NASA phát hiện sự thật chấn động về Mặt Trăng
NASA vừa công bố một phát hiện chấn động – xác nhận sự hiện diện của nước trên bề mặt Mặt Trăng – ngay cả ở khu vực được ánh sáng mặt trời chiếu vào. Trước đây, chúng ta đã biết rằng nước tồn tại dưới dạng băng đá trong phần tối của mặt trăng, và đó là một phần lý do cho việc nhiệm vụ tiếp theo sẽ nằm ở cực nam Mặt Trăng, nơi được tin rằng băng đá có thể xuất hiện trong các miệng núi lửa – những nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Tuy vậy, phát hiện này cũng không quá bất ngờ, bởi vì trước đây các nhà khoa học NASA và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số dấu hiệu cho thấy nước có thể nằm ở phía có ánh sáng mặt trời. Nhưng giờ đây các dấu hiệu này mới được xác nhận dựa theo dữ liệu quan sát từ Đài Thiên văn Hồng ngoại của NASA (SOFIA) đã phát hiện ra các phân tử nước trong miệng núi lửa Clavius ở bán cầu nam của Mặt Trăng.
Paul Hertz, Giám đốc Bộ phận Vật lý thiên văn tại trụ sở của NASA ở Washington, Mỹ, cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã tìm ra những manh mối cho thấy nước hiện diện trên Mặt Trăng. Giờ đây, chúng tôi có thể chắc chắn về nó. Khám phá mới thách thức hiểu biết của nhân loại về hành tinh này và đặt ra nhiều câu hỏi hấp dẫn về các nguồn tài nguyên liên quan không gian".
“Chúng tôi vẫn chưa thể kết luận có thể sử dụng nó như một tài nguyên hay không. Nhưng việc tìm hiểu về nước trên Mặt Trăng là chìa khóa cho kế hoạch khám phá Artemis của chúng tôi”, NASA viết trên Twitter.
“Nếu có thể sử dụng nguồn tài nguyên tại Mặt Trăng, chúng ta hoàn toàn có thể mang ít nước và thiết bị hơn, từ đó tạo ra những khám phá khoa học mới”, Jacob Bleacher, Trưởng ban Khoa học thám hiểm tại NASA, cho biết.
Việc phải mất một thời gian dài đến như vậy mới có thể xác nhận được sự hiện diện của nước trên Mặt Trăng cho thấy trữ lượng không quá dồi dào của nó. NASA cho biết, họ phát hiện được khoảng từ 100 đến 412 phần triệu trong mỗi mét khối đất đá có chứa nước – tương đương với một chai nước 330ml trong cả núi lửa này. NASA cho biết, "sa mạc Sahara còn có nhiều nước gấp 100 lần" so với những gì SOFIA có thể phát hiện ra.
Ngay cả như vậy, việc nước có thể tồn tại dưới điều kiện tương đối khắc nghiệt của bề mặt Mặt Trăng khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời là một kỳ tích thú vị và rất đáng để nghiên cứu sâu hơn nữa. Các nhà khoa học muốn tìm hiểu làm thế nào nước có mặt ở đó và nó có thể tích tụ như thế nào dưới điều kiện như vậy.
Các nghiên cứu này có thể phục vụ cho các nhà thám hiểm trong tương lai để họ có thể thiết lập sự hiện diện lâu dài hơn trên bề mặt Mặt Trăng trong tương lai, thông qua các nhiệm vụ SOFIA khi đang tìm kiếm mỏ nước khác nằm trong núi lửa và ở các khu vực có ánh sáng mặt trời.
Đây chắc chắn là một phát hiện bước ngoặt cho tương lai khám phá không gian vũ trụ của loài người. Một phần của những mục tiêu dài hạn bao gồm việc thiết lập một trạm nghiên cứu khoa học trên mặt Trăng để các nhà khoa học có thể thực hiện nghiên cứu và cuối cùng vươn tới các mục tiêu xa hơn ví dụ như Sao Hỏa.
Theo Forbes, khám phá trên do Đài quan sát thiên văn hồng ngoại (SOFIA) của NASA thực hiện. Nó sử dụng kính viễn vọng bay, khám phá bầu khí quyển của các hành tinh và Mặt Trăng.
SOFIA được mệnh danh là đài quan sát trên không lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học cải tiến nó dựa trên máy bay thân rộng Boeing 747SP, gồm một cánh cửa lớn ở thân sau có thể mở ra khi bay để kính viễn vọng đường kính 2,5 m tiếp cận bầu trời.
Kính thiên văn này được thiết kế để quan sát thiên văn hồng ngoại trong tầng bình lưu, ở độ cao khoảng 12 km. Khả năng bay của SOFIA cho phép nó vượt lên trên gần như toàn bộ tầng hơi nước trong khí quyển của Trái Đất, ngăn một số bước sóng hồng ngoại. Từ đó, SOFIA cho hình ảnh sắc nét, rõ ràng về vũ trụ và các vật thể trong hệ mặt trời.
Hà Vân