SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Nét xưa ở Đền tổ nghề thao Triều Khúc

08:15, 08/08/2022
(SHTT) - Là một trong 8 ngôi làng cổ nhất Hà Nội, làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì luôn lưu giữ những nét cổ kính đặc trưng của ngôi làng Bắc Bộ xa xưa. 

Có dịp về làng Triều Khúc, ghé thăm đền thờ tổ nghề thao, du khách sẽ được nghe những câu chuyện vô cùng lý thú về ông tổ nghề thao đã truyền nghề dệt thao cho dân chúng, mở đầu cho sự hình thành một làng nghề danh tiếng. 

Trieu khuc 1

Ngay phía trước Đền tổ nghề thao Triều Khúc là hồ lớn tạo nên khung cảnh yên bình khó kiếm giữa những náo nhiệt của vùng đất Thủ đô thời hiện đại.

Làng Triều Khúc vốn có tên nôm là Kẻ Đơ, lại lừng danh kinh kỳ với nghề làm nón quai thao nên được gọi là làng Đơ Thao. Có tên gọi này bởi theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được, viên quan dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) là Vũ Đức Úy trong chuyến đi sứ Trung Quốc đã học được nhiều nghề thủ công rồi về truyền lại trong nước. Riêng với dân làng Triều Khúc ông đã truyền cho 6 nghề là: Làm chổi lông gà, hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dây đàn bằng tơ tằm và quai thao cho nón thúng, nón ba tầm. Từ đó đến nay, cứ cha truyền con nối, nghề dệt truyền thống được lưu giữ như một “linh hồn” không thể thiếu nơi đây. 

trieu khuc

 Dấu ấn Đền tổ nghề thao Triều Khúc

Sau khi Vũ Đức Úy mất, để ghi nhớ công ơn của ông, dân làng Triều Khúc đã lập ban phối thờ ông tại đại đình (đình Lớn) bên cạnh bài vị Thành hoàng Phùng. Hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội tại đình Lớn để tưởng nhớ công ơn của Tổ nghề và múa rồng diễn lại chiến thắng oanh liệt của Bố Cái đại vương Phùng Hưng.

Kể từ đây, khi nhắc đến nghề dệt, người ta lại nghĩ ngay đến làng Triều Khúc. Một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi của làng là dải lụa làm quai cho nón quai thao. Những chiếc quai mềm mại được dệt bằng lụa tơ tằm là điểm nhấn nổi bật tạo nên chiếc nón quai thao đầy duyên dáng. 

Trieu khuc 2

Khu vực cổng Đền thờ tổ sau những thăng trầm của thời gian vẫn còn giữ được vẹn nguyên những dấu ấn của làng nghề cổ.

Đến với làng Triều Khúc, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến để hiểu rõ hơn về lịch sử chiếc nón quai thao. Nguyên thủy, đây là loại nón to, tròn, làm bằng lá cọ, không có chóp nên còn được gọi là nón dẹt. Từ đời Trần, nón dẹt được cải tiến, dùng cho các cung nữ đội nên được gọi là nón thượng. Đến cuối thời Lê Trung Hưng, loại nón này mới có thêm quai thao và từ đó được gọi là nón quai thao. Thợ làm nón làng Triều Khúc dùng những sợi tơ sần có cục (mốt cục) để làm quai thao.

Trieu khuc 3

Khi tới thăm đền, khách quan có thể cảm nhận rõ ràng những vết dấu đặc trưng còn lại của một ngôi làng cổ Hà Nội.

Quai thao gồm 2-3 sợi tơ bện lại với nhau (gọi là quai kép), được thả võng dài đến thắt lưng người đội nón; hai đầu quai có khoảng mươi túm chỉ thao nhỏ, dài 20-30cm rủ xuống, tạo ra sự mềm mại, trông rất đẹp mắt. Quai thao có thể là màu trắng ngà gốc tơ tằm, dành cho các thiếu nữ; hoặc có thể nhuộm màu đen nếu người dùng đã cao tuổi. Suốt một thời gian dài, chiếc nón quai thao được coi là vật không thể thiếu trong bộ trang phục của phụ nữ.

Cùng với nghề dệt thao truyền thống, người ta biết đến làng Triều Khúc còn bởi điệu múa "đĩ đánh bồng" - một điệu múa cổ do những cặp trai tơ đóng giả gái biểu diễn tại đình Lớn. Họ mặc áo tứ thân thướt tha, chít khăn mỏ quạ, má đánh phấn, môi tô son, tít mắt lá răm liếc nhau, miệng cười hé lộ những chiếc răng đen hạt na duyên dáng. Khi múa, chân họ nhún nhảy tiến lùi đều tăm tắp, tay nhịp nhàng vỗ trống bồng đeo trước bụng trông thật nhí nhảnh và yêu đời.

Trieu khuc 4

Làng Triều Khúc được biết đến là một trong 8 ngôi làng cổ nhất Hà Nội và đây cũng là cái nôi của nghề dệt thao tại vùng đất Thủ đô.

Điệu múa Con đĩ đánh bồng được coi là tâm điểm của hội làng, tạo nên bản sắc riêng và trở thành yếu tố then chốt giúp lễ hội làng Triều Khúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hòa vào không khí hội làng Triều Khúc, du khách cảm nhận được sức mạnh cộng đồng trong việc giữ gìn, bồi đắp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, qua bao thế hệ, người dân làng Triều Khúc vẫn luôn tiếp nối, giữ gìn và phát huy làng nghề dệt thao truyền thống của cha ông, không ngừng nỗ lực để đưa làng nghề vượt khó khăn, vươn lên thành nghề trụ cột, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời qua việc tiếp nối những giá trị truyền thống đó còn thể hiện sự gìn giữ những tinh hoa thủ công của ông cha, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất kinh kỳ.

 Lường Linh

Tin khác

Media 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, đêm Final Day của chuỗi sự kiện "Fiesta A Cielo" đã được tổ chức thành công với danh hiệu Đại sứ Chuyên Sư Phạm năm nay thuộc về Nguyễn Đức Vinh Quang và Hoàng Diệu Ly.
Media 17 giờ trước
(SHTT) - Môn bóng rổ trong chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X đã chính thức khép lại sau loạt trận chung kết ngày 25/3.
Media 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 23/3, tại Hà Nội, chiến dịch Tắt đèn bật ý tưởng 2024 được tổ chức với thông điệp "Giảm rác cho sạch - Tái rác cho xanh" nhằm hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất. Sự kiện đã góp phần truyền cảm hứng và thay đổi nhận thức về các vấn đề môi trường.
Media 4 ngày trước
(SHTT) -  Có những làng nghề truyền thống đang dần đi vào quên lãng, nghề làm giấy dó tưởng chừng như mai một và thất truyền. Nhưng dưới những góc nhìn và đôi bàn tay của người trẻ, những người dám nghĩ dám làm ấy, giấy dó đang dần trở lại với một diện mạo khác biệt hơn.
Media 1 tuần trước
(SHTT) - Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam, sáng ngày 15/3, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan”.