nỉ người bán hàng ven đường mà có, một vài cây đèn cầy tý tẹo nhặt được từ những bãi rác và một cái áo mưa được các em tận dụng làm đệm lót. Nhưng với các em ấy, đây đã là một buổi tiệc hoành tráng với bánh nước đầy đủ, trong những ấy mắt ngây thơ, nhìn về phía con đường thấy dòng người tấp nập mà đượm buồn, im lặng trong phút chốc. Rồi chở lại với những câu chuyện hài hước mà mình gặp phải trên đường bán số, đánh giày.

Khi được hỏi về mong ước trong năm mới, thì các cháu lặng đi không ai thốt lên tiếng chỉ có duy nhất Trí ước rằng:

 “Sang năm cháu mong cho các bạn buôn bán thuận lợi, riêng cháu đánh giày gặp được nhiều khách để dành được nhiều tiền, vì cháu muốn đi học, muốn có áo mới như mấy bạn ngoài kia”, nghe lời Trí nói mà mấy cháu bé khác cũng rưng rưng nước mắt. Nói xong, Trí liền rủ các bạn sau khi đón giao thừa xong thì cùng nhau ra đường thu nhặt vỏ chai nước ngọt để kiếm thêm tiền. Và còn rất nhiều, rất nhiều những mảnh đời trẻ thơ bằng cách này hay cách khác, cũng đang lặn lội kiếm sống quên đi tết là gì. Trên những con đường vui xuân, xin hãy thoáng dừng chân để chia sẻ nỗi vất vả của các em, để các em thấy ấm áp hơn khi mùa xuân về. 

tre lang thang

 

Tết vốn là thời khắc thiêng liêng trong năm, để kết lại cái cũ, chào đón một năm mới an lành. Tết, là những ngày trẻ thơ được bảo bọc trong những lời chúc tụng, trong những mâm cỗ đầy ăm ắp thịt, bánh chưng hay trong những bộ cánh xanh đỏ. Thế nhưng ngoài kia vẫn còn thật nhiều những số phận bất hạnh không có được may mắn như thế. Chúng là những đứa trẻ đường phố, vốn là một phần của những nơi phồn hoa đô thị. Làm thế nào để tết này, các em sẽ thôi không phải đón Giao thừa lặng lẽ dưới gầm cầu, trong hẻm nhỏ, trên vỉa hè… đó thực là câu hỏi nhức nhối mà bất cứ ai cũng muốn tìm ra lời đáp.

Nguyễn Hồng

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 15 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 15 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.