SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 08/12/2024
  • Click để copy

Mùa xuân bản Lác

08:16, 07/02/2021
(SHTT) - Từ thuở còn học sinh trung học, tôi luôn khắc khoải với câu thơ của Quang Dũng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trong bài thơ Tây Tiến một thời khí thế, kiêu hùng. Ký ức đã đưa bước chân tôi từ miền Nam thẳm xa về khám phá vùng đất Tây Bắc này.

Tìm đọc vài tài liệu trước khi lên đường tôi biết được Mai Châu là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội 140 km, giáp với Mộc Châu của Sơn La và Pù Luông của Thanh Hóa. Bao bọc bởi những dãy núi hùng vỹ quanh năm mây phủ của Tây Bắc, thung lũng Mai Châu có khí hậu khô, mát mẻ và trong lành.

Có 2 cung đường chính  để tới Mai Châu. Một là đi từ Nguyễn Trãi (Hà Đông) – Quang Trung – Ba La – Chúc Sơn – Xuân Mai – Lương Sơn – Kỳ Sơn – Hòa Bình – Cao Phong – Tân Lạc – Đèo Thung Khe. Đi hết đèo Thung Khe đi thêm 6 km theo đường 15 để tới Mai Châu. Hai là từ Đại lộ Thăng Long ra Hòa Lạc, rẽ trái về Xuân Mai, đi thẳng theo quốc lộ 6 tới ngã rẽ vào Mai Châu. Và, tôi chọn đi đường 1 và về đường 2.

Tuy nhiên, đam mê của tôi lại bị anh bạn Hà Nội dội ngay một gáo nước lạnh, làm tôi chưng hửng. Anh bảo rằng, Mộc Châu mới đẹp, bởi đó được mệnh danh là Đà Lạt của miền Bắc, cao nguyên của những cánh đồng hoa. Mai Châu thì chẳng có gì, ngoài những địa danh đi vào lịch sử qua trang thơ hào hùng của Quang Dũng. Nếu đã đến Mai Châu thì cố dấn thêm 60 km nữa qua một con đèo là đến Mộc Châu chứ đừng ở lại trong bản.

Nhưng không gì có thể làm mờ đi những mong muốn tìm về với ký ức sâu đậm ngày non trẻ, nấn ná vài ngày ở Hà Nội, tôi lên đường theo ý nghĩ ban đầu của mình. Đến thành phố Hòa Bình tham quan xong, tôi tiếp tục đi Mai Châu, cách 60 cây số.

5

 

Trên đường đi, tôi dừng lại nơi lưng đèo Thung Khe, vì thấy có nhiều đoàn xe du lịch dừng lại nơi này cho hành khách check-in vẻ đẹp. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình, mây như sà xuống mặt đường, ngập tràn thung lũng. Ven triền đèo, có mấy túp lều ủ khói thơm từ những thực phẩm nướng.

Ở đây có cơm lam, thịt ướp gia vị đặc trưng miền Tây Bắc, có bắp, trứng gà, mía… tất cả đều nướng lên, rộm vàng và thơm phức. Mùi thơm nghe cồn cào trong gió lạnh lưng đèo. Riêng tôi, ấn tượng nhất là món bắp. Có lẽ vì mọc trên những khe đá, nên bắp rất ngọt và thơm. Hạt bắp căng mẩy, giòn, bùi. Nướng lên rất hấp dẫn. Ăn một lần là không thể quên! Co ro tránh gió, thực khách sưởi ấm đôi tay lạnh cóng trên bếp lửa than hồng của núi, vừa ăn, vừa trò chuyện thật vui và ấm áp. Những câu chuyện của những du khách chưa quen trở nên gần gũi, chân tình hơn.

4

 

Tới Mai Châu trời ngả về chiều. Phía xa, cuộn lên từng vòng khói toả dàn ra mênh mang. Bản làng chìm trong lảng bảng như sương giăng. Cảnh đẹp đến nao lòng. Câu thơ Quang Dũng ngày ấy một lần nữa trở về nguyên vẹn:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

 Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”

Câu thơ gợi lên không chỉ là cơm nếp, là mây phủ, là khói mơ mà câu thơ còn gọi nên cả nỗi nhớ niềm thương về những người anh hùng Tây Tiến đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Ngược dòng lịch sử, ngay từ khi mới thành lập, vào ngày 15/4/1947, Trung đoàn Tây Tiến (sau đổi thành Trung đoàn 52), đã phải ứng chiến với cuộc đánh chiếm Hòa Bình của quân đội Pháp. Pháp cũng muốn chiếm giữ hai con đường, số 6 và 15, để chia cắt hành lang chiến lược giữa Khu 4, Khu 3 với miền Tây Bắc - Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc tấn công căn cứ địa Việt Bắc và phối hợp với quân viễn chinh Pháp đóng ở Thượng Lào đánh phá cách mạng cả hai nước. 

Mai Châu là một địa bàn trọng yếu đối với miền Tây Bắc, một chốt chặn hữu hiệu để tiêu diệt quân Pháp từ vùng cao đánh xuống, đồng thời cũng là bàn đạp tiến công, triển khai những chiến dịch khi thời cơ đến. Từ đây án ngữ đường số 6 huyết mạch cho các đoàn quân tiến lên Tây Bắc, cơ động sang Lào, xuôi về Thanh Hóa… Đặc biệt con đường 15 chạy qua thị trấn Mai Châu lại hợp lực với đường thủy sông Đà, sông Mã, tạo nên thế vững vàng “tiến có thể đánh. lui có thể giữ”.

Từ những trận chiến oai hùng năm xưa, để đến ngày nay không ai có thể quên những hình ảnh bi tráng: “Tây Tiến người đi không hẹn ước. Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy. Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Năm 1990, Nhà nước đã xây nhà bia Tây Tiến tại Mai Châu như một sự tôn vinh thành kính với một trung đoàn lừng danh làm khiếp vía quân thù.

 Mai Châu - có lẽ đối với nhiều người, trong đó có anh bạn tôi, thì cũng chỉ là địa danh in đậm dấu ấn lịch sử dân tộc. Nhưng với tôi, thì đây còn là một nơi thơ mộng, dịu dàng, nhất là mỗi độ xuân về. 

Thị trấn Mai Châu nằm trong thung lũng bao quanh bởi những ngọn núi xanh mướt, phong cảnh thiên nhiên yên bình, không khí trong lành, thoáng mát. Du khách đi dạo khu vực này bằng xe điện hoặc bằng xe đạp của người làm du lịch. Anh tài xế vừa lái xe vừa hướng dẫn cho tôi biết, Hòa Bình là xứ Mường, nhưng lại lọt cái bản Lác, bản làng đẹp nhất nơi đây, in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng. Có 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vi, Mác, Lộc. Ngôi làng đã tồn tại được 700 năm cho đến nay. Phần lớn cư dân sinh sống tại đây là người dân tộc Thái với nghề nghiệp chủ yếu là làm nương và dệt thổ cẩm.

9

 

Ngày nay, với trào lưu du lịch khám phá thiên nhiên cùng đi tìm bản sắc của đồng bào bản địa, thương hiệu “Bản Lác” ngày thêm nổi tiếng bởi phong cảnh, rượu ngon và điệu múa của những cô gái Thái. Do vậy, du khách ngày càng tăng, mật độ ngày càng nhiều, bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành, vì đã có được lượng khách nội địa lấp đầy vào đó.  Nhờ vậy, người dân đã bắt đầu chú trọng hơn về các hoạt động kinh doanh du lịch như xây dựng nhà nghỉ, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ thiết bị dụng cụ hiện đại, nhằm tạo điều kiện phục vụ du khách để tăng thêm kinh tế cho bản làng. Dù thế, người dân bản Lác vẫn cố gắng dung hòa giữa việc phát triển du lịch và bảo tồn những giá trị văn hóa, nếp sống có từ xa xưa.

3

 

 Gần đó, một bản khác cũng hấp dẫn du khách, đó là bản Pom Coọng. Pom Coọng tiếng Thái nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng (Pom là quả đồi, Coọng là cái trống).

 Chúng tôi băng qua những thửa ruộng trải dài, xen lẫn những bản làng mộc mạc, yên bình, đẹp như tranh, thỉnh thoảng thì ghé nhà sàn bán đầy thổ cẩm. Tuy vậy, nhưng nghề dệt thổ cẩm nơi này dường như còn quá ít, nên chủ yếu hàng bán là hàng của Trung Quốc nhập sang. Nhiều du khách, khoác lên mình những bộ đồ đồng bào Thái nơi đây để lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm, có những người còn mua về để ủng hộ đồng bào địa phương.

7

 

Nhà sàn ở đây đều là loại nhà sàn cao ráo, cách mặt đất chừng 2m được chống đỡ bằng những cột gỗ vững chắc. Mái nhà được lợp bằng lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ có kích thước lớn, vừa đón được gió mát vừa là nơi thoáng đãng để treo các giỏ hoa phong lan trang trí cho ngôi nhà. Hiện nay, các nhà sàn dùng vào việc kinh doanh như thế này đã được cải tiến nhiều về nguyên liệu xây dựng cũng như luôn được trang bị khá đầy đủ các tiện nghi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp chân xác và mộc mạc nguyên thủy của nó.

Hầu hết các gia đình trong bản Lác đều làm du lịch cộng đồng. Họ làm đủ thứ, từ đưa du khách đi khám phá núi rừng, thăm bản làng, tìm hiểu về sinh hoạt của người dân tộc Thái. Tối đến, còn có dịch vụ homestay, du khách sẽ được ở lại trong những ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân tộc Thái, với giá khá mềm 300k cho 4 người.

Nhà homestay ở bản Lác có sàn nhà lát bằng gỗ, nhà nào cũng cao ráo, sạch sẽ và giữ được truyền thống kiến trúc cổ. Bên trong nhà có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng, chính giữa nhà là sàn ngồi để ăn cơm và uống trà.

1

 

Du lịch cộng đồng nơi đây không thể thiếu điệu xòe của người Thái. Vậy, điệu xòe có tự bao giờ? Đây lại là câu mở đầu của bài hát xòe mà chúng tôi nghe khi quay quần với các cô gái Thái hát với loa kẹo kéo. Sau khi hát ca với điệu xòe, múa sạp cùng những thanh cây xập xình, tôi có cảm giác vui nhưng thoáng chút buồn cho những sự hiện đại nơi đô thị đã đưa vào trong bản miền sơn cước xa xăm này.

Chuyện ăn uống bây giờ không còn hấp dẫn như trong lời thơ của những ngày xa xưa nữa. Ngày nay, đặc sản đã được nâng cấp thành thương hiệu của vùng miền dành phục vụ cho khách du lịch. Khách đến đây, không thể bỏ qua món xôi nếp thơm lựng trong ống lam ăn kèm lợn Mường, cá suối hấp lá dong, thịt gà đồi, su su luộc chấm muối vừng, rau cải mèo luộc đăng đắng để lại dư vị ngọt lịm nơi đầu lưỡi.

Tuy nhiên, do cạnh tranh và có nơi không giữ uy tín khi có khách đông, nhiều món bây giờ ăn nhạt nhẽo. Có khi ché rượu cần uống cũng nhạt, không còn vị thơm như trước đây. Có lẽ ngành “công nghiệp không khói” nơi này phát triển tự phát, nên nhiều người chưa thể quan tâm đến thương hiệu cho vùng miền, chỉ nhằm cái lợi trước mắt mà hành xử. Điều này, gây ấn tượng không hay cho khách thập phương, nhất là từ nơi xa, đã từng nghe truyền tụng rằng, đồng bào nơi đây rất mộc mạc, chất phác, hiền lành và gần gũi.

Tôi cứ giữ nguyên cái cảm giác lâng lâng bí ẩn ngan ngát hương nếp khi chiều dần buông và khói lam chiều bay trên bản Lác. Bất chợt nhớ lời thơ Vũ Hữu Định trong nhạc Phạm Duy qua bài Còn một chút gì để nhớ:  “May mà có có em/ Đời còn dễ thương/Em Pleiku má đỏ môi hồng…” Và, ở Mai Châu, may mà có Quang Dũng, Mai Châu trở nên huyền ảo trong tâm trí bao người.

8

 

6

 

Bản Lác giờ đúng là một bản du lịch. Mùa xuân đến với bản Lác với nhiều loại hoa đặc trưng của miền sơn cước như ban, tạm giác mạch, đào… Bước đi ra khỏi bản Lác nhưng lòng vẫn còn luyến lưu về những cái bản sắc đang nhạc nhòa, rồi hy vọng rằng, ngày mai, bản Lác sẽ khác, sẽ hồn hơn, mộc mạc hơn, dù cuộc đời có ra sao. Phía xa cánh đồng, đàn cò đang chao liệng, dường như cũng tin vào một sự thay đổi kỳ diệu vào ngày mai.

Duy Khanh

Tin khác

Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Tối ngày 6/12, VinFuture 2024 đã chính thức công bố các chủ nhân giải thưởng. Theo đó, giải thưởng đã vinh danh 10 nhà khoa học là tác giả của những nghiên cứu về mạng nơ-ron, học sâu, liệu pháp điều trị ung thư, vaccine dạng uống ngừa bệnh tả và vật liệu sinh học giúp cơ thể tự chữa lành.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Chia sẻ được đưa ra trong hội thảo "Tương lai của AI" do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 5/12 tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình là một trong chuỗi hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2024.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Báo Nhà báo và Công luận vừa tổ chức Lễ trao Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí" năm 2024. Giải thưởng đặc biệt tại Lễ trao giải năm nay được trao cho tác phẩm "Những hình ảnh xúc động tại Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng 6/12, Lễ khai trương hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính TP Hà Nội được diễn ra tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là sự kiện quan trọng của TP trong nỗ lực hoàn thành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền số.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 5/12 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AI). Ủy ban ra đời với sức mệnh đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của AI và bảo vệ các giá trị xã hội.
. ..