Nâng cao văn hóa kinh doanh: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang thương mại điện tử, ứng dụng điện tử, các trang mạng xã hội để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok... với địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư hoặc từ tỉnh ngoài... khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh. Hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn diễn ra với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng, như: Pháo nổ, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện thoại, thuốc lá, rượu ngoại, bánh kẹo, mỹ phẩm các loại... vào địa bàn tỉnh hoặc vận chuyển qua địa bàn tỉnh, sang các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường. Các ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các cấp thường xuyên phối hợp giữa các lực lượng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Các đơn vị, địa phương đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào chương trình công tác và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Điển hình như Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh và lực lượng QLTT… triển khai tất cả các hoạt động có liên quan đến người tiêu dùng như: Các chương trình kích cầu tiêu dùng đặc biệt “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”; ‟Ngày mua sắm trực tuyến Online - Friday”; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, phát hiện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp…
Sở Công Thương cũng đẩy mạnh việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận và xử lý trên 20 bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu, 100% hồ sơ được xử lý đúng thời hạn hoặc trước thời hạn giải quyết theo quy định; đã rà soát, phát hiện và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ những nội dung vi phạm, không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong các hợp đồng do tổ chức, doanh nghiệp soạn thảo để giao kết với người tiêu dùng. Qua đó góp phần từng bước đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, minh bạch trong giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Ngày 6/8 vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là bộ luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Thông qua hôi nghị, đã giúp cho các doanh nghiệp hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù; các hành vi bị cấm; quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của MTTQ và các tổ chức xã hội trong tình hình mới.
Đến nay, qua việc đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chị Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, chia sẻ: Việc thực hiện kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong mỗi sản phẩm luôn được HTX chú trọng. Trong sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng quán triệt đến người lao động và các hộ dân tham gia liên kết sản xuất phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn trồng trọt, không sử dụng các chế phẩm kích thích tăng trưởng trong quá trình sản xuất. HTX cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau và lấy mẫu rau đi kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau, củ, quả an toàn nhất.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 300 kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn về chất lượng của hàng hóa, tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc đạt trên 95%. Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân chủ động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tiêu dùng, pháp luật cho người dân và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao văn hóa kinh doanh, tôn trọng quyền lợi, lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng.
Minh Đức
TIN LIÊN QUAN
-
Phú Yên: Ngăn chặn 8,4 tấn quần áo không rõ nguồn gốc trên đường tiêu thụ
-
Việt Nam đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thị phần bản quyền âm nhạc số
-
Kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024
-
Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trầm hương và yến sào Khánh Hòa