SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Nga ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine

08:30, 18/04/2014
Lúc 15 giờ địa phương ngày 17-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chương trình “Đối thoại trực tiếp với Vladimir Putin”. Đây là lần thứ 12 chương trình này được thực hiện. Chủ điểm của chương trình năm nay là vấn đề Nga sáp nhập Crimea và tình hình Ukraine. 2,5 triệu câu hỏi đã được gửi đến. Đây là lần đầu tiên người dân Crimea cùng tham gia.

Nga không mong dùng đến quân sự

Mở đầu chương trình, Tổng thống Putin khẳng định chính quyền Kiev đã phạm tội nghiêm trọng khi đưa xe tăng và máy bay chiến đấu chống lại dân thường. Ukraine đã xảy ra cuộc đảo chính vi hiến và tiếm quyền bằng vũ lực. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraine và sau đó là Nga. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Nga giảm 1,8%.

Theo RIA Novosti, Tổng thống Vladimir Putin gọi cáo buộc của phương Tây và Kiev rằng có sự hiện diện của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine là vô nghĩa. Tổng thống Nga nhắc lại việc Hội đồng liên bang đã cho phép ông quyền can thiệp quân sự. Ông Putin nói: “Tôi mong là mình không phải sử dụng đến quân sự. Giải pháp chính trị và ngoại giao cần được ưu tiên”.

Trong buổi giao lưu, Tổng thống Putin đã có một câu nói đùa ấn tượng: “Có ai muốn Alaska không nhỉ?”. Ngày 21-3 vừa qua, đơn yêu cầu mang tên “Alaska trở lại với Nga” đã được mở hôm 21-3 trên trang web của Nhà Trắng. Nó đã thu hút được 42.000 chữ ký ủng hộ. Alaska là lãnh thổ của Nga cho đến năm 1867. Nga đã bán Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD, trả bằng vàng. Theo tỷ giá hiện tại nếu tính cả lạm phát, số tiền này tương đương với 120 triệu USD.

Itar-Tass dẫn lời Tổng thống Putin cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các bên (gồm chính quyền tạm quyền và đại diện các khu vực ở Ukraine) cần tiến hành đối thoại ngay lập tức. Bên cạnh đó, đàm phán 4 bên ở Geneva về vấn đề Ukraine cũng sẽ đóng vai trò rất lớn. Các nước sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine để giúp nước này dần tháo gỡ những gút mắc chính trị quan trọng của đất nước.

Ông Putin nói: “Đây là sự thỏa hiệp và cam kết giữa các bên ở Ukraine chứ không phải của Nga và Mỹ”.

Theo lập trường của Tổng thống Putin, mấu chốt để giải quyết khủng hoảng Ukraine là người dân ở khu vực Đông Nam sẽ được cam đoan như thế nào chứ không phải đưa ra một kế hoạch bầu cử tổng thống hay trưng cầu dân ý.

Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng ta cần khiến người dân tin rằng quyền lợi của họ được pháp luật bảo đảm. Cần chú ý đến cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga ở Đông Nam Ukraine”. Theo ông Putin, một cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine vào thời điểm này là bất hợp pháp vì ông Victor Yanukovych vẫn còn là tổng thống hợp hiến của Ukraine.

Theo NBC News, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden (đang tị nạn ở Nga) thông qua một đoạn video đã đặt câu hỏi với Tổng thống Nga về quy mô các hoạt động giám sát của Nga. Ông Putin trả lời rằng Nga kiểm soát các cơ quan tình báo rất chặt chẽ và tuyệt đối không dùng cách do thám hàng loạt với người dân như Mỹ từng làm.

Châu Âu không thể từ chối Nga

Hãng hàng không Aeroflot của Nga ngày 17-4 đã thông báo việc Ukraine đã cấm nhập cảnh đối với tất cả công dân nam Nga từ 16 - 60 tuổi. Tuy nhiên, Ukraine sẽ xem xét những trường hợp ngoại lệ cực kỳ đặc biệt. Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) cùng ngày cho biết, cơ quan này đang bắt giữ 10 công dân Nga được cho là có kiến thức và kinh nghiệm tình báo.

Khi được hỏi về thái độ của Nga trước sự bành trướng của NATO, Tổng thống Nga tuyên bố nước Nga sẽ có biện pháp đáp lại để đẩy lùi hoạt động của NATO. Thời gian gần đây, NATO không ngừng củng cố lực lượng ở khu vực Đông Âu, trong đó có Ba Lan, Romania và vùng biển Baltic. Theo phân tích của các chuyên gia Nga, sự bành trướng của NATO ở khu vực trên thực chất không gây ảnh hưởng đến an ninh và quyền lợi của Nga.

Tổng thống Nga cho rằng, châu Âu không thể từ chối nguồn khí đốt của Nga vì nếu từ chối, lợi ích kinh tế của EU sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Khí đốt từ Nga đáp ứng 35% nhu cầu của các quốc gia châu Âu. Đặc biệt ở Phần Lan, 90% khí đốt của nước này là từ Nga. Nhiều quốc gia Đông Âu khác con số này là 60% - 70%. Ông Putin tin rằng: “Từ chối Nga là điều không tưởng”.

Hội nghị 4 bên về Ukraine: Khó đạt đồng thuận

Ngày 17-4, hội nghị 4 bên về Ukraine đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Tham gia hội nghị có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các bên cần bàn giải pháp giảm leo thang bạo lực, cải cách hiến pháp và tiến hành bầu cử với điều kiện tính đến lợi ích của các bên. Ông Andriy Deshchytsia cho biết, Ukraine sẽ không bàn thảo về cơ chế liên bang, theo đề xuất của Nga. Giới quan sát cho rằng cuộc đàm phán 4 bên khó đạt được sự đồng thuận vì phương Tây vẫn khăng khăng cáo buộc Nga hiện diện quân sự tại Ukraine trong khi Nga một mực phủ nhận. Tổng thống Mỹ Obama thì cho rằng “đàm phán và hành động là hai việc khác nhau”.

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Nhằm kỷ niệm Ngày Sở hữu Trí tuệ thế giới diễn ra vào 26/4 hàng năm, vừa qua, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức lễ hội carnival văn hóa. Đây là sự kiện khởi động cho Tuần lễ tuyên truyền toàn quốc về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc sẽ kéo dài từ ngày 20 - 26/4.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 19/4, Apple cho biết rằng họ đã gỡ WhatsApp và Threads của Meta khỏi App Store ở Trung Quốc sau khi nhận lệnh từ chính phủ Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Tin tức 4 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Khoa học Công nghệ 5 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.