SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Lợi nhuận của doanh nghiệp dầu khí: Kẻ lỗ đậm, người tỏa sáng

06:33, 17/05/2021
(SHTT) - Quý 1/2021, dù được hỗ trợ tích cực bởi đà hồi phục của giá dầu nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp dầu khí trái chiều, đã có sự phân hóa mạnh.

Hiện tại, các doanh nghiệp dầu khí đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với kết quả kinh doanh trái chiều.

Doanh nghiệp 'họ dầu khí'  PVD, PVB lỗ đậm

Đơn cử như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu thuần đạt hơn 17.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.057 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo GAS cho biết, giá dầu bình quân quý 1/2021 tăng 22% so cùng kỳ (quý 1/2021: 61.12 USD/thùng, quý 1/2020: 50.10 USD/thùng). Tuy nhiên, sản lượng khí khô tiêu thụ quý 1 năm nay giảm 354 triệu m3 (tương đương giảm 16%) so cùng kỳ làm doanh thu, lợi nhuận giảm tương ứng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất tại GAS (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)

Tình cảnh của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) còn thậm tệ hơn khi doanh thu thuần của PVD giảm đến 67% so cùng cùng kỳ về còn 550 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 28 tỷ đồng. Quý 1/2021, PVD báo lỗ sau thuế gần 110 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng). Như vậy, đây là lần đầu tiên PVD quay lại báo lỗ sau 2 năm (từ sau quý 1/2019).

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, kết quả đi xuống do giảm hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu (quý 1/2021: 52%; quý 1/2020: 100% với 4 giàn đều hoạt động). Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng cũng giảm 9%.

Chung hoàn cảnh, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating - Mã: PVB) thua lỗ quý thứ ba liên tiếp.

Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm 2021, PVB chỉ đem về chưa tới 11 tỷ đồng doanh thu, giảm 97% so cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 7 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, lỗ sau thuế tại PVB hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 49 tỷ đồng), cũng là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh hợp nhất tại PVB (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 tại PVB)

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) tiếp tục cho thấy đà hồi phục trong quý vừa qua, chính thức thoát lỗ.

Cụ thể, quý 1/2021 doanh thu thuần tại PLX đạt 38.247 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ. Do giá vốn giảm nhanh hơn, Công ty thu được 3.394 tỷ đồng lãi gộp, gấp 7,5 lần cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, PLX báo lãi ròng 661 tỷ đồng (cùng kỳ thua lỗ 1.893 tỷ đồng).

Tương tự, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (UPCoM: OIL) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021 với con số lãi nhích nhẹ so với quý liền trước đó nhờ sự cải thiện trong biên lãi gộp. 

Cụ thể, doanh thu thuần của OIL đạt trên 11.700 tỷ đồng, tương ứng giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên biên lãi gộp của Công ty được nới rộng. Lợi nhuận gộp quý 1 đạt gần 779 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số hơn 64 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả, OIL  báo lãi sau thuế  gần 191 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ gần 538 tỷ đồng.

...Vẫn có doanh nghiệp dầu khí tỏa sáng

Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) công bố tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 khá khả quan.

Theo đó, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.717 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Do giảm lỗ tài chính và ghi nhận lãi từ hoạt động khác, kết quả, lãi sau thuế quý 1/2021 của PVTrans ghi nhận gần 174 tỷ đồng, tăng cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận 136,4 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã có lãi trở lại. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 21.048 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ nên Lọc hóa dầu Bình Sơn có lãi gộp 2.040 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 1.991 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí và thuế, BSR báo lãi sau thuế đạt hơn 1.848 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lãi 1.856 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.330 tỷ đồng.

Nối gót BSR, kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) khá khả quan.

Kết thúc quý 1/2021, PVS ghi nhận doanh thu 2.614 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ; lãi gộp thu về 179 tỷ đồng, đi lùi 7%. Tuy vậy, sau cùng PVS vẫn báo kết quả lãi ròng 145 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1/2020.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2021 tại PVS (Nguồn: BCTC hợp nhất tại PVS)

Theo giải trình của Công ty, kết quả tăng trưởng chủ yếu là do phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) khi hợp nhất vào báo cáo quý 1/2021 cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết kỳ này đạt 157 tỷ đồng, gấp 5 lần quý 1/2020.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã DPM) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với doanh thu thuần đạt 2.004 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng tăng 28% đạt gần 375 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 18,7%. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế tại Đạm Phú Mỹ gần 171 tỷ đồng, tăng 74,5% so với quý 1/2020.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá bán mặt hàng phân bón quý 1/2021 tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng.

CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (Mã: PXS) báo lãi sau thuế quý 1/2021 đạt 1,5 tỷ đồng,  tăng khoảng 1,2 tỷ đồng và doanh thu thuần gần 262 tỷ đồng, tăng khoảng 83 tỷ đồng. Do trong quý 1/2021, PXS đang triển khai thi công gói thầu A2 của dự án nhà máy lọc hóa dầu Long An. Mặt khác, PXS cũng thực hiện thi công các gói thầu của công trình dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,...

Giải trình biến động kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại PXS.

Theo SSI Research, ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 35,7% trong năm 2021 nhưng vẫn giảm 17% so với 2019. Petrolimex và PV Gas được coi là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngành.

Kết quả kinh doanh của Petrolimex, Oil, BSR trong năm 2021 có thể được hỗ trợ nhờ cả giá nhiên liệu tăng và sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức trước COVID.

SSI Research cho biết, xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Một số khu liên hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng.

PV Gas là công ty đi đầu thị trường với cảng LNG Thị Vải sẽ vận hành vào cuối năm 2022 cung cấp LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4. Tuy nhiên, trong dài hạn, tổng công ty không còn độc quyền trong ngành cung khí nữa khi các công ty trong và ngoài nước như Delta Offshore, Gulf, Sojitz, AES, Petrolimex… sắp tham gia vào thị trường.

Hoàng Long

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 27 phút trước
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết giá cà phê lên cao và nhanh khiến họ không trở tay kịp.
Kinh tế 8 giờ trước
(SHTT) - Tại khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An), Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc, sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD.
Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Theo nghiên cứu của IDC, với việc khảo sát hơn 2.100 doanh nghiệp với tổng số hơn 13 triệu nhân viên tại 16 quốc gia trên toàn cầu cho thấy: mỗi đô la đầu tư vào AI, các công ty sẽ thu về lợi nhuận trung bình là 3,5 đô la đến 8 đô la.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.