SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Mối lo chỉ số giá tiêu dùng giảm

08:44, 21/07/2012
Một số địa phương vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7-2012 tiếp tục bị âm, trong đó CPI của Hà Nội và TP.HCM giảm lần lượt 0,29% và 0,57% so với tháng trước.

Các chuyên gia kinh tế đang lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế khi đi kèm với hiện tượng CPI giảm là chỉ số tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao, sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục đình đốn và sức mua của người dân dần cạn kiệt.

Giá giảm, sức mua vẫn yếu

Sau khi đã giảm 0,29% so với tháng trước, Cục Thống kê Hà Nội công bố CPI tính đến tháng 7-2012 chỉ còn tăng 2,27% so với tháng 12-2011 và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2011. Các nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hóa đều giảm khá mạnh. Cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,2%; nhóm giao thông giảm 2,9%.

Tương tự, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết chỉ số giá ở nhóm hàng giao thông đã giảm 2,89%; nhóm hàng nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, chất đốt giảm 2,15% so với tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này cũng giảm 0,1%.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến CPI ở các thành phố lớn giảm trong tháng 7 là nhờ vào hai lần giảm giá xăng dầu liên tiếp vào ngày 21-6 và 2-7. Cả hai đợt giảm giá xăng dầu này đều nằm trong khoảng thời gian tính CPI tháng 7. Nhờ đó, các doanh nghiệp vận tải bắt đầu giảm giá cước vận chuyển hàng hóa.

Chỉ số giá tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm ở cả Hà Nội và TP.HCM. Tại các chợ ở TP.HCM như chợ Tân Định (Q.1), chợ Phạm Văn Hai, chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình)... so với vài ngày trước giá nhiều mặt hàng rau củ đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg, các loại thịt gà, vịt giảm 5.000-7.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết giá tại các chợ giảm hầu như không phải do các đầu mối giảm giá mà do ế ẩm. Bà Hồng, kinh doanh mặt hàng thịt heo tại chợ Hòa Hưng (Q.10), nói: “Giá đã giảm thế, nhưng đến cuối trưa đầu giờ chiều có khi chấp nhận lỗ 5 giá, 10 giá là chuyện bình thường”.

Nhấn mạnh hiện tượng sụt giảm của CPI là do sức mua quá yếu, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho biết doanh số bán hàng của các siêu thị vẫn đang giảm trong 10-15%. Theo ông Phú, CPI giảm gây ra nhiều lo ngại hơn là đáng mừng. Bởi khi người dân co cụm, sức mua yếu ớt sẽ kéo theo tồn kho hàng hóa trong doanh nghiệp và sản xuất đình trệ.

Cần kích cầu tiêu dùng

TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng hiện tượng CPI âm trong tháng 7-2012 đã được dự báo trước bởi sức mua quá yếu và lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp còn quá nhiều. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương (tính đến tháng 6-2012), lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó tồn kho ngành ximăng tăng 29,3%; ngành bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; đồ uống không cồn tăng 23,8%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%... Ông Long cho rằng hiện tượng tiếp tục ở mức âm của CPI là điều đáng lo. Bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Ông Phú cũng cho rằng các nhà kinh tế thế giới đã nghiên cứu lạm phát ở mức 6-7% là phù hợp cho sự phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay CPI của đầu tàu kinh tế là TP.HCM chỉ tăng 1,47% so với tháng 12-2011, chưa kể tình trạng âm có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nếu hàng tồn kho trong doanh nghiệp cao và sức mua của người tiêu dùng vẫn thấp.

Do đó, theo ông Phú, Chính phủ cần kích cầu tiêu dùng bằng cách tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, cần có các chính sách mạnh như giảm thuế VAT, tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... “Phải làm sao để người tiêu dùng có tiền để chi tiêu mới mong doanh nghiệp giải phóng được hàng tồn kho và duy trì hoạt động sản xuất” - ông Phú nói.

Tương tự, theo ông Ngô Trí Long, để giải quyết câu chuyện CPI âm liên tiếp, điều quan trọng là tháo gỡ hàng tồn kho trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Ông Long nhận định: “Doanh nghiệp ở các nước trong khu vực chỉ vay vốn lãi suất 7-8%/năm, trong khi doanh nghiệp VN phải vay khoảng 15%/năm. Như vậy cho thấy dù đã giảm so với đầu năm nhưng mức lãi suất mà doanh nghiệp ta phải chịu vẫn rất cao”.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM từ đầu năm đến nay

 

 

Thời điểm

Tăng so với tháng 12-2011 (%)

Tháng 1-2012

0,89

Tháng 2-2012

1,32

Tháng 3-2012

2,35

Tháng 4-2012

2,43

Tháng 5-2012

2,49

Tháng 6-2012

2,05

Tháng 7-2012

1,47 

Tin khác

Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Thương hiệu 2 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ Chuối tươi hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị AEON Hong Kong.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.