Nhiều đối tượng sử dụng trái phép thương hiệu 'Cô Ngân Phong Thủy' để trục lợi
Nhãn hiệu Cô Ngân Tatu của Công ty TNHH Tatu Group đang bị một số cá nhân/ tổ chức sử dụng quảng cáo và bán các sản phẩm (vật phẩm phong thủy, đồ thờ cúng…) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của công ty để lừa dối khách hàng.
Hình ảnh thương hiệu Cô Ngân Tatu bị sử dụng trái phép
Theo đó, Công ty Tatu Group nhận phản ánh từ khách hàng về việc mua vật phẩm của công ty nhưng khi sử dụng phát hiện vật phẩm không đúng tính năng như quảng cáo và giới thiệu. Cụ thể, khách hàng nhận vật phẩm từ dịch vụ vận chuyển của Công ty Giao hàng tiết kiệm với thông tin người gửi là “Cô Ngân Phong Thủy”.
Sau khi nhận phản ánh, công ty đã kiểm tra và xác định rằng đơn hàng của khách nhận không phải là đơn hàng của Công ty Tatu Group.
Công ty Tatu Group cho biết cá nhân trên đã đăng ký tài khoản giao hàng tiết kiệm để giao đơn hàng trên đã cố ý sử dụng tên shop “Cô Ngân Phong Thuỷ”, tự nhận mình là Công ty Tatu để khách hàng tin tưởng mua hàng và thanh toán tiền của đơn hàng.
Kiểm tra thông tin tại Công ty Giao hàng tiết kiệm, công ty phát hiện tài khoản trên được đăng ký dưới tên bà N.T.N.H. Đáng nói, tài khoản này còn sử dụng hình ảnh của bà Nguyễn Thái Ngân - Tổng giám đốc Công ty Tatu Group để làm ảnh đại diện.
Được biết, bà H. từng là nhân viên của Công ty Tatu Group, được công ty tin tưởng và giao nắm nhiều công việc và thông tin quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại công ty, bà H. đã tự ý liên hệ với khách hàng của công ty và tư xưng là trợ lý của bà Ngân để tư vấn và chốt đơn hàng.
Để làm rõ vấn đề trên, Công ty Tatu Group đã mời bà H. lên làm việc, đồng thời tiến hành các thủ tục chấm dứt quan hệ lao động với bà. Tuy nhiên, bà H. không hợp tác và tuyên bố sẽ nghỉ việc tại công ty.
Những tưởng sau khi nghỉ việc, bà H. sẽ chấm dứt tất cả hành vi xâm phạm đến quyền lợi của Công ty Tatu Group. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó khi trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều tài khoản mạng xã hội (facebook, TikTok,…) với các tên gọi trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các tài khoản mạng xã hội của công ty trong thời gian gần đây.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Tatu Group - bà Nguyễn Thái Ngân - cho biết thời gian qua có một số cá nhân/ tổ chức cố tình tạo các tài khoản mạng xã hội với các tên gọi trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các tài khoản mạng xã hội của công ty như: Phong Thủy Cô Ngân Tatu, Cô Ngân Phong Thủy, Cô Ngân Phong Thủy Tử Vi, Cô Ngân Phát Lộc Ba Miền,… Đây được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của Công ty Tatu Group.
Đáng nói, các tài khoản này sử dụng sử hình ảnh, video mà công ty đã đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội để mạo danh bà Ngân và công ty nhằm quảng cáo và bán các sản phẩm tương tự không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, lợi dụng niềm tin của khách hàng để truyền bá các nội dung mê tín dị đoan, yêu cầu khách hàng chuyển tiền và cho rằng đó là “tiền phát tâm”. Số tiền đó được yêu cầu chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Không chỉ tạo tài khoản với tên gọi trùng hoặc tương tự với công ty, các cá nhân/tổ chức trên còn cố tình đăng ký tài khoản với địa chỉ giao hàng là địa chỉ thuộc chi nhánh của Công ty Tatu Group.
Với thủ đoạn và cách thức thực hiện hành vi vi phạm tương tự nhau, Công ty Tatu Group đặt ra nghi vấn giữa bà H. và các cá nhân/tổ chức trên có sự liên quan với nhau.
Công ty Tatu Group cho rằng bà H. và các cá nhân/tổ chức trên không những đã có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của bà Nguyễn Thái Ngân – Tổng giám đốc công ty, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của công ty mà còn có dấu hiệu phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các cá nhân/tổ chức trên đã sử dụng hình ảnh, video của công ty khiến khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm giả mạo, từ đó chiếm đoạt một số tiền rất lớn từ nhiều khách hàng.
Do đó, Công ty Tatu Group đã gửi thông báo đến bà H. yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của Công ty, lấy cắp dữ liệu khách hàng của Công ty và giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan về quan hệ lao động.
Tatu Group là đơn vị được ưu tiên cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Được biết, Công ty TNHH Tatu Group đã đăng ký nhãn hiệu “Cô Ngân Tatu” vào tháng 6/2022. Tháng 7/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo Quyết định về việc chấp nhận Đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu “Cô Ngân Tatu”.
Tra cứu trên cổng thông tin Cục Sở hữu trí tuệ, cho tới thời điểm hiện chỉ có Công ty TNHH Tatu Group nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Cô Ngân Tatu” và được Cục thông báo chấp nhận đơn hợp lệ. Điều này cho thấy, Công ty TNHH Tatu Group là đơn vị được Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên xem xét cấp văn bằng khi thông tin đăng ký đầy đủ và hợp lệ.
Như vậy, việc bà H. và một số tổ chức trên cố tình tạo các tài khoản mạng xã hội với các tên gọi trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các tài khoản mạng xã hội của Công ty Tatu Group, đồng thời sử dụng hình ảnh, video của công ty để trục lợi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại được pháp luật về Sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu xảy ra, Công ty Tatu Group có quyền lựa chọn các biện pháp bảo vệ như: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hoặc khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết bảo vệ quyền lợi của mình.
Đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Thanh Thảo
TIN LIÊN QUAN
-
Các đội thi sẵn sàng cho 'đường đua' sở hữu trí tuệ tại Huế
-
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cần cân nhắc áp dụng biện pháp hình sự
-
Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong ngũ gia bì Vân Thủy
-
Công ty Huyền Diệu chưa phải chủ sở hữu nhãn hiệu 'Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam'