SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến

13:53, 21/09/2022
(SHTT) - Sáng 21/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam.
1

 ADB tổ chức họp báo Cập nhật Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại buổi hop báo, Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.”

Nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến

Theo ADB, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8% trong năm 2019 trước đại dịch.

Giá nguyên liệu đầu vào cao hơn đã hạn chế tăng trưởng công nghiệp, giảm từ mức 8,5% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 7,7%. Sản lượng ngành chế biến chế tạo chỉ đạt mức 9,7% do nhu cầu từ các nền kinh tế tiên tiến thấp hơn so với dự kiến. Công nghiệp đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP chung trong 6 tháng đầu năm. Sự chậm trễ mang tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công làm giảm tốc độ tăng trưởng xây dựng, từ 6,5% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống mức 3,7%.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ phục hồi trở lại đạt mức 6,6% từ 3,9% trong cùng kỳ năm 2021 nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu lượt khách. Lượng du khách trong nước cao hơn 1,9 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và gấp 1,3 lần so với con số trước đại dịch COVID-19. Du lịch trong nước phục hồi kéo theo các dịch vụ liên quan đến du lịch tăng 7% trong 6 tháng đầu năm sau khi giảm 1% trong cùng kỳ năm trước. Kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng lên mức 9,5% so với 9,1% cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Giá nguyên liệu đầu vào cao trên toàn cầu đã làm giảm tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm xuống còn 2,8% từ mức 3,8% của cùng kỳ năm trước. Sản lượng trồng trọt tăng 2,3%, thấp hơn mức 3,6% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lâm nghiệp tăng 5,0% từ mức 3.9% do xuất khẩu các sản phẩm gỗ tăng lên.

Tiêu dùng cuối cùng hàng hóa và dịch vụ tăng 6,1% từ mức 3,6%, nâng mức tăng chi tiêu tiêu dùng lên 6,5%. Kinh tế phục hồi thúc đẩy doanh số bán lẻ, tăng 65,9% trong tháng Tám so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm tăng 20,6%

Giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 6 tháng đầu năm - ước tính khoảng 6,5 tỷ $, bằng 27% kế hoạch cả năm của Chính phủ - làm giảm mức tăng tổng đầu tư trong nước, xuống 3,9% so với 5,7% trong 6 tháng đầu năm  2021. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế chỉ giải ngân được khoảng 2 tỷ $ trong tổng số dự kiến 15 tỷ $. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm ước đạt 12,8 tỷ $ - cao hơn 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 do môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế được phục hồi. Tuy nhiên, vốn cam kết FDI mới giảm 12,3% do những căng thẳng về địa-chính trị và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn

Môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế được phục hồi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp kinh doanh: khoảng 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 16,2% về tổng số lao động so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, 48.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 43,8%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 149.500 doanh nghiệp, tăng 31,1%. Mặc dù nguồn cung lao động trở lại bình thường, các ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động phần lớn là do mức lương kém cạnh tranh. Điều đó phần nào phản ánh thị trường lao động Việt Nam đang dịch chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Cung ứng lương thực thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu, chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá của một số hàng hóa, dịch vụ chủ chốt (như xăng dầu, điện, y tế và giáo dục) đã kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm trong bối cảnh áp lực giá cả toàn cầu liên tục gia tăng. Lạm phát cơ bản bình quân ở mức 1,6%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), với vai trò là ngân hàng trung ương, đã duy trì thành công chính sách tiền tệ mở rộng nhưng linh hoạt, tạo điều kiện cho vay vốn với chi phí thấp nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế đồng thời kiềm chế lạm phát. NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất chính sách kể từ lần cắt giảm cuối cùng vào tháng 10 năm 2020; mở rộng tín dụng, ước tính tăng 15,9% đến tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái; và thận trọng giám sát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao (như bất động sản và vốn cổ phần).

Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, NHNN đã hút vốn khả dụng dư thừa, ước tính khoảng 100 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng cách bán tín phiếu NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần làm chậm mức tăng tổng phương tiện thanh toán xuống 9,2% so với 14,2% trong 6 tháng đầu năm 2021 NHNN bắt đầu kiểm soát tác động của việc tăng giá đồng đô la Mỹ bằng cách bán khoảng 7 tỷ $ trong 7 tháng đầu năm 2022 để ổn định tỷ giá hối đoái, giúp tiền đồng giảm giá ở mức 2% so với đô la Mỹ, khiến cho tiền đồng ổn định hơn so với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á.

Thặng dư thương mại hàng hóa ước tính giảm xuống 0,4% GDP trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 2,7% cùng kỳ năm 2021 do cầu trên thị trường thế giới yếu đi. Tuy vậy, hoạt động kinh tế phục hồi và tỷ giá hối đoái ổn định đã làm tăng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lên 250,8 tỷ $, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất trong nước phục hồi kéo nhập khẩu tăng 13,6%, đạt 246,8 tỷ $, giúp thặng dư thương mại đạt 4,0 tỷ $.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu gia tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt làm giảm kiều hối ước tính khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Cầu trên thị trường thế giới suy yếu và kiều hối giảm khiến cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 1,5% GDP trong 6 tháng đầu năm sau khi đã thâm hụt 3,7% cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn vay nước ngoài thấp đã thu hẹp thặng dư cán cân tài chính xuống 3,8% GDP trong 6 tháng đầu năm từ mức 8,8% của cùng kỳ năm trước. Cán cân vãng lai thâm hụt và thặng dư cán cân tài chinh giảm đã khiến cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt ước tính khoảng 1,5% GDP .Tính đến tháng 6, dự trữ ngoại hối ước tính tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu, giảm so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021 do thặng dư thương mại thu hẹp và NHNN bán đô la Mỹ để ổn định tỷ giá hối đoái.

Lợi nhuận từ dầu thô và thu nhập từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giúp thu ngân sách của Chính phủ tăng 19,4% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu ngân sách giảm từ 81,4% xuống còn 79%. Thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng mạnh từ mức 8% tổng doanh thu lên 13%. Chi cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập tăng nhẹ ở mức 4,2%. Cân đối tài khóa nội bảng sơ bộ ước tính thặng dư 5% GDP trong 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 2% trong năm 2021.

 Kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm?

Kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12.

Tình trạng thiếu lương thực và sự hồi phục của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng nông nghiệp được điều chỉnh xuống 3,0% từ mức dự báo 3,5% trước đó do chi phí đầu vào cao có thể hạn chế tăng trưởng của ngành. Cầu trên thị trường thế giới giảm làm giảm tốc độ tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng trong tháng 8 đã giảm xuống 52,7 so với mức 54,0 trong tháng 6 (Hình 3.4.56).

Do đó, dự báo tăng trưởng công nghiệp giảm từ 9,5% xuống 8,5%, nhưng triển vọng công nghiệp vẫn có xu hướng đi lên do giải ngân vốn FDI mạnh mẽ trong khu vực này. Đi lại trong nước trở lại bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do dịch COVID-19 đối với du khách nước ngoài sẽ hỗ trợ sự phục hồi của du lịch trong 6 tháng cuối năm và du lịch sẽ tăng trưởng cao hơn mức dự kiến hồi tháng Tư. Điều này thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ, điều chỉnh từ mức 5,5% trước đó lên 6,6% cho năm 2022. Tuy nhiên, dự báo này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng dịch vụ 7,3% trong năm 2019 trước đại dịch.

Cầu trên thị trường thế giới yếu hơn nên xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2022. Lạm phát toàn cầu cao, mặc dù đang dần chậm lại, và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục làm giảm kiều hối. Do tất cả những nguyên nhân này, cán cân vãng lai dự báo sẽ thâm hụt 1,5% GDP trong năm nay; trong khi Báo cáo ADO 2022 dự báo thặng dư. Cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt ở mức 1,7% GDP trong năm 2023 do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu yếu đi.

Tổng đầu tư dự kiến sẽ tăng trong năm nay. Mặc dù căng thẳng về địa-chính trị toàn cầu và các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục hạn chế dòng vốn FDI chảy vào trong năm 2022, nhưng giải ngân vốn FDI sẽ tăng mạnh do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, đồng thời hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.

Việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, gồm cả thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế, sẽ bù đắp xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của cầu trên thị trường thế giới đang yếu đi. NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng bằng cách giữ nguyên các mức lãi suất chính sách.

NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng, ví dụ như hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ và gia hạn nợ theo quy định mà không điều chỉnh nhóm nợ có thể làm trì hoãn việc phân loại các khoản vay khó đòi –dự báo ở mức 5% trên tổng dư nợ trong năm 2022. Nỗ lực giữ tỷ giá hối đoái ổn định để hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng có thể gây áp lực cho dự trữ ngoại hối.

Bội chi ngân sách dự báo sẽ tăng lên mức 4% GDP trong năm nay do tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm thuế, hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu, chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, nợ công được kiểm soát tốt nên còn đủ dư địa tài khóa. Theo ước tính, nợ công ở mức 43,1% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với mức luật định 60%. Nợ nước ngoài của quốc gia được dự báo là 38,4% GDP, nằm trong giới hạn luật định là 45,0%. Vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp đã hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng lên.

 Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2022 và 4,0% trong năm 2023, tương tự như dự báo trong ADO 2022. Đầu tư tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài khóa và tiền tệ mở rộng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phục hồi kinh tế đang diễn ra trong năm 2022. Tiêu dùng tăng trong thời gian còn lại của 6 tháng cuối năm và khả năng tăng giá một số mặt hàng do chính phủ quản lý có thể làm tăng áp lực lạm phát.

 Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện trong 8 tháng đầu năm, đà kinh doanh bắt đầu chững lại và số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ trong tháng Tám, dù số lũy kế doanh nghiệp mới vẫn tăng lên. Sự suy giảm này phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh; ví dụ như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới .

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Mặc dù các đợt tăng lãi suất  quyết liệt của ngân hàng trung ương  các nền kinh tế lớn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, sự gia tăng bất ổn địa-chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam.

Dịch COVID-19 có thể tái bùng phát trong bối cảnh hệ thống y tế chưa đủ sẵn sàng do nhiều nhân viên y tế gần đây xin nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc men, thiết bị y tế. Lao động thiếu hụt sẽ cản trở sự phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022. Việc không thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và chi tiêu xã hội theo đúng kế hoạch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Thanh Tùng

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 21/3/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin tổ chức hội nghị “Nền tảng hợp đồng điện tử và các giải pháp nâng cao chỉ số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử”.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Chính phủ Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch tạo vốn khoảng 40 tỷ đô la để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), tiềm năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sôi động này.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không được thu tiền giữ chỗ của phụ huynh.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 22/3 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và Tuyên dương 70 cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu năm 2023.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trung tâm Văn hoá thể thao huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.