Nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng bằng phương pháp nhiệt đới hóa đối với khí tài Tên lửa phòng không Spyder
Là lực lượng chủ lực trong bảo vệ chủ quyền vùng trời của Tổ quốc, Quân chủng Phòng không-Không quân được trang bị nhiều chủng loại trang bị kỹ thuật (TBKT) hiện đại, trong đó có các tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK) Spyder. Đây là loại khí tài mới, công nghệ kỹ thuật số, đòi hỏi điều kiện làm việc, công tác bảo quản, bảo dưỡng khắt khe theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất để phát huy tối đa tính năng kỹ chiến thuật cũng như kéo dài tuổi thọ của khí tài. Nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng bằng công nghệ mới là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong tình hình mới.
Tổ hợp TLPK Spyder được biên chế cho các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân từ năm 2016. Đây là tổ hợp TLPK hỗn hợp tầm ngắn và tầm trung, có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết với chi phí thấp. Tên lửa Spyder cho phép đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không như: Máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái (UAV), thiết bị bay tấn công không người lái (UCAV), vũ khí dẫn đường chính xác (PGM) và vũ khí từ xa,... Tổ hợp TLPK Spyder có thể phát hiện theo dõi 1000 mục tiêu trên không, bám sát 100 mục tiêu và đồng thời tiêu diệt 20 mục tiêu cùng một lúc đến cự ly 50km, độ cao 16km; bảo vệ một khu vực có đường kính rộng đến 120km. Các xe chiến đấu (MFU) cũng cho phép cơ động xa đội hình trung tâm để phục kích, đón lõng đánh địch độc lập bảo vệ các mục tiêu theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Hiện nay, các Tiểu đoàn được trang bị tổ hợp TLPK Spyder là lực lượng trọng yếu trong SSCĐ, QLVT của Quân chủng. Để duy trì tham số khí tài tốt, thời gian vừa qua, nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng khí tài TLPK Spyder trong Quân chủng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng và hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan HC-KT các cấp, do đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm của các đơn vị.
Các đơn vị TLPK Spyder triển khai chiến đấu trên cả ba miền của đất nước, trong đó đặc thù có đơn vị đóng quân ở vị trí sát biển, khí tài thường xuyên chịu tác động lớn của hơi muối biển; nền nhiệt cùng với độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao, thúc đẩy nhanh quá trình ăn mòn và lão hóa cơ khí. Thực tế nghiệm chứng qua một chu kỳ sử dụng, do chịu tác động của hơi muối biển trực tiếp, nhiều xe, hệ thống điện - điện tử và chi tiết cơ khí đã bộc lộ hiện tượng ô xi hóa, hoen gỉ làm giảm hiệu quả sử dụng của các thiết bị, giảm tuổi thọ, suy giảm hệ số an toàn của các kết cấu vận hành - chịu lực, giảm độ tin cậy của các linh kiện điện tử.
Thực tế hiện nay đa phần các trang bị, khí tài trong Quân chủng chỉ đang dừng lại ở chương trình bảo quản cơ bản định kỳ truyền thống khá đơn giản mà chưa có một định hướng bảo quản thống nhất cũng như quy trình bảo quản cụ thể, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hiện đại. Mặc dù, tổ hợp TLPK Spyder mới được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng khả năng thích nghi hoạt động trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa biển, khắc nghiệt của Việt Nam còn hạn chế, sẽ dễ dàng tăng tốc ăn mòn, lão hóa tạo nhiều biến số phức tạp hơn trong công tác kiểm soát và bảo đảm chất lượng kỹ thuật của đơn vị. Trong khi đó, nhà che đậy khí tài xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp, chưa bảo đảm cả “3 tránh”: Tránh nóng, tránh mưa - ẩm, tránh bụi lẫn môi trường khép kín - tuần hoàn theo nhà sản xuất khuyến cáo. Một số nhà che đậy của một số đơn vị đón trực diện hướng gió biển mang nhiều hơi muối, cấu trúc không kín dẫn tới mưa, bụi dễ xâm nhập; thiết kế đối lưu và diện tích của một số nhà xe chưa hợp lý theo đặc điểm từng kiểu loại xe dẫn tới tăng phơi nhiễm với môi trường, lâu ngày gây thấm dột, hoen gỉ.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác bảo quản, bảo dưỡng TBKT và nhu cầu cấp thiết của đơn vị đối với việc duy trì khả năng SSCĐ của TBKT, Quân chủng Phòng không-Không quân đã quyết định phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự, Công ty Delta Việt Nam thực hiện chương trình bảo quản TBKT bằng phương pháp nhiệt đới hóa (NĐH) đối với các tổ hợp TLPK Spyder. Chính vì vậy, đa phần những hạn chế khó khăn mà đơn vị mắc phải hầu hết đã được giải quyết triệt để. Sau khi NĐH, khí tài được giữ trạng thái toàn vẹn, thân vỏ được hoàn nguyên về trạng thái tốt như khi mới tiếp nhận, các vị trí cơ khí bị ôxi hóa được khắc phục triệt để, tham số vận hành bình thường. Cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị đều có khả năng tiếp cận và hiểu cách thực hiện, thành thạo quy trình trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc NĐH TBKT góp phần cho các cơ quan, đơn vị thay đổi tư duy làm định kỳ mới với vật tư đặc chủng, các đơn vị có thể tự chủ khắc phục các hỏng hóc nhỏ với kinh phí thấp hơn nhiều so với thiệt hại phát sinh từ hỏng hóc kết cấu và mất khả năng SSCĐ. Ngoài ra, tuổi thọ TBKT được nâng cao trong khi hạn chế được số lần hỏng hóc, lão hóa các chi tiết cơ khí, linh kiện điện tử. Các đơn vị có thể duy trì chế độ quan trắc, kiểm soát sự ôxi hóa thường xuyên, để từ đó duy trì chế độ bảo dưỡng, khắc phục, ngăn chặn hiện tượng bị oxi hóa ngay khi mới phát hiện.
Tuy nhiên, việc duy trì bảo quản, bảo dưỡng bằng phương pháp nhiệt đới hóa còn bộc lộ một số hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tính ưu việt của phương pháp mới còn hạn chế; các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền chưa đầy đủ; vật tư đặc chủng bảo đảm cho các đơn vị chưa kịp thời, chưa đáp ứng hết nhu cầu của đơn vị; việc duy trì bảo dưỡng của một số đơn vị chưa thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ của chỉ huy, cơ quan kỹ thuật chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với các đơn vị đóng quân ở xa, phân tán…
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, khó khăn tác động như trên, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng khí tài TLPK Spyder bằng phương pháp nhiệt đới hóa, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt nội dung nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về công tác kỹ thuật. Tập trung vào nội dung Nghị quyết số 1656/NQ-QUTW ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Điều lệ công tác kỹ thuật QĐNDVN; chỉ lệnh, kế hoạch công tác kỹ thuật hàng năm và các quy định, hướng dẫn của các cấp về công tác bảo quản, bảo dưỡng TBKT. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ công tác kỹ thuật, tính ưu việt của việc bảo quản, bảo dưỡng TBKT bằng phương pháp nhiệt đới hóa. Tích cực đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục như tuyên truyền hoạt động công tác kỹ thuật thông qua hệ thống panô, bảng ảnh tại đơn vị; phát tin, bài về hoạt động công tác kỹ thuật thường xuyên và hoạt động hội thi kỹ thuật thông qua hệ thống phát thanh nội bộ đơn vị; tuyên truyền giáo dục bằng hình thức hội thi, tọa đàm thanh niên, sân khấu hóa, kết hợp giáo dục phổ biến pháp luật.
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ chủ trì các cấp và sự tham gia tích cực của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong đơn vị; đẩy mạnh thi đua xây dựng điểm về công tác kỹ thuật, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện bảo quản, bảo dưỡng TBKT, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện bảo dưỡng khí tài. Trên cơ sở các hoạt động thực tiễn, xây dựng cho bộ đội động cơ, trách nhiệm, ý thức “cần, kiệm”, tinh thần “tự lực, tự cường” trong thực hiện công tác kỹ thuật nói chung, công tác bảo quản, bảo dưỡng TBKT bằng phương pháp nhiệt đới hóa nói riêng tại đơn vị.
Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác bảo quản, bảo dưỡng TBKT bằng phương pháp nhiệt đới hóa. Cán bộ chỉ huy và cơ quan kỹ thuật các cấp cần phải thay đổi tư duy, phương pháp bảo đảm kỹ thuật mới, mạnh dạn loại bỏ phương pháp truyền thống và vận dụng phương pháp bảo quản, bảo dưỡng mới như phương pháp nhiệt đới hóa đối với các TBKT; sớm có quy định định mức cụ thể phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị. Tiếp tục điều chỉnh nội dung thực hiện định kỳ ngày, tuần, tháng, năm đối với khí tài TLPK Spyder theo phương thực sử dụng các vật tư nhiệt đới hóa, trọng tâm là điều chỉnh Quyết định số 4406/QĐ-BTL ngày 25/11/2016 của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ về việc ban hành Quy định tổ chức ngày kỹ thuật trong Quân chủng PK-KQ, Hướng dẫn số 71/HD-CKT ngày 17/01/2017 của Cục Kỹ thuật Quân chủng về thực hiện ngày kỹ thuật.
Ba là, đưa nội dung huấn luyện quy trình bảo quản, bảo dưỡng bằng phương pháp nhiệt đới hóa vào kế hoạch huấn luyện hàng năm, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đủ khả năng thực hiện thành thạo các quy trình, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng để giúp đỡ, hướng dẫn và giải đáp những vướng mắc, khó khăn của các đơn vị trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng TBKT bằng phương pháp nhiệt đới hóa cũng như cập nhật, phổ biến những nội dung mới để đơn vị nhanh chóng áp dụng, triển khai thực hiện. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm bảo quản, bảo dưỡng khí tài với quân đội các nước, nhất là những nước có trang bị TLPK Spyder như: Israel, Singapore, Philippin,…
Bốn là, các cấp có thẩm quyền cần phải tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để duy trì tính bền vững của phương pháp bảo quản, bảo dưỡng mới, nhất là trong việc bảo đảm ngân sách thường xuyên và vật tư nhiệt đới hóa. Phối hợp với các đối tác có kinh nghiệm như: Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, Viện Tên lửa và kỹ thuật điều khiển/Học viện Kỹ thuật quân sự, Công ty Delta Việt Nam,… để hoàn thiện quy trình, bảo đảm vật tư đặc chủng chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của phương pháp nhiệt đới hóa. Đặc biệt, việc bảo đảm vật tư nhiệt đới hóa phải thường xuyên, định kỳ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đơn vị. Tiếp tục triển khai chương trình nhiệt đới hóa giai đoạn 2, tập trung chuyên sâu vào các tủ khối, linh kiện, bảng mạch, khối máy,….; quan tâm ưu tiêu dành nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm được “3 tránh”: Tránh nóng, tránh mưa - ẩm, tránh bụi, để tăng cường tính hiệu quả và sự bảo vệ toàn diện đối với tổ hợp TLPK Spyder và các TBKT khác.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quá trình bảo quản, bảo dưỡng tổ hợp TLPK Spyder bằng công nghệ nhiệt đới hóa. Trong thời gian vừa qua, các đơn vị được trang bị tổ hợp TLPK Spyder đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, bảo quản TBKT như: Ứng dụng theo dõi quá trình ô-xi hóa cơ khí khí tài; dụng cụ phun phủ dung dịch NavGuard, MaxWax; máy bơm mỡ CorrosionX, giá thử nhiệt đới hóa,… Khai thác, sử dụng có hiệu quả các dụng cụ, trang thiết bị và tài liệu liên quan đến nhiệt đới hóa tổ hợp TLPK Spyder và các loại TBKT khác. Thực hiện tốt công tác thông tin về các hoạt động bảo quản, bảo dưỡng mới của Quân đội ta và quân đội nước ngoài trên các báo, tạp chí và các phương tiện truyền thông khác.
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn ngân sách dành cho mua sắm, bảo quản, bảo dưỡng TBKT còn hạn chế; hầu hết nhiều chủng loại TBKT có trong biên chế của Quân chủng Phòng không - Không quân đã sử dụng lâu năm, xuống cấp, tham số thường không ổn định trong khi phải hoạt động trong điều kiện khí hậu, môi trường diễn biến thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững, tuổi thọ của TBKT. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng bằng phương pháp nhiệt đới hóa đối với tổ hợp TLPK Spyder và nhân rộng chương trình nhiệt đới hóa trên các loại TBKT khác là cơ sở, điều kiện thuận lợi để các đơn vị trong toàn Quân chủng nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, QLVT, quản lý điều hành bay, xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Lương Văn Luyến - Khoa CT-CD, HV PK-KQ
Thiếu tá Lê Văn Huy - Học viên Hệ 1, HV PK-KQ
TIN LIÊN QUAN
-
Bộ TT&TT phổ biến công cụ RIA cho cán bộ xây dựng văn bản pháp luật
-
MasterTeck: Chìa khóa tối ưu chi phí và nhân sự chất lượng cao ngành Blockchain, AI
-
Cần khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ
-
Đại học Công nghệ Sydney khởi động chuỗi hội thảo chuyên đề lớn tại Hà Nội