SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 16/03/2024
  • Click để copy

Ngành gia vị Việt Nam: Cần sớm bảo hộ thương hiệu để phát triển

16:18, 29/08/2022
Không chỉ sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu, việc chú trọng đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ là chìa khóa để gia vị Việt Nam cạnh tranh với thế giới.

Trong những năm gần đây, thị trường gia vị Việt đã thu hút các tập đoàn quốc tế với nhiều sản phẩm đa dạng và được ưa chuộng như hạt nêm Knorr, Maggi, Aji-ngon,... Điều này cũng tạo ra những thách thức lớn đòi hỏi các nhà sản xuất gia vị Việt phải nỗ lực phát triển sản phẩm để vươn lên cạnh tranh. Ngoài chất lượng, việc chú trọng vào thương hiệu, nhãn mác cũng là cách để thu hút người tiêu dùng.

Đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh

Các chuyên gia cho rằng việc chưa tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất là một trong những hạn chế của ngành gia vị Việt Nam. Thực tế, dù được đánh giá là giàu nguyên liệu nhưng ngành gia vị Việt Nam chế biến còn đơn giản, sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó khiến cho người tiêu dùng có xu hướng tin vào sản phẩm nhập khẩu.

>>> Ngành gia vị Việt Nam: Đa dạng, giàu tiềm năng phát triển

>>> Ngành gia vị Việt Nam: Nỗi thiệt thòi khi xuất thô, yếu thế trên 'sân nhà'

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nội địa vẫn mang tâm thế đề cao chất lượng của sản phẩm xuất khẩu hơn các sản phẩm ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư từ chất lượng cho đến sự bắt mắt của bao bì sản phẩm.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thực phẩm Tinh Nguyên, để gia vị Việt Nam có thể chinh phục được người tiêu dùng, các nhà sản xuất cần đáp ứng tiêu chí về chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Để nâng cao thương hiệu gia vị Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, các nhà máy sản xuất cần đạt chứng chỉ mà từng thị trường quy định. Ngoài ra, dịch vụ là điều vô cùng quan trọng khi làm việc với khách hàng xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc Dh Foods cho rằng để thuyết phục người tiêu dùng, trước hết doanh nghiệp phải làm thật chỉn chu, kiên trì thuyết phục bằng những sản phẩm chất lượng. Bản thân nhà sản xuất phải làm sao cho người tiêu dùng tin tưởng doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tốt, không hóa chất, quy trình sản xuất không chỉ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà phải tốt hơn, có quy trình rõ ràng.

“Không chỉ thị trường trong nước, sản phẩm gia vị Việt Nam vẫn chưa chiếm được niềm tin của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hơn nữa, sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà sản xuất gia vị Thái, Ấn, Malaysia, Nhật, Hàn là một trong những khó khăn của gia vị Việt”, ông Dũng chia sẻ.

gia vi

Các nguyên liệu gia vị của Việt Nam đa dạng và giàu tiềm năng phát triển.

Theo ông Dũng, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài cho đến nay đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng trên thế giới. Sự tiện lợi của các gói gia vị chế biến sẵn được ưa chuộng hơn. Hơn nữa, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của các hộ gia đình.

“Để đáp ứng các tiêu chí về chất lượng của từng thị trường và các yêu cầu của khách hàng, việc sử dụng nguyên liệu sạch sẽ có khả năng đáp ứng được các thị trường rất cao. Với các sản phẩm của Dh Foods, chúng tôi đặt ra những nguyên tắc từ đầu sản xuất gia vị không chất bảo quản nhân tạo, không dùng màu tổng hợp và sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Bởi lẽ, xu hướng người tiêu dùng thế giới ưa chuộng các sản phẩm sạch từ tự nhiên”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đăng ký thương hiệu để tự tin phát triển

Thời gian gần đây, gia vị Việt dần có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ với các loại muối chấm, gia vị phở, nước mắm,… nhưng cũng không ít lần chúng ta mất thương hiệu.

Tại buổi hội thảo cấp quốc gia “EVFTA và quan hệ thương mại Việt Nam - EU” diễn ra vào ngày 16/7 vừa qua, T.S Trần Nguyên Khang cho biết: “Việt Nam nổi tiếng là nước mắm Phú Quốc, thế nhưng để tìm thương hiệu nước mắm Việt trên thị trường ngoại thì khá khó. Tôi từng thấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc tại nước ngoài nhưng lại là made in ThaiLand".

Có thể thấy, việc mất thương hiệu nổi tiếng vào tay doanh nghiệp nước ngoài là nỗi “xót xa” của ngành gia vị Việt Nam.

Tại thời điểm Công ty TNHH Dh Foods bắt đầu hoạt động vào năm 2012, ông Nguyễn Trung Dũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Dh Foods cũng bắt đầu đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài từ đầu năm 2015, đây cũng là thời điểm công ty bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu đi một số nước châu Âu. Sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu, Dh Foods có rất nhiều thuận lợi để tự tin phát triển thị trường. 

z3669934190455_bce53c1eb3

Nhiều thương hiệu gia vị Việt Nam đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới tin dùng. 

Ông Dũng chia sẻ: “Trong giai đoạn năm 2019 - 2020 khi công ty bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, việc có sẵn chứng nhận đăng ký nhãn hiệu giúp Dh Foods nhanh chóng mở được gian hàng chính hãng và có nhiều lợi thế trong các tính năng của sàn. Đây là những tính năng chỉ dành cho Brand Owners – những thương hiệu đã đăng ký bảo hộ ở thị trường nước ngoài mới có được”.

Với những dòng sản phẩm muối chấm Tây Ninh, gia vị nấu phở các loại, gia vị bún bò Huế, mắm ruốc và nước mắm sả ớt,… Dh Foods đã xuất khẩu đi 10 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ,... Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của Dh Foods chiếm gần 10% doanh thu, ông Dũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa tỷ trọng này lên 30%.

Chia sẻ về vấn đề phát triển lâu dài của doanh nghiệp, CEO Nguyễn Trung Dũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu.

“Doanh nghiệp nên đăng ký ngay sau khi chọn được logo, tốt nhất là trước khi đưa các mặt hàng ra thị trường. Không nên xem nhẹ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bởi lẽ khi sản phẩm phát triển tốt sẽ xảy ra trường hợp một công ty khác mang thương hiệu của công ty mình đi đăng ký trước. Chính những việc này dễ dẫn đến mất thương hiệu, hơn nữa còn có thể bị kiện vì làm nhái sản phẩm”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tân Nguyên - Võ Liên

Tin khác

Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Apple đã mua công ty khởi nghiệp DarwinAI, mở rộng phạm vi công nghệ của mình trước một cuộc đẩy mạnh lớn hướng tới trí tuệ nhân tạo tạo sinh vào năm 2024. 
Kinh tế 22 giờ trước
Sầu riêng được ví như là "ngôi sao đang lên" khi chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng sầu riêng để phát triển bền vững.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Làn sóng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm cho cuộc chiến giành các nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật trở nên nóng hơn bao giờ hết, khiến các công ty như Google DeepMind phải lựa chọn giữa việc trả thêm nhiều tiền hơn hoặc đánh mất những “bộ óc” giỏi nhất của mình.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Ngân hàng UOB công bố Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1/2024 với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP quý I ở mức 5,5% so với cùng kỳ.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Hiện nay, 99% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện lập hóa đơn khi bán lẻ xăng dầu. Qua đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, chống tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu.