SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Nạn tranh giả hoành hành: Cần xây dựng Luật Mỹ thuật

11:06, 01/10/2021
(SHTT) - Thời gian gần đây, nhiều tranh giả được bày bán công khai trên phố, trong một số gallery, trên một số trang web, hay được đưa vào triển lãm, trưng bày trong bảo tàng, đưa lên sàn đấu giá... Vì vậy Luật Mỹ thuật cần được xây đựng để dẹp vấn nạn trên.

Thị trường tranh Việt Nam hình thành từ cuối những năm 1980 nhờ xu thế đổi mới nhưng hoàn toàn mang tính tự phát, nghiệp dư và vẫn không chuyên nghiệp cho đến tận lúc này. Khi mà thị trường cốt chỉ để giải quyết vấn đề thương mại và câu chuyện đầu ra, thì sự trí trá cũng bắt đầu. Tranh giả xuất hiện. Giả từ các Gallery tới các nhà sưu tập…, để rồi dần dần thị trường tranh giả trong nước.

Tờ The New York Times (2017) từng có bài viết về thị trường tranh Việt, trong đó dùng những cụm từ rất nặng nề như “đầy rẫy những dối trá”, “chiêu trò đạo nhái và lừa đảo”... Bài báo có tên “Nghệ thuật Việt chưa bao giờ được ưa chuộng nhiều như thế, nhưng thị trường tranh thì ngập đồ giả” của nhà báo Mỹ Richard C.Paddock đã nhận được sự quan tâm của người yêu hội họa trên thế giới và giới họa sĩ Việt Nam bởi cái nhìn thẳng thắn vào tồn tại đáng buồn của thị trường tranh Việt - nạn sao chép, làm tranh giả - những điều người trong nghề đều biết và đang buộc phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Tranh giả hoành hành, ngoài việc làm cho người nước ngoài mất lòng tin còn làm giới họa sĩ bị tổn thương, phấp phỏng. Thị trường tranh bế tắc, thực tế hiện nay không còn bao nhiêu gallery tồn tại, đa số đang trong tình trạng “ngủ đông”.

nan tranh gia

 Nạn tranh giả hoành hành: Cần xây dựng Luật Mỹ thuật

Mới đây, nhà đấu giá Sotheby's Hongkong cũng bị tố bán tranh giả. Cụ thể, phiên đấu giá "Modern art day sale" của Sotheby's Hong Kong sẽ diễn ra vào ngày 10/10/2021, đưa lên sàn nhiều tác phẩm hội họa Đông Dương của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ...

Trong đó, tấm bình phong "Nhà tranh gốc mít" (1957) được cho của Nguyễn Văn Tỵ, 90x118.5cm có giá dự toán là 90,000-130,000 USD. Với những người am hiểu về mỹ thuật Việt Nam đều nhận ra bức bình phong 3 tấm này không phải là thật.

Con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, bà Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xác nhận, "đây là bức tranh giả 100%". "Bố tôi không làm bức bình phong tranh gốc mít nào như vậy cả. Họ chép lại rồi lấy tên ông gắn vào là không được phép", chị nói.

Họa sĩ cho biết bố chị chỉ sáng tác Nhà tranh gốc mít, kích thước 67x105 cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Gia đình mong muốn nhà đấu giá gỡ tác phẩm hoặc không đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết bảo tàng mua tác phẩm năm 1960, sau khi bức sơn mài đoạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Hiện bức này được lưu giữ, trưng bày tại đây. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét bức tranh mang vẻ đẹp đằm thắm, sâu sắc và có đường nét sắc sảo. Trong khi tác phẩm do Sotheby's rao bán khá mới, màu sắc rực rỡ, cách làm sơn mài vụng về.

Có thể nói, giờ đây, khi nhắc đến nền mỹ thuật Việt Nam, ấn tượng lớn của nhiều khán giả nước ngoài là nạn tranh giả. Đó là thiệt thòi lớn cho nghệ sĩ trong nước khi muốn “nhập cuộc” với thị trường mỹ thuật thế giới. 

Chưa kể, hàng loạt vấn đề tồn đọng khác đã làm nên một “bức tranh thị trường mỹ thuật” nội địa tù mù, thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp với nhiều nút thắt gỡ không xuể. Khi tranh ngày càng trở nên một loại tài sản đầu tư có thể sinh lãi lớn, một mặt hàng có giá trị cao thì đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ các giao dịch tranh giá trị lớn. Không loại trừ khả năng, nếu không kiểm soát chặt, Việt Nam rất dễ trở thành nơi “rửa tranh” của thế giới.

Theo lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện Việt Nam mới chỉ có một văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động của ngành mỹ thuật là Nghị định 113 (năm 2013). Từ đó đến nay, hoạt động mỹ thuật, thị trường tranh… liên tục biến đổi, nghị định xuất hiện các lỗ hổng so với thực tế là điều khó tránh khỏi. Nghị định, một văn bản dưới luật không đủ tạo ra hành lang pháp lý, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động mỹ thuật. Luật Sở hữu trí tuệ thì gần như “yếu ớt” trong lĩnh vực này. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chỉ phối hợp gián tiếp, dù bức xúc nhưng cũng “lực bất tòng tâm”. 

Hiện, trong lĩnh vực nghệ thuật, mới có ngành điện ảnh là có luật riêng. Với thực trạng của hoạt động mỹ thuật thời gian qua, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận: “Có lẽ, cũng phải sớm cho ra đời Luật Mỹ thuật, kẻo phí một thời điểm (có nhiều tín hiệu chín) cho sự “chuyển mình mới” của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”. Ông Lương Xuân Đoàn cung cấp thêm thông tin, Quốc hội cũng đã đồng ý ngành mỹ thuật xây dựng dự thảo Luật Mỹ thuật để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Hương Mi

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.
Liên kết hữu ích