Mỹ bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 2 trên người
Theo Live Science, Moderna bắt đầu thử nghiệm vaccine trên 45 người trưởng thành khỏe mạnh ở thành phố Seattle, Mỹ, hồi tháng 3/2020, trở thành một trong những công ty đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 ở người.
Mục đích của thử nghiệm giai đoạn 1 mà Moderna vừa hoàn thành là tìm hiểu độ an toàn và liều lượng vaccine, theo FDA. Hiện nay, thử nghiệm sẽ bước vào giai đoạn 2, trong đó các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra tính hiệu quả và tác dụng phụ của vaccine trên khoảng 600 người.
"Bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2 là bước quan trọng tiếp theo", Stéphane Bancel, giám đốc điều hành Moderna, cho biết.
Nếu có thể thuận lợi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2, giai đoạn 3 trên người sẽ được Moderna triển khai vào đầu mùa hè năm nay. Giai đoạn 3 sẽ tuyển hàng trăm hoặc hàng nghìn tình nguyện viên để xác định liệu vaccine có hiệu quả hay không và theo dõi phản ứng sau khi tiêm, theo FDA. Sau giai đoạn này, FDA sẽ quyết định có cấp phép dùng vaccine hay không.
Công ty Moderna đang lên kế hoạch tăng tốc sản xuất vaccine ARN-1273. Vào ngày 1/5, công ty này thông báo kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất thuốc của Thụy Sĩ Lonza để tạo ra một tỷ liều vaccine mỗi năm nhằm phân phối trên toàn cầu. Nếu thử nghiệm các giai đoạn tiếp theo của vaccine ARN-1273 đáp ứng đủ yêu cầu và mục đích điều trị, những liều vaccine COVID-19 đầu tiên do Moderna nghiên cứu sẽ được sản xuất tại cơ sở của Lonza ở Mỹ vào tháng 7.
Vaccine ARN-1273 là loại thuốc được tạo ra với công nghệ mới hoàn toàn. Thay vì đưa phiên bản bất hoạt hoặc suy yếu của virus vào cơ thể để thúc đẩy hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại mầm bệnh như các loại vaccine truyền thông hiện nay, ARN-1273 sử dụng phân tử là ARN mang thông tin (mARN) để chỉ thị tế bào tạo ra protein của virus.
Cụ thể, ARN lệnh cho tế bào tạo protein hình gai mà nCoV sử dụng để lây nhiễm tế bào trong cơ thể người. Ý tưởng của Moderna kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể nhận biết protein hình gai và chiến đấu với nCoV. Vaccine ứng dụng công nghệ này có tốc độ sản xuất kháng thể nhanh hơn và ổn định hơn vaccine thông thường.
Các công ty khác như Inovio, CanSino và Pfizer cũng sử dụng công nghệ mARN để phát triển vaccine Covid-19.
Bình An