SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Nga tạo sức bật cho nền kinh tế

08:06, 25/11/2014
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng U-crai-na dẫn tới những dao động về tiền tệ, các nhân tố cơ bản bảo đảm ổn định nền kinh tế Nga vẫn rất mạnh, đó là ngân sách không thâm hụt, dự trữ lớn, cán cân thanh toán vững chắc. Tổng thống Nga V.Pu-tin tin tưởng rằng, các tác động từ bên ngoài sẽ tạo động lực cho "xứ sở Bạch Dương" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Để đổi mới nền kinh tế và cơ sở hạ tầng, Tổng thống Nga cho rằng, trong thời gian tới Nga cần tạo bước nhảy vọt trong phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến. Theo đó, Nga sẽ sử dụng các nguồn tài chính trong nước, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, kinh tế Nga đã thu hút được 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các đối tác ở châu Á và Trung Đông.

Chính phủ Nga tuyên bố sẽ đi theo con đường mở rộng và đa dạng hóa quan hệ kinh tế, ưu tiên phát triển quan hệ đầu tư, thương mại, công nghệ, doanh nghiệp với các nước khu vực Mỹ la-tinh, châu Á - Thái Bình Dương, các nước thành viên còn lại của nhóm BRICS là Bra-xin, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Theo Phó Thủ tướng Nga A.Đvô-cô-vích, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ kéo theo những thách thức mới, vì vậy Nga cần những đối tác đáng tin cậy để có thể giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong bối cảnh cùng bị phương Tây trừng phạt kinh tế, Nga và I-ran đang tăng cường hợp tác kinh tế nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới đối đầu với phương Tây.

Mát-xcơ-va và Tê-hê-ran vừa ký tắt một loạt thỏa thuận với mục tiêu trong vòng hai năm tăng gấp 10 lần kim ngạch thương mại song phương, hiện ở mức khoảng 1,2 tỷ ơ-rô. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Nô-vắc, tổng giá trị các dự án hợp tác giữa Nga và I-ran lên tới 70 tỷ ơ-rô. Ngoài ra, Nga dự kiến tích cực chuyển sang thanh toán bằng các đồng nội tệ trong quan hệ kinh tế với các nước khác.

Nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước trong không gian "hậu Xô viết", Nga đã thông qua hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC), giữa Nga, Bê-la-rút và Cadắc-xtan nhằm hình thành thị trường chung lớn nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập với 170 triệu dân, được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế mới. Theo kế hoạch, EAEC chính thức có hiệu lực từ năm 2015, sẽ giúp khởi động mối quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế nội khối, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước và củng cố vai trò của liên minh trong hệ thống kinh tế thế giới. Ngoài ra, Liên minh kinh tế Á - Âu có thể sẽ chuyển sang sử dụng một đồng tiền chung.

Theo "Báo Nga", quá trình liên kết tài chính trong khuôn khổ EAEC đặc biệt được chú trọng sau khi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga.

Tổng thống Pu-tin cam kết chính quyền sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư tư nhân. Ông không loại trừ khả năng cổ phần hóa một phần các tập đoàn năng lượng lớn ngay trong năm 2014. Theo người đứng đầu điện Crem-li, tăng trưởng kinh tế Nga cần được bảo đảm không phải bằng các công cụ tài chính mà bằng các cải cách cơ cấu của nền kinh tế. Tổng thống Pu-tin đánh giá, dù tỷ lệ lạm phát năm nay có thể ở mức 7,5% đến 8%, cao hơn mức 6,5% của năm ngoái song mức tăng này không ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan trọng vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Tổng thống Nga khẳng định, nền kinh tế nước này sẵn sàng đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây và Chính phủ Nga đang xem xét những kịch bản khác nhau, kể cả trong trường hợp giá dầu mỏ giảm đến mức "thảm họa". Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới với khoảng 10,5 triệu thùng/ngày và việc Mát-xcơ-va không có thay đổi đáng kể nào trong các kế hoạch sản xuất dầu trong năm nay cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ có tác động rất hạn chế đến năng lực của các công ty Nga.

Tin khác

Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ cắt giảm thuế lợi nhuận từ sở hữu trí tuệ xuống chỉ còn 5%, đồng thời điều chỉnh Luật Bản quyền để phản ánh sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ chế mới cũng nhằm thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm giao dịch bản quyền.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.