SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Mùa xuân lên non nghe tiếng chiêng ngân vang vọng núi rừng

07:34, 19/01/2023
(SHTT) - Giống như người Mường ở khắp mọi miền đất nước, bên dòng Đà Giang, dưới chân núi Tản, người Mường ở huyện Ba Vì, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Trong đó, không thể thiếu nét văn hóa cồng, chiêng.

Vào đầu năm mới, tiếng chiêng ngân gọi nhau cùng chơi để nghe lời của núi rừng, lời của cha ông ngàn năm vọng lại, chiêng vang rộn ràng báo hiệu những niềm vui, niềm tin ấm no, hạnh phúc.

Lời của núi, của sông, lời cha ông vọng lại…

Rời trung tâm Hà Nội, tạm xa ồn ào phố thị, chúng tôi về miền núi cao Ba Vì để được đắm mình trong không gian thoáng mát, yên ả. Giữa mênh mang của núi rừng, tiếng cồng chiêng vang vọng, bay trên núi Tản, vọng xuống sông Đà như dải lụa uốn lượn ôm bản làng nơi người Mường sinh sống.

Dừng chân ở xã Khánh Thượng, xã cao nhất Ba Vì, chúng tôi may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Lâm, 81 tuổi, người đã có thâm niên gắn bó hơn 20 năm với Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Gò Đá Chẹ. Cầm trên tay dụng cụ cồng chiêng được đúc bằng đồng thau tròn trĩnh, bà Lâm mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định: “Tiếng chiêng là lời của núi, lời của sông, lời của cha ông từ ngàn xửa, ngàn xưa để lại”.

Say sưa kể lại những ký ức và niềm đam mê với cồng chiêng bằng chất giọng hào sảng, bà Lâm bộc bạch, từ ngày còn nhỏ, bà Lâm rất ham thích chơi cồng chiêng nên thường quấn quýt theo ông bà, bố mẹ tập. Từng điệu chiêng được đánh không chỉ mỗi dịp ngày hội, ngày Tết mà cả khi ngồi quay bông cũng chơi.

Rồi giặc Pháp tàn phá khiến bản làng không còn chiếc chiêng nào nữa. Bẵng đi một thời gian dài, mải lo làm kinh tế để thoát nghèo, núi rừng im mặt tiếng chiêng.

“Cho đến khi đã cơm no áo ấm, chúng tôi nhớ lại kỷ vật thiêng liêng của cha ông với bao tiếc nuối nên bảo nhau cùng gây dựng lại. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước (thế kỷ XX), chúng tôi đóng góp mua chiêng về chơi. Từ đó đến nay, tiếng chiêng đã vang lên trên khắp sườn đồi, chân núi, chúng tôi được sống với đúng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường”, bà Lâm chia sẻ.

CONG CHIENG BA VI

 Bà Nguyễn Thị Lâm (ở giữa) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Gò Đá Chẹ biểu diễn

Chiêng Mường thôn Gò Đá Chẹ cũng như chiêng của người Mường các nơi khác, đều giữ đúng lối cổ như cha ông từ Mường Bi, Mường Vang Hoà Bình vậy. Một bộ chiêng Mường truyền thống có 12 chiếc trở lên, gồm chiêng đại, chiêng trung và cặp đôi chiêng chót. Theo bà Lâm, những gia đình giàu có ngày xưa họ có nhiều bộ chiêng quý lắm, có những chiêng cỡ lớn 2 người khiêng nặng, đường kính to bằng cái nia phơi thóc.

Dàn cồng chiêng Mường chia làm 3 nhóm. Mỗi nhóm lại chia nhiệm vụ từng chiếc khác nhau, từ âm thanh cao nhất đến đến âm thanh trầm nhất. Khi thưởng thức cồng chiêng Mường, người nghe phải biết tìm hiểu và biết hình dung rồi mới suy xét, theo dõi, mới thấu hiểu, mới cảm nhận được cái hay của nó.

Âm nhạc cồng chiêng là âm nhạc để nghe chứ không phải để xem tay gõ vào vú chuông. Những người hoà tấu cồng chiêng đều có đồng cảm xúc, vừa hoà cho mọi người nghe và cũng là cho chính mình say đắm.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, để thưởng thức chiêng Mường thì nên nhắm mắt lại mà hình dung, mà tưởng tượng không ai giống ai vì chiêng Mường khi tấu lên là đại diện cho cả cộng đồng dân bản đang sinh sống yên vui đầm ấm. Những chiêng đôi, chiêng chót thánh thót, sôi nổi đan xen vào nhau như những em bé đang nhảy nhót vô tư, tung tăng nô đùa. Tiết tấu dồn dập biến hoá liên tục. Còn những chiêng lớn, âm thanh trầm hùng, chậm chạp, nặng nề đi đồng nhịp, sâu lắng nhưng mạnh mẽ, mang biểu tượng và suy tư sâu xa, chắc chắn. Những chồng âm thanh trầm trầm rung động độc đáo ấy cứ len lỏi tận cõi tâm linh xa xôi.

CONG CHIENG BA VI1

 

“Nghe cồng chiêng Mường là nghe tâm sự của cộng đồng Mường Việt cổ với các lứa tuổi khác nhau. Thông qua tiếng chiêng, tiếng cồng độc đáo đúc bằng đồng thau, tiếng chiêng Mường tròn trĩnh, ngân vang, tâm hồn ta như được vút lên trời xanh, bay trên núi Tản mây mù bao phủ hay lội xuống sông Đà trong vắt khi mùa xuân về. Tiếng chiêng như giúp người dân xóa đi những nhọc nhằn của cuộc sống với lo toan hằng ngày, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người nơi đây”, bà Lâm tâm sự.

Sứ mệnh cho mai sau

Cũng là người giàu tâm huyết với cồng chiêng như bà Nguyễn Thị Lâm, bà Nguyễn Thị Túng (81 tuổi), cũng là thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng Gò Đá Chẹ, cho biết, việc chơi chiêng như món ăn tinh thần không thể thiếu.

 “Từ khi chơi chiêng, tôi như khỏe hơn. Chúng tôi chơi chiêng cũng là để gắn kết với nhau, sống chan hòa và hạnh phúc hơn bên con cháu”, bà Túng chia sẻ.

Bà Túng cho biết thêm, đánh chiêng thì dễ song để tiếng chiêng hay, vang vọng, cần có sự hòa quyện, âm vang thì cả đội phải có sự hiểu nhau, hiểu về chiêng để thuần thục, để mỗi một tiếng vang lên thành một bản nhạc của núi rừng, có thể đi vào tâm trí người nghe.

“Người Mường chúng tôi nghe như chìm sâu vào ký ức tưởng chừng bị lãng quên, nơi có những cánh rừng hoang sơ, những ngọn núi Ba Vì hùng vĩ bên dòng sông Đà cuồn cuộn chảy”, bà Túng nói.

Theo phong tục của người Mường, vào những ngày đầu năm mới, trước đây mọi nhà đều nổi cồng, chiêng để đón mùa Xuân mới. Tiếng chiêng ngân vang, vọng đến các xóm, thúc giục mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Con cháu nghe tiếng cồng, chiêng lần lượt chúc thọ ông bà, cha mẹ. Mọi người căn dặn nhau những việc tốt đẹp nên làm. Sáng mùng một Tết, thanh niên nam nữ họp nhau lại thành hội Cồng (Sắc bùa) mùa Xuân, đối đáp nhau bằng lời hát hoà cùng tiếng cồng, tiếng chiêng.

Đối với bà Lâm, bà Túng và những thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng Gò Đá Chẹ, việc say sưa chơi chiêng không chỉ là sở thích cá nhân, mà còn là trách nhiệm trong việc thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc người Mường. Tuy nhiên, cũng như những giá trị văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc khác, việc làm sao để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là nỗi trăn trở, lo lắng.

CONG CHIENG BA VI2

 Đội cồng chiêng thôn Gò Đá Chẹ biểu diễn

Bà Lâm tâm sự: “Trong Câu lạc bộ hiện nay chủ yếu là phụ nữ. Chúng tôi đều đã ở tuổi xế bóng, yêu tiếng chiêng lắm nên chỉ mong sao các con cháu cũng quý trọng và nối tiếp. Vì vậy, việc truyền nghề cho lớp trẻ hiện nay là khó khăn hơn cả”.

Rời núi Tản khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối, nhưng đâu đó, văng vẳng bên tai chúng tôi bản hòa tấu của dàn cồng chiêng như thể vẫn vang lên, ngân nga giữa núi rừng như lời tiễn, lời chúc cho một năm mới sắp đến tràn đầy hạnh phúc. Tuy nhiên, đâu đó trong chính bản hòa tấu cồng chiêng giữa núi non hùng vĩ ấy vẫn thấy chứa đựng một nỗi niềm khó diễn tả, bởi không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người cũng thấy rằng, những người như bà Lâm, bà Túng… đang âm thầm cống hiến, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nhưng dù sắp đi gần hết cuộc đời vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Phạm Tài – Phúc Huy

Tin khác

Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Khu du lịch Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề: Hà Tĩnh - thanh âm ngày nắng mới. Chương trình với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách trên địa bàn cả nước tham gia.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 21/4, Hooked Entertainment tổ chức buổi họp báo ra mắt thông báo chính thức trở lại thị trường âm nhạc điện tử Việt Nam và mong muốn đưa dòng nhạc EDM này trở lại thời kì “hoàng kim”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Hi_King Lake, khu resort đẳng cấp, một danh xưng mang dấu ấn đặc biệt của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, gắn liền với nhiều điển tích lịch sử từ thời vua Lê, mang vẻ đẹp hài hòa của thiên và nhân tạo đem đến cho du khách những trải nghiệm nghỉ dưỡng sang trọng độc đáo mà hiếm nơi nào có được.