SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Dự kiến bán mô tô bay do Việt Nam sản xuất vào năm 2024

10:42, 11/11/2022
Dự kiến năm 2024, sản phẩm mô tô bay thương mại đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sẽ được bán ra với giá dao động từ 81.000 USD đến 99.000 USD (tương đương 2 tỷ đến 2,46 tỷ đồng).

Trong khuôn khổ triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) 2022, Airlios, một công ty có trụ sở ở Hà Nội đã trưng bày mẫu mô tô bay đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Ông Mai Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý dự án của Airlios cho biết từ thời điểm năm 2012, khi những thiết bị bay không người lái (drone) đầu tiên được thiết kế, hãng này đã có ý tưởng chế tạo ra những thiết bị bay cá nhân giúp con người có thể tự do di chuyển trên không trung.

"Với kinh nghiệm trong nghiên cứu và sản xuất thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp, hãng đã liên tục thử nghiệm các mô hình tải trọng cao phục vụ các ứng dụng khác như cứu hộ cứu nạn, vận chuyển hàng hóa và giao thông. Việc thử nghiệm những thiết bị bay lớn, có khả năng tải lớn hơn 50kg được chúng tôi triển khai từ 2020, tới nay thiết bị có thể nâng tải trọng 100kg và vận hành tối đa 23 phút với hệ pin năng lượng hiện tại", ông Mai Anh Tuấn chia sẻ.

HMK_3073

 Thiết kế của mô tô bay Airlios có tám cánh quạt, trọng lượng của mô tô được cân bằng chính xác với lực nâng tạo ra bởi các cánh quạt. Ảnh: Airlios

Hiện tại, bản mô tô bay đầu tiên của Airlios – Air One đã thử bay trong 1 tháng, với 100 giờ bay và khoảng 1000km đường chủ yếu tại Kiên Giang và Tây Ninh, ngoài ra cũng đã thử nghiệm bay tại Hà Nội. Sắp tới, Airlios đang hướng tới bay thử nghiệm tuyến bay vượt biển từ Hà Tiên ra Phú Quốc.

Mẫu mô tô bay của hãng Airlios được lắp 8 mô tơ điện không chổi than, tổng công suất 37,5 mã lực, cất cánh sau 10 giây từ phương thẳng đứng.

Thiết bị sử dụng pin sạc với bộ 8 pin lithium-ion 27.000mAh độc lập, cung cấp điện cho 8 mô tơ điện chia đều ở 4 trục để dự phòng trường hợp một pin bị sự cố vẫn cho phép máy bay đáp an toàn. Với trạm sạc DC công suất 30kW, pin sạc 30-90% khoảng 5 phút, 90 - 100% cần thêm khoảng 4 phút, tổng thời gian sạc đầy 7 - 9 phút.

Mô tô bay của hãng có thiết kế một chỗ ngồi có thể chở một hành khách, được vận hành với hai chế độ bán tự động và hoàn toàn tự động. "Vì giới hạn trọng tải, cũng như để phù hợp với giá thành, năng lực sản xuất, điều kiện địa hình tại Việt Nam và Đông Nam Á, hiện Airlios chỉ mới lựa chọn sản xuất mô tô thay vì ô tô/taxi bay. Tuy nhiên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu để cho ra mắt những mẫu lớn, chở được nhiều người hơn", ông Mai Anh Tuấn nói. 

Phương tiện cũng được thiết kế với các khả năng thực hiện lập kế hoạch đường bay tự động. Theo nhà sản xuất, công nghệ này được hỗ trợ bởi nhiều cảm biến cùng làm việc để tạo ra những phép đo chính xác, hỗ trợ giám sát mặt đất, hỗ trợ quay trở lại và liên lạc với trung tâm điều hành trong thời gian thực trong khoảng cách 100km.

Mỗi chiếc mô tô bay được bảo trì 2000km 1 lần, mỗi lần trước khi cất cánh có quy trình kiểm tra bảo trì riêng bởi kỹ sư chuyên nghiệp để đảm bảo sự an toàn. Thời gian bảo hành mô tô bay khoảng 3 - 5 năm. 

HMK_3046

 Vì chạy bằng pin nên mô tô có sức bền trong 20 phút bay, trong phạm vi 33km mỗi lần sạc và có thể đạt tốc độ lên đến 100km/h. Ảnh: Airlios

Ông Mai Anh Tuấn cho biết: "Công suất hiện tại xưởng có thể lắp ráp 1 tháng 4 chiếc. Dự kiến năm 2023, Airlios sẽ xây dựng nhà máy với công suất 300 chiếc 1 năm, dự kiến xây dựng nhà máy sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Hiện tại Airlios đang tiến hành khảo sát khu vực công nghệ cao Huế để xây dựng nhà xưởng".

Bản thương mại của Airlios dự kiến sẽ được bán vào năm 2024 với 4 mẫu mã Air One, Pegasus, Minotaur và Custom. Giá bán thấp nhất cho phiên bản Air One rơi vào khoảng 81.000 USD (tương đương 2 tỷ đồng).

Theo đại diện nhà sản xuất, vì là lĩnh vực còn khá mới mẻ trên thế giới cũng như tại Việt Nam nên hành lang pháp lý cho phương tiện bay siêu nhẹ chở người chưa được thống nhất cụ thể ở bất kỳ quốc gia nào. Hơn nữa, các chuẩn ISO đánh giá hiện nay đang sử dụng rộng rãi như tiêu chuẩn ISO 5015 và ISO 5491 vẫn dành cho thiết bị bay không người lái, chưa có đánh giá cho thiết bị chở người. Vì chưa có bộ tiêu chuẩn riêng nên một số hãng lựa chọn đăng ký thiết bị dạng này dưới hình thức phương tiện bay siêu nhẹ hoặc máy bay cá nhân 1 - 2 chỗ dùng trong vận chuyển hoặc canh tác nông lâm nghiệp,… 

Phần lớn các Startup trong lĩnh vực này đang quảng cáo, nhận đặt và bán sản phẩm trong tình trạng testing phase (kiểm thử), chủ yếu phục vụ nghiên cứu và người mua sẽ chịu trách nhiệm chính trong vận hành thiết bị.

Trước mắt, Airlios có thể được các tổ chức, cá nhân mua và sử dụng cho mục tiêu thí nghiệm. Ngoài ứng dụng chính là phương tiện vận tải hành khách, Airlios hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng hay phục vụ vận chuyển hàng hóa trong nội đô. Nếu triển khai có hệ thống đồng bộ từ nhà nước và công ty, dịch vụ chuyển và cứu hộ cứu nạn bằng thiết bị bay không người lái có thể trở thành sản phẩm có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành F&B và tìm kiếm cứu nạn.

Võ Liên

Tin khác

Khoa học Công nghệ 19 giờ trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Weichai Power của Trung Quốc mới đây đã chính thức ra mắt động cơ diesel đầu tiên trên thế giới đạt được mức hiệu suất thân nhiệt lên tới 53,09%. Đây là thành tựu sau nhiều năm nghiên cứu từ đội ngũ sản xuất của công ty này.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.