Mỹ phẩm nhập lậu giá rẻ: Mối nguy hiểm tiềm ẩn của phái đẹp
Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đội QLTT số 4, thành phố Móng Cái kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm Ngọc Linh, địa chỉ: Số 010, Trung tâm thương mại Móng Cái Plaza, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ 1.245 đơn vị mỹ phẩm nhập lậu gồm: 650 tuýp Thuốc nhuộm tóc hiệu chữ nhật 100g; 432 lọ Kem dưỡng ẩm SAKURA 80g; 96 tuýp Thuốc nhuộm tóc hiệu chữ nhật 100g; 54 lọ dầu gội xả nhãn hiệu CEKENVEN 500ml và 13 lọ Dầu hấp tóc TAKUMI 1000ml. Tổng trị giá lô hàng là 46.270.000 đồng.
Theo xác minh, lực lượng chức năng cho biết, chủ hàng là ông Nguyến Đình Thi (địa chỉ thường trú: Khu 4, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái). Ông này khai nhận đã mua gom toàn bộ số hàng trên của các đối tượng không quen biết, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp về bán buôn. Đội QLTT số 4 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Theo chuyên gia về da liễu, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa chất độc với cơ thể, gây tổn hại da. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng; tránh tâm lý ham rẻ rồi lại "tiền mất tật mang", vô tình tiếp tay cho các chủ cửa hàng kinh doanh kiếm lợi bất chính.
Theo các chuyên gia, bác sĩ da liễu, tác hại khôn lường của mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhái không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, còn gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người sử dụng.
Để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn.
Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Hà Trang