NASA hé lộ siêu tên lửa SLS, khẳng định có thể đưa con người lên sao Hoả
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa hé lộ về chiếc bình nhiên liệu khổng lồ và ảnh mô phỏng một siêu tên lửa cho thấy những bước tiến quan trọng của họ trong kế hoạch đưa con người lên lập căn cứ trên Sao Hỏa.
Trong hai năm tới, NASA lên kế hoạch phóng tên lửa Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS) trong chuyến bay không người lái 384.400 km quanh Mặt Trăng. Với dự định xây trạm vũ trụ, căn cứ trên Mặt Trăng và phi vụ sao Hỏa, tương lai của chương trình phi hành gia phụ thuộc vào thành công của chuyến bay này.
Dù SLS là tên lửa hoàn toàn mới, giàn phóng cao 98 m trị giá hàng tỷ USD sẽ bắt đầu hành trình tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida trên một phương tiện hơn 50 năm tuổi. Đội ngũ phụ trách hộ tống tên lửa vượt qua hành trình 7 km tới bệ phóng sẽ chịu áp lực lớn.
"Chúng tôi có cảm giác tràn đầy tự hào khi gánh chương trình vũ trụ của Mỹ trên lưng", Bob Myers, một thành viên trong đội điều khiển hai cỗ xe bánh xích đồ sộ của NASA, chia sẻ. "Chúng tôi chỉ có một tên lửa, một lần phóng và chúng tôi không muốn làm hỏng lần phóng đó".
Tàu vũ trụ Sao Hỏa và nhiều tàu du hành không gian khác trong tương lai dự kiến sẽ rời khỏi trái đất nhờ lực đẩy siêu mạnh của Hệ thống phóng không gian (Space Launch System – SLS), một tên lửa rocket cực lớn và mạnh mẽ, sử dụng 4 động cơ RS-25, lực đẩy vượt 15% so với dòng tên lửa danh tiếng Saturn V của NASA, thiết bị đã đưa những tàu vũ trụ nổi tiếng nhất rời Trái Đất.
Trong những bức ảnh chụp công xưởng của NASA, một thiết bị hình trụ, to như một cao ốc đã được hé lộ. Hình trụ cao đến 61 m này thực ra chỉ mới là… bình nhiên liệu của siêu tên lửa SLS. Bể chứa khổng lồ này chứa tới 2.033 lít hydro lỏng, cung cấp lực đẩy tới 8,8 triệu pound, tương đương 3.992 tấn.
Theo NASA, thiết bị cung cấp nhiên liệu này vẫn đang được thử nghiệm tại Trung tâm Bay không gian Marshall ở Alabama.
Theo ông Jim Bridenstine, Giám đốc NASA, đầu tiên NASA sẽ đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng để tìm nước và các tảng băng có thể dùng làm nhiên liệu tên lửa. Mặt trăng nhiều khả năng trở thành một "trạm xăng" không gian cho các chuyến du hành và cũng là bước chuyển tiếp để các robot thế hệ mới thực hiện nhiệm vụ tương tự trên Sao Hỏa - khoan tìm nước và khai thác nhiên liệu tên lửa từ băng, để chuẩn bị sẵn sàng cho con người đặt chân đến.
Hiện đã có các bằng chứng rõ ràng cho thấy có những chất bay hơi từ mặt trăng cũng như băng giá mặt trăng có thể phù hợp làm nhiên liệu tên lửa. Họ sẽ tìm cách biến nó thành nước bằng cách sử dụng nhiệt, thông qua các thiết bị công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, triển vọng có thể đưa con người lên Sao Hỏa kịp mốc năm 2030 là rất lớn sau khi những vật liệu hữu cơ niên đại 3 tỉ năm được tìm thấy trong hồ Martian của hành tinh này, thông qua robot thăm dò. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng Sao Hỏa từng tồn tại sự sống trước khi một thảm họa núi lửa lớn xảy ra, biến nó thành một hành tinh chết.
Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho thấy 3 tỉ năm trước, Sao Hỏa đã từng là hành tinh xanh giống Trái đất với nhiều đại dương. Nếu nó từng phù hợp cho sự sống, sẽ dễ dàng cho con người sinh sống, trồng trọt và xây dựng căn cứ ở đó hơn theo kế hoạch của NASA.
Dự kiến toàn bộ hệ thống tên lửa SLS sẽ được hoàn thành sơ bộ và thử nghiệm lần đầu vào năm 2020, đẩy một tàu vũ trụ mang tên Orion nặng 70 tấn, mang theo 4 phi hành gia, từ Trung tâm Vũ trụ Kenedy. Orion sẽ phải vượt kỷ lục của mọi tàu vũ trụ Apollo từ trước đến nay khi đi đến nơi cách trái đất 442.570 km trong nhiệm vụ 22 ngày.
- Trung Quốc vượt Nga, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử chinh phục thế giới Mặt Trăng
- Những đồng tiền xu đắt giá nhất hành tinh
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất thực sự bằng phẳng?