SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 18/03/2024
  • Click để copy

Luxembourg - quốc gia giàu đẹp

14:58, 14/10/2019
(SHTT) - Từ Pháp, tôi đến thành phố Luxembourg, thủ đô của nước Luxembourg, bằng tàu lửa. Trời nắng vàng ươm được phơi mình trong làn nắng sớm, chìm đắm giữa bầu trời phủ lấp hoa anh đào và những cơn gió hòa mình vào cánh đồng cải, tạo thành biển sóng hoa cải vàng ươm.

Tìm hiểu tuyến đường sắt này tôi được biết, đây là mạng lưới đường sắt xuyên biên giới hiện nay. Nó kết nối thành phố Luxembourg với các nước láng giềng của Luxembourg. Cụ thể phía Bắc là (Bỉ) - phía Đông (Đức), phía Nam và phía Tây (Pháp). Từ ga tàu lửa, chỉ đi bộ vài bước là đến trung tâm Luxembourg. Thành phố này tuy nhỏ nhưng lại được chia ra tới 24 quận, trong đó có những khu vực mà khách du lịch thường xuyên lui tới là ga xe lửa (Gare), khu phố hiện đại Kirchberg, khu phố cổ Ville Haute (phố cao) và Ville Basse (phố thấp).

phap-1

 Chemin de la Corniche, nơi được mệnh danh “Chiếcban - công đẹp nhất châu Âu”. Vắt qua thung lũngAlzrtte, con đường này tạo cho khách tham quan mộtcái nhìn bao quát Luxembourg.

Luxembourg hình thành từ lâu đài cổ

Luxembourg là một phần lãnh thổ trong đế quốc Charlemagne. Lịch sử được ghi lại của Luxembourg bắt đầu với việc chiếm được Lucilinburhuc (ngày nay là lâu đài Luxembourg) bởi Siegfried - Công tước xứ Ardennes - vào năm 963. Tên hiện nay của Luxembourg có nguồn gốc từ tên trước đây là Lucilinburhuc.

Thành phố Luxembourg tuy nhỏ bé, nhưng ngoài những trụ sở của Liên Hiệp Quốc và ngân hàng hàng đầu châu Âu, còn có nhiều cảnh quan tuyệt đẹp. Nơi đây được mệnh danh là “Trái tim xanh” của châu Âu, vì thành phố này nằm trên cao phủ quanh bởi cây xanh tươi mát. Khu phố cổ của thành phố này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Lướt xe dạo thành phố, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là cây cầu cổ được xây dựng vào năm 1859 - 1861 qua thung lũng Pétrusse có các cột trụ cao 30 mét, với tổng chiều dài 290 m. Song song đó cũng có một cây cầu ấn tượng khác, rất xinh đẹp bắt qua con sông giữa lòng thành phố đầy mộng mơ. Người hướng dẫn viên giải thích đây là cây cầu Adolphe được đặt theo tên của Đại Công tước.

phap-9

Cầu Adolphe ngang qua Pétrusse, nối Boulevard Royal, ởVille Haute, đến Avenue de la Liberté, ở Gare. Với chiều rộng17,2 m, cầu có 4 làn đường giao thông, 3 làn đường đến Garevà một làn xe buýt tới Ville Haute. 

Nó không chỉ là một cây cầu, nhưng với kiến trúc mái vòm bằng đá lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, nên nó còn là biểu tượng thể hiện tính độc lập của Đại Công Quốc này. Hai kiến trúc sư người Pháp Paul Séjourné và người Luxembourg Paul Rodange đã thiết kế và cho xây dựng vào năm 1903. Du khách đến đây không chỉ bị thu hút bởi cảnh quan xung quanh tạo nên hai hình ảnh giữa Luxembourg cũ và mới.

phap-4

 Cầu “Cũ” được xây dựng vào năm 1859 - 1861 qua thung lũngPétrusse có các cột trụ cao 30 mét, với tổng chiều dài 290 m

Ở đây có nhiều tòa nhà và tượng đài nổi tiếng như Cung điện Guillaume II, Cung điện Đại Công Tước, Quảng trường d’Armes, Nhà thờ Đức Bà... Ngoài ra, Đài tưởng niệm G-lle Fra, Quảng trường Hiến Pháp (Place de la Constitution) là những địa điểm thu hút du khách hàng đầu.

Tuy vậy, nhưng nhiều người cho rằng, điểm tham quan nổi tiếng nhất của Luxembourg lại là Chemin de la Corniche, nơi được mệnh danh “Chiếc ban - công đẹp nhất châu Âu”. Vắt qua thung lũng Alzrtte, con đường này tạo cho khách tham quan một cái nhìn bao quát Luxembourg.

Từ đây dễ dàng tiếp cận lâu đài Luxembourg hay còn được biết đến là Pháo đài Burke (tên khác là pháo đài Casemate Bock), hệ thống pháo đài ngầm dưới lòng đất được xây từ năm 963, dưới thời Công tước Sigefroy (Sigfried). Lâu đài là tàn tích lâu đời nhất ở thành phố Luxembourg, nằm ngay trên rìa của Grand Canyon ở phố cổ. Dòng sông Alzette bao bọc xung quanh bức tường đá đã vô tình tạo thành bức tường phòng thủ tự nhiên cho lâu đài. Khi Công tước Siegfried xây dựng “lâu đài thu nhỏ” của ông ấy, lâu đài đã hiện diện ở khu vực này, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của thành phố đến quy mô hiện tại.

Trong hàng thế kỷ, lâu đài đã được củng cố thêm rồi bị tấn công, sau đó trùng tu nhiều lần. Người Burgundy, người Habsburg, người Tây Ban Nha, người Phổ, và người Pháp đều từng gây chiến để giành pháo đài này cho đến khi Hiệp ước London năm 1867 được ký thì mới chấm dứt. Thỏa thuận cũng yêu cầu phải dỡ bỏ các biện pháp phòng thủ để chấm dứt chiến tranh. Phần còn lại của lâu đài ngày nay cùng với các đoạn hành lang ngầm ngoạn mục, các phòng trưng bày nghệ thuật dưới lòng đất tiếp tục thu hút du khách từ các nơi trên thế giới.

Đoạn hầm ngầm Bock Casemates nổi tiếng là đoạn hầm ngầm có tổng chiều dài 23 km và sâu đến 40 m. Những đoạn đường hầm đầu tiên được xây dựng vào năm 1644 và được mở rộng thêm vào 40 năm sau đó bởi kỹ sư quân sự người Pháp Vauban và hoàn thành vào thế kỷ thứ 18 bởi người Áo. Trước đây, đoạn hầm này là một công sự lớn, sau này vì một số lý do dã được tháo dỡ năm 1867, nhưng 17 km tường thành vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Mặc dù là hầm, nhưng Bock có đầy đủ tiện nghi không thua gì một lâu đài, bên trong có cả phòng hội họp, nhà bếp, lò làm bánh, thậm chí là chỗ cho ngựa cũng đều nằm gọn gàng trong hầm. Đoạn hầm được sử dụng triệt để khi thế chiến thứ II xảy ra, với chức năng ẩn náu, nó đã chứa đến 35.000 người.

Năm 1933, Bock Casemates được chính quyền Luxembourg cho sửa chữa và phục vụ du lịch kể từ đó. Từ năm 2008 - 2009, Bock tiếp tục được trùng tu và mở rộng thêm các phòng trưng bày hiện vật, tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của nó.

Năm 1994, công trình được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ngoài các công trình dưới mặt đất và phần còn lại của pháo đài, thì những chi tiết giới thiệu và các câu chuyện lịch sử liên quan chính là một phần trong những di sản giúp cho việc tìm hiểu thêm về lịch sử quân sự của Luxembourg.

Giàu có và thịnh vượng

Luxembourg nằm gọn giữa các “đại gia” Pháp, Đức, Bỉ. Tuy vậy, nhưng Luxembourg chẳng những không bị thôn tính, đồng hóa mà còn vươn lên tầm vóc thế giới. Nhiều người trong những chuyến du lịch vội vàng thường chạy ngang qua đất nước này mà không dừng lại, bởi cho rằng nét đẹp của Luxembourg cũng chỉ từa tựa những anh láng giềng lớn. Thế nhưng dù chỉ dừng chân hai ngày nơi đây, tôi cũng đã ghi nhận được bao điều hấp dẫn.

phap-5

Thành phố nhìn từ trên cao 

Luxembourg là đất nước năng động, lịch lãm, bình yên và lắm điều thú vị, với niềm tự hào là “Trái tim xanh của Châu Âu”. Luxembourg là Di sản Văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận danh hiệu “Thủ đô văn hóa Châu Âu” vào năm 1995 và 2007.

Ngoài tiếng Luxembourg, người dân ở đây còn thông thạo các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Bỉ, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Vào năm 2016, công dân Luxembourg đã có thị thực nhập cảnh miễn thị thực đến 172 quốc gia và vùng lãnh thổ

Luxembourg là đất nước nhỏ thứ hai trong khối liên minh châu Âu, nhỏ đến nỗi cái tên của nó không được ghi thẳng trên một số bản đồ mà phải chú thích ở bên ngoài.

Dù cho diện tích chỉ 2.586 km2 với dân số 580.000 người., nhưng Luxembourg luôn đứng trong top 3 danh sách các nước giàu nhất thế giới. Dữ liệu GDP bình quân đầu người của Luxembourg được cập nhật hàng năm, có sẵn từ tháng 12 năm 1995 đến tháng 12 năm 2018, với số lượng trung bình là 94.202,053 USD. Dữ liệu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 117.428,40 USD (2014) và mức thấp kỷ lục là 47.041.840 vào tháng 12 năm 1997. Luxembourg có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, với 104,906 USD/đầu người (2016), 103.565.057 USD (2017) và đạt 113.192.660 USD (2018).

phap-3

Mạng lưới đường ray xe lửa ở Luxembourg 

Luxembourg hiện tham gia khu vực đồng Euro. Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU. Kinh tế Luxembourg là nền kinh tế phát triển, lĩnh vực chủ yếu là ngân hàng và thép. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (Tài chính - ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP của Luxembourg). Các bạn hàng chủ yếu của Luxembourg là Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Mỹ. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại hàng hóa của Luxembourg thường xuyên thâm hụt, tuy nhiên cán cân thanh toán lại thặng dư, nhờ thu hút được nhiều luồng tài chính từ bên ngoài.

Là nước nhỏ, nhưng Luxembourg có Tập đoàn RTL rất lớn với 34 đài truyền hình, 33 đài phát thanh phủ sóng khắp 12 quốc gia và tập đoàn thép Arcelormital lớn nhất châu Âu. Theo đó, Luxembourg là nơi hội sở của hàng trăm ngân hàng các nước, trong đó có Ngân hàng đầu tư và Văn phòng kiểm toán châu Âu… Bên cạnh London và Frankfurt, Luxembourg là một trong 3 trung tâm tài chính hàng đầu của EU, với hơn 140 ngân hàng quốc tế. Luxembourg cũng là trung tâm quỹ đầu tư lớn nhất ở châu Âu và thứ hai trên thế giới. Các quỹ đầu tư này là bộ công cụ hiệu quả cho tài chính xanh và tăng trưởng xanh.

Hơn 10 năm qua, Luxembourg đã trở thành trung tâm hàng đầu châu Âu về các quỹ đầu tư bền vững và cung cấp môi trường lý tưởng cho các quỹ tài chính khí hậu. Kể từ khi ra đời năm 2016, Sàn giao dịch Xanh của Luxembourg là nhà tiên phong toàn cầu và là ‘thủ đô’ trái phiếu xanh của thế giới, với hơn 186 trái phiếu được niêm yết, chiếm khối lượng hơn 100 tỷ EUR, chiếm hơn một nửa số trái phiếu xanh của thế giới.

Bên cạnh các quỹ đầu tư liên quan đến khí hậu và trái phiếu xanh, Luxembourg còn có các sáng kiến công - tư khác, như Nền tảng Tài chính Khí hậu của Ngân hàng Đầu tư - Châu Âu, Quỹ Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu (FCCF), Quỹ đầu tư kinh doanh nông nghiệp…

Luxembourg hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc. Kiến trúc Luxembourg chịu ảnh hưởng của Pháp, nổi bật là tòa lâu đài Lucilinburhuc được xây dựng cách đây hơn 1000 năm, nhà thờ Đức bà Luxembourg, đại lộ chính của Luxembourg trông na ná như đại lộ Champs Elysées ở Paris. Bên cạnh đó, Cung điện Grand Dukes với kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào năm 1574 - một trong những ví dụ hoàn hảo nhất của kiến trúc thời kỳ Phục hưng với vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế. Nhà hát Luxembourg (tên đầy đủ là Grande-Duchesse Josephine-Charlotte Concert Hall) do kiến trúc sư Christian de Portzamparc thiết kế, là một trong những nhà hát nổi tiếng nhất châu Âu, hàng năm tổ chức đến 400 buổi hòa nhạc. Thánh đường Notre-Dame là nhà thờ Công giáo La Mã, được xây dựng vào năm 1870, mang đậm kiến trúc Gothic pha trộn nét nghệ thuật thời Phục hưng tuyệt mỹ.

phap-7

Lâu đài Vianden với đường lối kiến trúc độc đáo, ấn tượng

Ngoài ra, Luxembourg còn có những lâu đài cũ kỹ rêu phong cả ngàn năm tuổi khác, trong đó nổi tiếng nhất là lâu đài Vianden, nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Dracula. Đất nước này cũng đã sản sinh một số nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng. Bao gồm các họa sỹ Théo Kerg Joseph Kutter và Michel Majerus; nhiếp ảnh gia Edward Steichen, người mà triển lãm The Man of Man đã được đặt vào sổ đăng ký của Bộ nhớ Thế giới của UNESCO và hiện đang ở tại Clervaux; Ngôi sao điện ảnh Loretta Young ...

Dạo quanh đất nước Luxembourg chỉ 2 ngày ngắn ngủi, nhưng cũng có nhiều ấn tượng khó phai. Đó là lúc đến Place Guillaume xem người Luxembourg họp chợ, mua vài món đồ lưu niệm, hoặc ghé khu Place d’Armes hay quảng trường William nhấm nháp một tách cà phê và nghe những bản nhạc réo rắt của ban nhạc đường phố.

Dạo bước ở Boulevard Royal (Đại lộ Hoàng Gia) cũng là một điều thú vị. Con đường được xem như phố Wall của Luxembourg, bởi nó nằm trong khu vực tập trung 220 ngân hàng, làm nên quận Nhà Băng của thành phố này. Nơi đây còn có bảo tàng Ngân hàng, mở cửa miễn phí cho khách đến tham quan, trưng bày lịch sử gửi và phát triển tiền tiết kiệm từ mô hình nguyên thủy nhất là con heo đất cho đến máy ATM.

Miền đất của nhiều điều lạ lẫm

Luxembourg từ lâu đã được nhiều quốc gia ủng hộ vai trò nổi bật của hội nhập kinh tế và chính trị châu Âu. Thành phố Luxembourg cùng với Brussels và Strasbourg là một trong ba thủ đô chính thức của Liên minh châu Âu.

phap-8

Luxembourg có đến 111 cây cầu 

Luxembourg là địa điểm của Toà án Tư pháp châu Âu, Toà kiểm toán viên châu Âu, Văn phòng Thống kê của Cộng đồng châu Âu (“ Eurostat “) và các cơ quan quan trọng khác của EU. Ban Thư ký của Quốc hội châu Âu nằm ở Luxembourg, nhưng Quốc hội thường họp tại Brussels và đôi khi ở Strasbourg .

Luxembourg là trung tâm đầu tư lớn thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ), trung tâm ngân hàng tư nhân quan trọng nhất ở Eurozone và trung tâm hàng đầu của châu Âu cho các công ty tái bảo hiểm. Hơn nữa, chính phủ Luxembourg cũng đã có nhiều chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp dẫn đầu đầu. Cụ thể là Skype và Amazon là hai trong số nhiều công ty Internet đã chuyển trụ sở khu vực sang Luxembourg.

Dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng và tài chính, chiếm phần lớn sản lượng kinh tế. Luxembourg có các phương tiện và dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và đường hàng không hiệu quả. Mạng lưới đường bộ đã được hiện đại hóa đáng kể trong những năm gần đây với 147 km (91 dặm) đường cao tốc nối liền thủ đô với các quốc gia lân cận. Sự ra đời của tuyến TGV tốc độ cao đến Paris, đã dẫn tới việc cải tạo ga đường sắt của thành phố và một nhà ga hành khách mới tại Sân bay Luxembourg đã được khai trương vào năm 2008.

Luxembourg có tên đầy đủ là Đại Công quốc Luxembourg - một nước dân chủ đại nghị và quân chủ lập hiến, được cai trị bởi một Đại Công tước và là đại công quốc duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến đa đảng, đại diện là Đại Công Tước (không có vua) được kế tục theo cha truyền con nối. Theo đó Thủ tướng Luxembourg là người đứng đầu chính phủ. Quyền hành pháp được quy định theo hiến pháp năm 1868 (đã sửa đổi) được thực hiện bởi chính phủ, bởi Đại Công Tước và các Hội đồng Chính phủ (nội các), trong đó bao gồm một thủ tướng và nhiều bộ trưởng khác. Đại Công Tước có quyền giải tán quốc hội và bầu cử lại mới. Các thủ tướng và phó thủ tướng được bổ nhiệm bởi Đại Công Tước sau cuộc bầu cử công khai đến các Viện đại biểu; họ chịu trách nhiệm đối với Viện đại biểu. Quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và quốc hội. Cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp.

Cuối năm 2013, Xavier Bettel chiến thắng trong việc tranh cử thủ tướng đã khép lại 18 năm cầm quyền của ông Jean-Claude Juncker - lãnh tụ đảng Cơ đốc Xã hội bảo thủ, đảng nắm quyền gần như liên tục kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.

Ngày 25/5/2017, trong một bức ảnh tập thể của các Đệ nhất phu nhân khi cùng chồng dự hội nghị nhóm họp của các nước khối NATO, dư luận đặc biệt chú ý đến chồng của Thủ tướng Luxembourg, ông Gauthier Destenay. Đứng giữa các Đệ nhất phu nhân xinh đẹp, ông trở thành tâm điểm chú ý khi là người bạn đời của Thủ tướng đồng tính Luxembourg, Xavier Bettel.

phap-6

Thủ tướng Luxembourg và lang quân được ĐứcTổng Giám mục Georg Gaenswein đón tiếp tạicung điện Apostolic. Ảnh: Getty

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel là một cựu luật sư, được bầu làm lãnh đạo quốc gia vào ngày 4/12/2013. Ông là nhà lãnh đạo đồng tính duy nhất trên thế giới. Bettel lần đầu tiên được bầu vào nghị viện khi ông mới 26 tuổi vào năm 1999. Từ đó trở đi, ông thường nhận được nhiều lời mời tham dự các sự kiện. Ông nói thêm rằng, nếu chồng ông không được mời đi cùng, ông sẽ không tham dự.

Do đó, Destenay xuất hiện cùng thủ tướng trong nhiều sự kiện chẳng hạn như đám cưới hoàng gia của Thái tử Guillaume và nữ bá tước Bỉ Stéphanie vào năm 2012. Cặp đôi cũng đã được Giáo hoàng Francis mời đến Vatican, đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về lập trường của giáo hoàng đối với quyền của người đồng tính.

Ngoài sự khác lạ, Luxembourg còn có khá nhiều điều để tự hào so với các quốc gia khác. Tôi ước tính được 5 điều: Đó là trung tâm kinh tế của châu Âu và là mẫu hình cho một châu Âu nói chung. 100% dân số của Luxembourg biết đọc biết viết. Lương tháng trung bình của một nhân viên văn phòng là 1600 Euro. Số lượng người dân sử dụng điện thoại của Luxembourg cao nhất châu Âu (cứ 100 người thì có 152 cái điện thoại). Và, Luxembourg được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và 2 lần nhận danh hiệu thủ đô văn hóa châu Âu vào năm 1995 và 2007.

Rời thành phố Luxembourg chúng tôi tiến thẳng đến biên giới Đức để tham quan thành phố lịch sử Trier, thành phố cổ xưa nhất của Đức và là nơi sinh của vị lãnh tụ Karl Marx, nhà tư tưởng, nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế.

Biên giới giữa Luxembourg và Đức được hình thành bởi ba con sông : Moselle, Sauer và Our. Cung đường đi này có một quá khứ lịch sử oai hùng bởi những trận chiến chinh tranh giành đất đai triền miên qua nhiều thế kỷ rất đáng khám phá. Nhưng những dư âm từ thành phố Luxembourg vẫn còn in đậm trong tâm trí, nên việc nhắc nhớ hào hùng của những chiến binh thuở xa xưa đã không còn thú vị đối với tôi. Ngồi nhớ những con phố Luxembourg, tôi cảm giác dường như mọi ngõ ngách nơi đây đều có những công trình ghi dấu mọi sự kiện, chỉ thoáng nhìn qua là đã có thể thấy được tinh thần một thời hiện ra.

Thật hiếm để kiếm được một nơi có vẻ đẹp mê hoặc như Luxembourg khi ta chiêm ngưỡng những kiến trúc, hoặc ngắm nhìn những con sông hiền hòa chảy qua lòng thành phố trong lúc chiều tà.

Duy Khanh

Tin khác

Khoa học Công nghệ 5 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 sẽ diễn ra tại tỉnh Bắc Giang trong 3 ngày (20, 21, 22/3). Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.
Tin tức 22 giờ trước
Chuyến bay liên thành phố đầu tiên trên thế giới với một chiếc taxi bay điện trong nỗ lực cách mạng hóa du lịch đã được công ty AutoFlight của Trung Quốc thực hiện thử nghiệm thành công.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm lượng nước nuôi trồng tới 98% và sử dụng ít diện tích hơn, trạng trại thẳng đứng của Dubai được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp bền vững cho vấn đề về nguồn lương thực và bảo vệ môi trường.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Diễn đàn Báo chí Toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Một trong những giải pháp của Huyện Đoàn là phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho ĐVTN; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại; như Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ XII do Trung ương Đoàn phát động trên App Thanh niên Việt Nam...