'Ngày hội Livestream Challenge 2023': Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên mới

Sáng này 23/4, tại TP.HCM, chương trình "Ngày hội Livestream Challenge 2023" do Viện Khởi Nghiệp thực tế và Công ty CP Huấn luyện Khởi nghiệp Việt Nam tổ chức đã thu hút hơn 1.000 người tham dự.

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả tại tọa đàm "Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số" đã chia sẻ các xu hướng mới trong công nghệ, những thay đổi trong quản lý và tổ chức doanh nghiệp. 

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hồ Huỳnh Duy – Chủ tịch HĐQT Dgroup Holdings – cho rằng trước những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT ngày càng phổ biến, đội ngũ SEO, marketing của Dgroup Holdings đã quyết liệt và đưa ra những ý tưởng nhanh chóng. Theo ông Huỳnh Duy, ChatGPT có ưu điểm thông minh, sáng tạo, nhanh và hiệu quả. Do đó ở thời điểm này doanh nghiệp quyết tâm ứng dụng công cụ mới để tăng hiệu quả.

Tọa đàm "Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số" diễn ra sáng ngày 23/4. 

Ở vai trò cố vấn và điều hành doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Huy – Tổng thư ký Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam – cho rằng với tốc độ phát triển công nghệ và ChatGPT, bản thân ông Huy cũng đang phải học để điều hành được doanh nghiệp nhưng học để vận hành, triển khai là các bạn trẻ. Về nguồn nhân lực trẻ, với vai trò điều hành doanh nghiệp, nhà tuyển dụng thường sẽ đặt ra câu hỏi "Các bạn có biết sử dụng chatGPT hay không?". 

"Điều quan trọng là chúng ta cần sử dụng AI một cách hiệu quả, không nên quá lo sợ vì robot cũng được tạo ra bởi con người. Nếu chúng ta không học thì chúng ta sẽ tự lùi lại và tự đào thải chính bản thân", ông Nguyễn Tấn Huy nói. 

Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng ChatGPT đã ứng dụng trong ngành kỹ thuật số rất nhiều. Chẳng hạn trong phim ảnh, nếu như trước đây mọi người dùng viết, máy tính để vẽ ra một bức ảnh, thì với công nghệ AI cộng với việc con người sử dụng tiếng Anh giỏi, biết cách mô tả cụ thể, chi tiết bức ảnh thì máy sẽ cho ra những sản phẩm đẹp.

 Khoa Đào Tạo và Phát Triển Doanh nghiệp của Viện Khởi Nghiệp Thực Tế trao chứng nhận cho các giảng viên mới.

Liệu trí tuệ nhân tạo có lấy đi công việc của người lao động không? Ông Trương Gia Bảo – Phó Chủ tịch Trung tâm Quản lý tài sản số Việt Nam (TSS) - cho biết có thể những công việc đơn giản sẽ dần dần mất đi. Trong chuyển đổi số có 4 tầng là số hóa dữ liệu, quy trình số, tự động số, thông minh số. Hiện tại, các công ty công nghệ không cần làm báo cáo truyền thống như trước đây mà thay vào đó tại các phòng ban đã có một con bot nhận tất cả thông tin và báo cáo.

"Có một số người nói rằng AI không có cảm xúc thì thật ra đó là AI phiên bản cũ. Gần đây, AI đã bắt đầu có cảm xúc, có nhận định riêng, quan điểm riêng. Nếu như trước đây huấn luyện AI thắng một người chơi cờ mất khoảng 4 năm thì bây giờ chỉ cần 2 tuần", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, các yêu cầu công việc của xã hội tăng lên, đòi hỏi mỗi người đều phải thích ứng. Nếu như trước đây, mỗi người khi đi làm buộc phải biết sử dụng phần mềm Excel và Word thì 10 năm gần đây các yêu cầu bắt đầu tăng lên. Khi nhu cầu xã hội tăng lên đòi hỏi con người phải hội nhập, nếu không hội nhập con người sẽ đào thải chính mình. 

Lễ ký kết hợp tác của Khoa Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp - Viện Khởi nghiệp Thực tế và các chuyên gia.

Trong khuôn khổ chương trình, buổi Lễ ký kết hợp tác của Viện Khởi nghiệp Thực tế và Trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn cùng Lễ ký kết hợp tác của Khoa Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp - Viện Khởi nghiệp Thực tế và các chuyên gia đã diễn ra thành công.  

Bình Tú