Lưu giữ tinh hoa làng nghề đúc đồng Ngũ Xã
Người giữ lửa duy nhất của làng
Từ xưa, ông cha thường ca ngợi những làng nghề tinh hoa ở đất Kinh kỳ qua câu vè:
“Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã"
Những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã từ xưa đến nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân kinh thành Thăng Long. Làng Ngũ Xã năm xưa, nay không còn “Lửa nhóm ghen năm gây lò”, dưới sức ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nghề đúc đồng truyền thống bị thu vật liệu thay vào đó là khu phố mới với nhiều nhiệm vụ. Làng bây giờ đã lên thành phố, nhà nối nhà san sát, không còn những bãi đất rộng để các phế liệu có thể đặt lò nung ở làng như xưa. Ngọn lửa lò đốt của các khu đốt đồng Ngũ Xã giờ chỉ còn được giữ bởi gia đình hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng chia sẻ “Tôi hành nghề vào khoảng trên 40 năm theo nghề các cụ của tôi. Khi lập làng những xã này thì các cụ nhà tôi là cái tuổi đời của các cụ tôi đến bây giờ thì đã kế nghiệp là 400 năm làm nghề đúc đồng này. Qua biến động của xã hội là các cụ nhà tôi từ cái đúc đồng xong chuyển sang đúc nhôm để phục vụ cho quốc phòng, phục vụ cho dân sinh. Thì nói chung về đúc đồng của Việt Nam, tôi rất mừng là ở cái chỗ là đúc đồng của Việt Nam đã phát triển được mạnh mẽ, mỗi một làng nghề có một cái nét riêng của làng nghề đấy, cái làng nghề chúng ta còn học hỏi lẫn nhau để làm thế nào cho cái nghề đúc đồng của Việt Nam chúng ta mà phát triển xuất khẩu sang các nước, thu hút và được đánh giá cao thì đấy là cái vui mừng của tôi, cái nghề đúc đồng đã được phát triển".

Ông Nguyễn Văn Ứng - Nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã
Người nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng đã dành phân nửa cuộc đời mình để gìn giữ ngọn lửa đúc đồng. Ông chia sẻ để có thể học và thành thạo được nghề, người thợ phải mất nhiều năm. nhưng để làm được sản phẩm hoàn hảo, được khách hàng đón nhận thì người thợ phải học cả đời. Đây là một quá trình khó khăn, vất vả đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như tính tỉ mỉ trong quá trình làm sản phẩm đúc đồng.
“Nếu để một người làm thợ mà đúc được một sản phẩm hoàn chỉnh thì nó có nhiều công đoạn, trước kia tôi học cha ông tôi thì phải làm từ A đến Z nhưng đến bây giờ thì tôi phải phân chia ra, nếu học như thế thì học cho đến hết đời cũng chưa giỏi được. Cụ thể, bây giờ người ta đưa cho một cái ảnh, chuyển cho người thợ chuyên tạo hình, sau đó tạo hình sẽ được duyệt, nếu chuẩn thì chuyển sang cho người làm khuôn, để đúc đồng".

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng rất tâm huyết với những tác phẩm của mình
Sản phẩm đúc đồng kỳ công
Những người thợ làng Ngũ Xã vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật khi tiến hành các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay. Họ khẳng định tài năng đặc biệt bên cạnh sự thông minh, sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo và đức tính cẩn trọng. Người thợ thủ công còn có bí kíp nghề nghiệp và kinh nghiệm từ lâu đời.
Điều làm nên sự khác biệt trong các sản phẩm của làng Ngũ Xã chính là ở kỹ thuật đúc nền khối. Việc đúc nền khối những sản phẩm nhỏ đã không hề đơn giản, nên việc đúc nền khối những sản phẩm có kích thước lớn thì khó khăn ngày càng nhân lên gấp bội. Để đúc thành công một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với những sản phẩm loại vừa và nhỏ thì mất khoảng 3 đến 4 tháng, còn với những sản phẩm lớn như chuông, tượng,.. thì thời gian hoàn thành có thể tính bằng năm.


Những tác phẩm tượng đồng đúc tỉ mỉ, tinh xảo dưới bàn tay nghệ thuật của người thợ thủ công.
Người trẻ về làng giữ nghề
Nghề đúc đồng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian đã khiến một bộ phận lớp trẻ đổi sang nghề khác. Nhưng với anh Giang Văn Hậu và chị Đinh Thị Thu bằng tình yêu với những giá trị truyền thống của cha ông, họ quyết định theo nghề và kế nghiệp nghề đúc đồng truyền thống.
“Làm nghề phải yêu nghề, thiên về tâm linh nhiều nên cảm giác người thanh thản. Nói chung là làm nghề gì cũng phải yêu nghề mới làm, làm là do cái duyên” - chị Thu chia sẻ.
Làng Ngũ Xã từng phát triển rực rỡ với kỹ thuật đúc đồng liền khối, một kỹ thuật vô cùng khó khăn và phức tạp, điều này cũng tạo nên điểm khác biệt về đồ đồng Ngũ Xã, nhưng giờ đây, hiếm hoi còn sót lại nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng lưu nghiệp. Dù đi ngược với giáo huấn của tổ tiên nhưng ông Ứng vẫn dùng tất cả tâm huyết truyền nghề cho những người nghệ nhân theo học tại xưởng. Ông chung tay góp sức cùng những cùng những người trẻ có tình yêu thiết tha với nghề để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghề đúc đồng làng Ngũ Xã đã có tuổi đời hơn bốn thế kỷ.
Bằng niềm đam mê và tâm huyết của các nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Ứng thì ngọn lửa làng đúc đồng Ngũ Xã vẫn sẽ cháy mãi từ đời này qua đời khác tạo nên linh hồn cho mảnh đất giàu truyền thống, khẳng định sức sống của một làng nghề nằm trong tứ trụ tinh hoa bậc nhất Thăng Long.
Những trăn trở và mong mỏi của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng cũng chính là những gì mà người nghệ nhân duy nhất còn lại của làng nghề Định Công muốn gửi gắm. Trong cơn bão của sự hội nhập các sản phẩm công nghiệp, người nghệ nhân ấy vẫn mang trong mình “ngọn lửa” dành trọn cho nghề thủ công mỹ nghệ của gia đình.
Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản, song nó cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp cũng như sự đoàn kết, quyết tâm của các nghệ nhân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông.
Vân Anh
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
