SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 27/03/2024
  • Click để copy

Năm học 2022- 2023: Chú trọng đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

07:58, 13/08/2022
(SHTT) - Trong định hướng triển khai các nhiệm vụ năm học 2022- 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt mục tiêu tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường và công tác giáo dục trên cả nước.

 Ngày 12/8/2022, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. 

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; lãnh đạo Sở GD&ĐT.

nvm1073-1660302863383325145509

 

Những kết quả nổi bật của ngành giáo dục trong năm học 2021- 2022

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó, có ngành giáo dục và đào tạo. Ngành đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Ngành Giáo dục & Đào tạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Chất lượng giáo dục Đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở giáo dục Đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng.

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19...

Những chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành Giáo dục trong năm học mới

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

"Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD-ĐT đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương nhà giáo mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Hiện nay, nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục", Phó Thủ tướng nói.

nvm1025-1660302863453878133746

 

Đối với nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. "Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học" - Phó Thủ tướng nói.

Về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần phối hợp đôn đốc cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để có thể thực hiện trước khi vào năm học mới. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, bổ sung các quy định về huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện trong các trường học.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm… để kiên quyết loại bỏ tình trạng học sinh buộc phải tự nguyện “xin” đi học thêm. Đẩy mạnh chuyển đổi số, học liệu điện tử, học trực tuyến như phương pháp bổ trợ lâu dài; chú trọng bù đắp kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về vấn đề học phí, theo Phó Thủ tướng, chi phí cho giáo dục phải tăng mới đảm bảo được chất lượng giáo dục nhưng phần đóng góp của gia đình học sinh phải theo hướng không tăng, hướng tới giảm và có thể là miễn học phí ở cấp phổ thông. Để thực hiện được việc này, ngân sách Trung ương và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, chi cho giáo dục phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ cùng toàn ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các hành động cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả; khắc phục những tồn tại hạn chế Phó Thủ tướng đã chỉ ra.

Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2022 - 2023

Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.

Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Theo Bộ trưởng, trong 12 tháng tới, nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11; tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12.

Hải An

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' để trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - 65 bảng Anh (khoảng 2 triệu VNĐ) là con số trung bình mà mỗi công dân Anh bỏ ra hàng tháng để đóng góp cho hoạt động từ thiện trong năm 2023, tăng 40% so với năm trước đó.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định vai trò của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).