Mạng xã hội ra đời đã 'lấy mất nghề' của báo chí
Báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất ban hành chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.
Chất vấn Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết: Trong giai đoạn bùng nổ thông tin với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, hiện tượng người người làm báo, nhà nhà làm báo để làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, có nhiều nội dung giật gân phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận, nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời có các giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói là “lấy mất nghề của báo chí”. Nghề báo chí trong nhiều năm nay tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu “phóng viên” mà không mất tiền, họ ở khắp mọi nơi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn giữ vững “trận địa” của mình, phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội.
Trước đây, báo chí trong không gian thực mình là lực lượng chủ đạo, bây giờ lên không gian mạng, có thể về mặt số lượng mình không chủ đạo nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, chất lượng ở cả tin tức và nội dung.
Theo ông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.
“Chúng tôi cũng xác định cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện”, ông Hùng bày tỏ.
Vân Anh