SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Ngành gia vị Việt Nam: Nỗi thiệt thòi khi xuất thô, yếu thế trên 'sân nhà'

13:13, 27/08/2022
Có sản lượng nguyên liệu thô xuất khẩu lớn, nhưng câu chuyện xây dựng thương hiệu gia vị Việt Nam lại là bài toán khó đối với các doanh nghiệp.

Sở hữu lợi thế về các yếu tố tự nhiên, Việt Nam có nguồn nguyên liệu đa dạng và phong phú về gia vị thô. Điều này tạo nên sự khác biệt với các sản phẩm gia vị trên thế giới. Song, việc tận dụng lợi thế từ những nguồn nguyên liệu sẵn có vẫn chưa được phát huy tối đa.

Không chỉ gặp thách thức trong việc tiếp cận thị trường quốc tế do các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe và thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường,... ngành gia vị Việt Nam còn yếu thế ngay trên “sân nhà”. Thực tế, nhiều nguyên liệu gia vị thô được xuất khẩu và gia công tại những thị trường lớn, rồi nhập khẩu ngược về Việt Nam và bán với giá cao hơn.

Nỗi thiệt thòi khi xuất thô

Gia vị là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Ấn Độ. Năm 2020, xuất khẩu gia vị Ấn Độ đạt 3,7 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới trong lĩnh vực này. Đáng nói, nguồn nguyên liệu gia vị mà Ấn Độ sản xuất lại được nhập khẩu giá rẻ từ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 1,4 tỷ USD gia vị, trong đó nhập khẩu hạt tiêu khoảng 120 triệu USD và Việt Nam là nhà cung cấp hạt tiêu lớn thứ hai thế giới cho Ấn Độ. Ngoài hạt tiêu, các sản phẩm khác của Việt Nam như quế, hồi, thảo quả cũng được nhập số lượng khá lớn vàoẤn Độ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực gia vị và hương liệu. Theo số liệu từ Ủy ban Gia vị Ấn Độ, Việt Nam hiện chiếm khoảng 8% sản lượng, 7% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Ấn Độ vào Asean với sản phẩm chính là ớt, thì là, tiêu,…

vi

Các loại gia vị thô của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu lớn.

Điển hình, cà ri là một trong những loại gia vị số 1 của Ấn Độ. Trong đó, hạt tiêu, quế,… vốn là thành phần quan trọng trong loại gia vị này lại có xuất xứ tại Việt Nam. Thế nhưng, khi xuất khẩu ngược lại thị trường Việt Nam, các sản phẩm bột gia vị cà ri của Ấn Độ được bán với giá thành rất cao.

Trên sàn thương mại điện tử Lazada, bột cà ri 100g của MDH của Ấn Độ có giá bán 58.000 VNĐ. Trong khi đó bột cà ri 70g của Ông Chà Và chỉ có giá 19.000 VNĐ. Đây chỉ là ví dụ điển hình cho thấy cùng một loại gia vị, nhưng giá trị của thương hiệu ngoại và nội địa đã "một trời một vực".

Việc xuất thô rồi nhập lại trên chính thị trường nội địa là rào cản lớn cho các nhà sản xuất, đồng thời cũng làm mất dần đi thương hiệu gia vị Việt trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, một số thương hiệu Việt đã có những bước tiến mới trong sản xuất và phát triển gia vị. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước vẫn đang là thách thức lớn.

Khó cạnh tranh ngay trên "sân nhà"

Xuất hiện hơn chục năm, hạt nêm đã trở thành gia vị thay thế bột ngọt tại nhiều căn bếp của gia đình Việt. Nhưng ít ai biết, loại gia vị thay đổi thói quen nêm nếm của người tiêu dùng Việt Nam lại đến từ các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nhật. 

Thực tế, thị trường hạt nêm cũng có nhiều nhà đầu tư nội địa tham gia nhưng rồi nhanh chóng bỏ cuộc. Các doanh nghiệp Việt làm hàng gia vị như Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty CP thực phẩm Việt Hương, Vissan, Miliket từng tung sản phẩm hạt nêm vào thị trường, chỉ thời gian ngắn sau đó, một số sản phẩm đã sản xuất hoặc chỉ mới tung thử nghiệm đều lẳng lặng rút lui.

Trong khi đó, với nền ẩm thực phong phú, thị trường gia vị Việt Nam lâu nay vẫn thu hút lượng lớn các tập đoàn quốc tế tham gia cùng sản phẩm nổi bật.

Điển hình, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp quốc tế được người Việt ưa chuộng như Knorr (Unilever-Anh), Maggi (Nestlé), Aji-ngon (Ajinomoto) và Miwon (Đài Loan). Những thương hiệu này hiện đang chiếm đến 33% trong tổng số mặt hàng gia vị tại Việt Nam. Điều này vừa tạo ra cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong nước về sức cạnh tranh.

n

Sản phẩm gia vị Việt và Ấn trên sàn mạng thương mại điện tử Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thực phẩm Tinh Nguyên cho biết tâm lý người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chuộng hàng nhập khẩu hơn. Để chinh phục người tiêu dùng trong nước khi ngày càng có nhiều sản phẩm gia vị nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước buộc phải cải tiến chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm. Nếu như trước đây, thị trường gia vị Việt chỉ là những gói gia vị đơn giản, thì hiện nay, hàng loạt gói gia vị với công thức trộn sẵn như lẩu thái, lẩu nấm, bò kho,... đã ồ ạt ra đời.

Bên cạnh đó, các thương hiệu Việt Nam còn vướng một loạt thách thức như muốn vào hệ thống siêu thị phải tốn chi phí chiết khấu cao. Đồng thời, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng vẫn là rào cản lớn nhất, khiến cho các doanh nghiệp “tân binh” hoặc doanh nghiệp nhỏ Việt Nam gặp nhiều trở ngại ngay trên “sân nhà”.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại và phát triển phải tìm lối đi ngách, chuyển hướng về bán ở các kênh nhà hàng, quán ăn, khách sạn và các tỉnh… Để bắt kịp xu hướng bán hàng, ngoài hình thức truyền thống ở chợ, siêu thị, tạp hóa, trung tâm thương mại, các kênh bán hàng trực tuyến như Tiki, Lazada, Shopee,... cũng được doanh nghiệp đầu tư để gia tăng thị phần. 

Đặc biệt, để cạnh tranh với các "ông lớn" nước ngoài, giá cả là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đua nhau giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, từ sử dụng chai thủy tinh đã chuyển sang chai nhựa pet, hay bao bì hạt nêm trước đây sử dụng màng nhôm ba lớp thì nay chuyển sang chất liệu cán màng PP, từ đó tiết kiệm được từ 10 - 25% chi phí.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc Dh Foods, các doanh nghiệp cần phải chú trọng vào mọi khâu sản xuất để không chỉ có được “tấm vé thông hành” với thị trường quốc tế, mà còn “thấm nhuần” vào từng bữa ăn Việt.

“Các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào chất lượng mà còn phải chú trọng vào dịch vụ. Trước tiên, phải kết nối với những nông trường sạch để sản xuất cho thị trường nội địa. Xu hướng người tiêu dùng hiện nay muốn sử dụng những sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe, nhất là sau hai năm dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tân Nguyên - Võ Liên

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP lớn của cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm được đông đảo khách du lịch biết đến, tin dùng. Thời gian gần đây nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những cách làm hay, sáng tạo để những sản phẩm OCOP được vươn tầm ra quốc tế.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hiệp hội bất động sản Việt Nam bình chọn Dự án của Văn Phú - Invest lọt top 5 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng năm 2024.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương, qua đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập tại các địa bàn dự án triển khai.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực và ưu thế của mình để kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.