SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

"Lùm xùm" việc xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch ở Hoài Đức, Hà Nội

13:52, 11/10/2017
(SHTT) - Xã hội hóa trong đầu tư cấp nước sạch nông thôn ở Hà Nội là chủ trương đúng đắn của Hà Nội. Tuy nhiên, phương thức thực hiện xã hóa như thế nào là vấn đề rất quan trọng, tránh tình trạng “biến tấu xã hội hóa”, khiến người dân phải è cổ đóng tiền để “mua quyền sử dụng nước sạch”.

Người dân nói gì?

Vừa qua, Báo điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo nhận được nhiều đơn phản ánh với trạng thái bức xúc của người dân ở huyện Hoài Đức, Hà Nội về vấn đề đóng tiền nước sạch nông thôn.

Theo đơn phản ánh: từ khoảng tháng 4 – tháng 7/2017, xuất hiện Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội tiến hành cắt xén đường bê tông của làng, lắp đặt ống dẫn nước sạch. Người dân trong xóm không được thông báo, họp bàn gì, kể cả việc đường bê tông của làng (do đóng góp xây dựng) bị cắt xẻ để thi công.

Khi đường ống nước chưa được lấp xong, các hộ trong xóm được cán bộ phụ nữ, cán bộ công tác mặt trận phát cho mỗi hộ 01 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị lắp nước sạchThỏa thuận đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống cấp nước sạch do Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội phát hành có đóng dấu sẵn. Theo đó, hộ nào muốn đăng ký lắp đặt nước sạch thì sẽ đồng nghĩa với việc đồng ý nộp 4.200.000 đồng để góp tiền lắp đặt hệ thống cấp nước, số tiền này được khấu trừ vào tiền sử dụng nước hàng tháng ở mức 44.000 đồng.

2-IMG_7979
3-IMG_7980

Một bản Thỏa thuận đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống cấp nước sạch do Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội phát hành có đóng dấu sẵn, đã được hộ dân ký, đóng đủ 4.200.000 đồng 

Tiếp đó, những hộ đã đóng tiền, họ lại phải bỏ tiền ra để chi trả khoản tiền mua đồng hồ và công lắp đặt cho Chủ đầu tư (là Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội). Điều lạ là, “tiền công lắp đồng hồ thu vô tội vạ, tùy thuộc vào ý định chủ quan của thợ lắp nước” (theo đơn người dân phản ánh).

-IMG_7978

Phiếu thu tiền góp xã hội hóa từ người dân do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội phát hành 

Người dân cho rằng: Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội thực hiện dự án như vậy là không minh bạch, chưa chú ý tới tiếng nói của người dân, thậm chí làm sai quy định của Thành phố.

Hé mở những hoài nghi ban đầu?

Kết quả điều tra ban đầu của phóng viên cho thấy: Tại huyện Hoài Đức, Công ty nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội đang triển khai các dự án cấp nước, trong đó nước sạch Hà Đông cấp cho 2 xã Vân Côn và An Thượng, phần còn lại do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội thực hiện.

Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội – WADACO (tên cũ là: Công ty cổ phần Hạ tầng kỹ thuật VTS). Tại huyện Hoài Đức, WADACO có nhiệm vụ: nối mạng (từ đường ống nước tập trung từ Đại Lộ Thăng Long vào địa bàn), cấp nước cho 15 xã, thị trấn: Lại Yên, Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Đức Giang, Sơn Đồng, Vân Canh, Đức Thượng, Kim Chung, Di Trạch, Yên Sở, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và thị trấn Trạm Trôi, với 15 xã – 40.000 hộ - 160.000 dân.  Theo chủ trương của Thành phố, sắp tới, WADACO nghiên cứu đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước cho 09 xã còn lại của huyện Đan Phượng.

Có thể thấy, ở Hoài Đức, WADACO không phải đầu tư xây dựng giếng khoan, trạm bơm và bộ lọc; nhiệm vụ của họ là nối mạng (từ đường ống nước tập trung từ Đại Lộ Thăng Long) vào địa bàn, rồi tiến hành cấp nước cho người tiêu dùng tới đồng hồ của mỗi hộ.

WADACO huy động sự đóng góp của người dân theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức tại Công văn số 4396/UBND-QLĐT về “phương án huy động xã hội hóa thực hiện dự án cấp nước sạch của Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội”. Chưa biết Công văn số 4396/UBND-QLĐT đã được UBND huyện Hoài Đức công khai như thế nào, có nội dung ra sao, nhưng về chi phí xây dựng hệ thống ống dịch vụ và đồng hồ đo nước, UBND Thành phố Hà Nội đã quy định rõ ràng là: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm cả đồng hồ đo nước; sau đồng hồ đo nước do khách hàng sử dụng nước chịu trách nhiệm về chi phí, đầu tư.” (Điều 6 của Quyết định số 69/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ các công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND Thành phố).

Như vậy, ngay từ ban đầu, nhân dân Hoài Đức và dư luận có quyền đặt vấn đề: việc thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội tại Hoài Đức đã đảm bảo tuân thủ nguyên tắc công khai của xã hội hóa? Việc góp tiền của dân có phải là bắt buộc? Mức góp 4.200.000 đồng/hộ sử dụng có hợp lý, dựa trên căn cứ nào? Thu một lần rồi trừ dần theo tháng, hay thu dần theo từng tháng? Quan trọng hơn cả, nội dung thực hiện dự án có trái quy định của Thành phố?

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Hoài Đức và Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội để xác minh thông tin theo phản ánh của người dân, tuy nhiên, hai đơn vị này nhiều lần báo bận, chưa thể có quan điểm chính thức về sự việc.

Báo điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Nhóm PVPL

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 1 ngày trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.